Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tục điểm ngực ca nương trong lễ hội Ném Thượng xưa

Lễ hội làng Ném Thượng xưa với nghi thức chém lợn thả mang tinh thần thượng võ, cùng lệ điểm ngực (sờ ngực) ca nương nay đã không còn.

Lễ hội Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) ngày nay thường diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Vài năm nay, lễ hội này là tâm điểm tranh luận mỗi dịp đầu xuân, nhiều người cho rằng tục chém lợn không văn minh, có phần man rợ. Tuy nhiên, một số tài liệu chỉ ra lễ hội Ném Thượng hiện nay khác xa với truyền thống cổ xưa.

Ba tập tục của lễ hội Ném Thượng

Lễ hội Ném Thượng xưa được ghi trong tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị (sách chép tay của thư viện Hiệp hội Á châu, Paris, viết theo lời kể của những người chứng kiến lễ hội diễn ra vào năm 1920). Phần tài liệu liên quan tới lễ hội Ném Thượng này được Tô Lan và Nguyễn Thị Hường dịch, Đinh Khắc Thuần hiệu đính, in trong Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm).

Theo đó, lễ hội Ném Thượng trước đây được chia làm ba phần: Ngày 10 tháng Giêng làm lễ nhập tịch thờ thần. Sáng ngày 15 tháng Giêng giết lợn, tế thần. Tối ngày rằm tháng Giêng, có tục úp đèn điểm ngực.

Tuc diem nguc ca nuong trong le hoi Nem Thuong xua anh 1
Lễ hội chém lợn Ném Thượng năm 2016. Ảnh: Anh Tuấn.

Vào ngày 10 tháng Giêng, từ sáng dân làng đã ra đình dọn dẹp, bày biện đồ nghi lễ. Đến trưa, bốn người mang bốn nồi đất lấy nước giếng về đình, có cờ xí theo rước, hai bô lão dùng khăn đỏ tắm các bài vị và đồ tế tự, sửa soạn xôi gà rượu cúng thần.

Sau đó một kỳ lão sẽ đọc bài khấn có nội dung: "... toàn thể nhân dân trong xã Niệm Thượng, tổng Khắc Niệm làm lễ nhập tịch, dẫn nước tắm rửa thờ thần. Nay thành tâm lấy Hàn âm (gà), Tư thình (xôi), trầu rượu xin được vào cáo với thần Thập nhị sứ quân đến đây hưởng lễ phù hộ cho toàn dân, người người trong xã được thịnh vượng, mọi vật đều an khang...".

Từ ngày 11 đến 14 tháng Giêng, kỳ mục và dân làng nếu được mùa thì cúng lợn, mất mùa thì cúng gà. Đến ngày 15 mới dùng lợn, xôi, rượu trước tế thần, sau thuê ca nương về hát.

Ngày 15, bốn con lợn (do bốn nhà luân phiên nuôi từ ba năm trước) được bỏ vào bốn cái rọ khiêng ra đình. Bốn kỳ mục khỏe cầm dao dài đứng nghiêm trang. Lý trưởng hoặc một kỳ mục đánh ba hồi trống dài. Trống dứt, lợn được thả ra khỏi rọ; lợn chạy, bèn bị kỳ mục chém lấy đầu tế thần.

Thần thành hoàng làng Ném Thượng nguyên là một trong 12 sứ quân, rất thích ăn thịt lợn sống, nên có tục chém lợn cúng ngài. Đầu lợn được chém, kỳ mục khấn thần: Nay toàn dân thành tâm có đầu lợn béo xin kính hiến thượng đẳng thần, xin thần hướng trước, phù hộ toàn dân được bình an.

Tuc diem nguc ca nuong trong le hoi Nem Thuong xua anh 2
Tranh Đông Hồ Đánh đu - một trò chơi dân gian thường diễn ra trong hội làng đầu xuân xưa.

Vào tối ngày 15 tháng Giêng, tục úp đèn thờ thần, điểm ngực (sờ ngực ca nương). Tục lệ này diễn ra vào buổi tối, sau khi làm lễ, đoàn ca nương được mời vào đình hát (ca trù). Kỳ mục khấn: "...đến đêm nay, lễ đã xong, hương lão, kỳ mục, chức sắc cùng toàn dân trong xã có một trù xướng ca. Thành tâm dâng lễ xôi gà, nước trong, vàng mã, xin báo cáo với thần. Thượng đẳng thần hưởng xong, xin xem ca hát, ban phú quý cho toàn dân".

Ca nương sẽ hát từ 8, 9h tối tới 2h sáng, sau đó một kỳ mục bưng đĩa đèn xuống giữa đình, úp chõ lên đèn, trong đình lúc này tối om. Một kỳ mục ở gian chính sẽ nhảy xuống sờ ngực đào nương. Đàn ông tất cả cũng sờ ngực đàn bà. Sau ba phút, người ta mở chõ ra, đèn lại sáng, mọi người thôi sờ ngực, về chỗ nghiêm chỉnh.

Việc ca hát vẫn tiếp tục cho tới 5h sáng, sau đó cỗ bàn, và về nhà dâng lễ tạ thần. Người ta tin rằng năm nào không mời được đoàn ca nương để thực hiện nghi thức hát, điểm ngực thì năm đó trâu bò dễ bị bệnh dịch, người vướng kiện tụng, làm ăn không phát đạt.

Tập tục mang tính thượng võ và phồn thực

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng đánh giá lễ hội Ném Thượng là một tập tục rất lâu đời mang tính hoang sơ, có thể có phần hơi man rợ dưới con mắt chúng ta hiện nay, là thực hiện lễ hiến sinh, chém giết động vật.

Ông viết về nghi lễ chém lợn trong cuốn Tập tục đời người: "...cách thức của nó mang tính thượng võ của một thời kỳ võ công và săn bắn. Lợn được nuôi béo khỏe và thả bất ngờ, còn người chém phải nhanh tay, đuổi theo lợn mà chém bằng được, việc này không dễ, vì động vật khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh".

Với tục điểm ngực, Phan Cẩm Thượng cho rằng đó là tập tục mang tính phồn thực, có thể bắt nguồn từ những nghi thức thời tối cổ. Ông phân tích người Ném Thượng không thể dùng các cô gái trong vùng làm ca nương để thực hiện tập tục này. Nếu dùng các cô gái trong vùng, các cô gái đó có thể sẽ suốt đời ế chồng. Đối với đào nương là những người chuyên nghiệp nên họ có thể chấp nhận tục này.

Tuy vậy, không phải lễ hội nào cũng có đoàn ca nương đồng ý tham gia. "Kết quả cho đến hiện nay, tục điểm ngực đã hoàn toàn biến mất, Thánh không được sờ ngực phụ nữ nữa, nhưng chắc ngài thông cảm và vẫn phù hộ dân tình như cũ", Phan Cẩm Thượng viết trong Tập tục đời người.

Tuc diem nguc ca nuong trong le hoi Nem Thuong xua anh 3
Sách Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng. 

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, mỗi năm chỉ thực hiện các tập tục trong lễ hội một lần, nhưng nó có liên quan đến sinh hoạt và mùa màng của cả năm đó. Người xưa cho rằng nếu tập tục được thực hiện tốt đẹp, có nghĩa là sẽ được mùa, lợn gà sinh sôi, thóc lúa đầy bồ.

Việc người Ném Thượng thực hiện các tục chém lợn, điểm ngực phụ nữ cũng như bao làng xã khác thực hiện những tập tục để liên hệ với thần thánh. 

Các tập tục trong lễ hội Ném Thượng xuất phát từ tính cách của vị thần thành hoàng của làng. Vị thần thành hoàng làng Ném Thượng thích ăn thịt sống, có lẽ cũng khuyến khích vấn đề phồn thực để các gia đình được con đàn cháu đống. "Tục chém lợn và tục điểm ngực cho thấy tinh thần thượng võ và phồn thực đi liền với nhau; thượng võ để bảo vệ đất nước, phồn thực để giàu có phát triển", Phan Cẩm Thượng đánh giá. 

‘Tục ngữ phong dao’: Di sản văn hóa dân gian của dân tộc Việt

Bộ sách "Tục ngữ phong dao" dù ra đời đã lâu, đến nay vẫn được phổ biến rộng rãi, được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng khi nghiên cứu, tìm hiểu và viết về tục ngữ ca dao Việt Nam.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm