Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn Tết ở Hà Nội có gì vui?

Tết đến là dịp để người ta thấy một vẻ đẹp khác của Hà Nội. Nét cổ kính, trầm mặc của thành phố nghìn năm tuổi như một thứ bảo vật được cất giữ suốt cả một năm dài.

Những ngày giáp Tết, Hà Nội lúc nào cũng tấp nập. Cứ bước chân ra khỏi cửa là thấy người và xe chen nhau trên đường. Kỳ “xuân vận” được mong chờ suốt cả năm bắt đầu.

Trái tim của cả nước đã trở thành nơi nương náu của những con người ở khắp mọi miền đất nước. Giờ là lúc họ về quê, sum vầy bên gia đình và tặng cho Hà Nội một không gian yên tĩnh hiếm có.

Người thưa, đường vắng, bầu không gian tĩnh mịch khác hẳn chuỗi ngày ồn ã thường nhật… Thế nhưng, Hà Nội vẫn có Tết chứ? Những người con sinh ra trên đất Hà thành, những người vì công việc còn bộn bề mà không thể trở về quê, họ vẫn sẽ háo hức đón Xuân sang cùng mảnh đất kinh kỳ nghìn năm tuổi. Vậy Tết ở Hà Nội có gì vui?

Đừng bỏ qua sáng sớm mồng 1

Một trong những điều khiến người ta háo hức nhất khi đón Tết ở thủ đô đó là khoảnh khắc giao thừa, hồi hộp chờ xem pháo hoa. Đêm ba mươi, từng đoàn người đổ về Bờ Hồ để ngắm những đóa hoa lung linh trên bầu trời đêm ấy.

An Tet o Ha Noi co gi vui anh 1
Nhiều người Hà Nội luôn háo hức chờ đến khoảnh khắc giao thừa để được xem pháo hoa. 

Một số người thường ngày thích tĩnh lặng, ngại đám đông xô bồ, nhưng đến ba mươi Tết cũng không từ chối được cái háo hức của khoảnh khắc giao thời mà đổ ra đường.

Giờ đây, đã nhiều thành phố tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới. Nhưng hơn chục năm về trước, những khoảnh khắc diệu kỳ và đầy lung linh như thế chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM mà thôi.

Năm mới sang, đứng cạnh nhau cùng ngắm bầu trời rực rỡ, những hân hoan cứ thế đến tự nhiên nảy nở trong lòng người. Dù không quen biết, người ta vẫn hồ hởi mỉm cười với nhau, cùng chúc tụng cho năm mới vừa sang.

Nếu có cơ hội đón Tết ở Hà Nội, các bạn đừng dại gì mà ngủ nướng vào sáng mồng 1. Hãy tranh thủ ra đường, hít thở cái không khí yên bình, thanh tân hiếm có này.

Nếu không vướng bận nấu nướng hay làm cỗ cúng từ sớm, thì hãy thử đi lòng vòng trong khu phố cổ, ngắm những ngôi nhà nhỏ sơn vàng ấm áp. Dưới bóng cây cổ thụ, những căn biệt thự được xây từ thời Pháp thuộc cứ thế đứng trầm tư, già đi cùng phố phường. Đâu đó, trên những căn gác nhỏ, lá cờ đỏ sao vàng khẽ bay nhè nhẹ, lấp lánh cùng sương sớm.

Mỗi lần về quê ăn Tết, cứ sáng mồng 1 lại nao nao thèm ly cà phê. Ở tỉnh lẻ, cứ phải đến chiều mồng 2, quán xá mới mở cửa trở lại. Nhưng ở chốn thị dân này, hàng quán cả năm gần như không ngủ.

Nếu mồng 1 tốt ngày, chủ quán không nề hà lễ tết mà mở hàng luôn. Niềm vui của ngày đầu năm là gặp được một người khách quen, pha một ly cà phê ấm, chúc tụng nhau vài câu mong cho cả năm buôn may bán đắt.

Mảnh đất không khi nào hết tấp nập

Mới có mấy ngày quay cuồng với tiệc tất niên mà người ta đã thấy ngán. Nhiều người mới sáng đầu năm đã sợ bánh chưng, thịt gà xôi gấc ở nhà. Lúc đó, thấy sao tô bún riêu sóng sánh với gạch cua, hay bát phở nóng xanh xanh những hành nó ngon đến thế.

Thèm thì phải ăn thôi! Thế là lại phóng xe ra quán!

An Tet o Ha Noi co gi vui anh 2
Tết Nguyên Đán là một trong những dịp chúng ta được ngắm một Hà Nội tĩnh lặng. 

Nhiều người cho rằng: cái vui của Hà Nội là ở sự đông đúc, Tết nhất người ta về quê hết vậy Hà Nội còn vui không?...

Vẫn vui chứ! Và mảnh đất này không khi nào hết tấp nập đâu! Mồng 1, nhiều người hay đi chùa để cầu bình an cho năm mới. Những chốn linh thiêng như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc vì thế mà chẳng thể vắng người.

Ra phủ đi lễ, sau đó dạo quanh hồ Tây, đón cơn gió hây hây đầu xuân mới cũng có những thú vị riêng của nó. Dù ở Hà Nội bao nhiêu năm đi nữa, có những dịp ta lại thấy mình như người lữ khách, đang lãng du cùng mảnh đất này.

Ngoài quán xá, đền chùa, Hà Nội vẫn còn nhiều chốn không biết đến nghỉ ngơi vào dịp Tết đến. Rạp chiếu phim là một nơi như vậy. Tết đến, cũng là mùa của nhiều bộ phim hay.

Cả năm bận rộn với công việc, nhiều người chẳng có thời gian ra rạp để xem những bộ phim yêu thích. Và giờ đây là khoảng thời gian tuyệt vời để thưởng thức những thú vui bình dị ấy.

Từ mồng 2 Tết trở đi, không khí phố phường tấp nập hơn hẳn. Người người, nhà nhà, náo nức ra phố du xuân. Không khí Tết dường như cũng đậm đà hơn.

Dịp này, có người thích đến Văn Miếu xin ông đồ một chút "lộc chữ" trong ngày đầu năm. Giấy đỏ, bút nghiên vẫn còn đó để nhắc nhở chúng ta về những giá trị từ ngàn đời phải luôn gìn giữ.

An Tet o Ha Noi co gi vui anh 3
Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu cũng là một nét đẹp trong ngày Tết của người Hà Nội.

Lại có gia đình thích đến phố sách để chơi Tết và mua cho con trẻ món quà tri thức, thay cho lì xì đầu năm. Những gian hàng sách rực rỡ sắc, trang trí cành đào thắm, hoa mai vàng mang đậm âm hưởng của mùa xuân mới.

Mừng tuổi bằng sách là cách thú vị để dạy cho trẻ nhỏ yêu tri thức, ham học hỏi. Nó có ích hơn nhiều so với giá trị của những tờ bạc giấy vô tri được cho vào phong bao đỏ để rồi lũ trẻ đem ra so bì nhiều ít mà chẳng nhận được gì.

Tết ở Hà Nội chỉ đơn giản vậy thôi! Một cái Tết mang âm hưởng của đô thị. Không khí tĩnh lặng của những ngày đầu năm gợi cho ta cảm giác về thành phố này dường như đang ngái ngủ, chỉ uể oải một chút xíu thôi.

Vài ngày nữa, nhịp sống hối hả thường nhật sẽ quay trở về để nhiều dự định trở thành hiện thực trong một năm sắp tới.

Ngày Tết người Việt thường kiêng kị gì để không bị xui?

Kiêng đổ rác, kiêng mặc áo trắng, kiêng đổ vỡ là ba trong số rất nhiều thứ mà người Việt tránh trong ba ngày Tết.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm