Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt 100 năm trước ra sao trong mắt người Pháp?

Sách người Pháp viết về Việt Nam phong phú, đó có thể là ghi chép về thiên nhiên, địa lý, nghiên cứu phong tục, tập quán, thậm chí cả tác phẩm kinh điển.

Tâm lý người An Nam (Paul Giran), Nghệ thuật xứ An Nam (Henri Gourdon) và Bắc kỳ tạp lục (Henri M.Souvignet) là ba cuốn sách của tác giả người Pháp viết cách nay khoảng 100 năm. Ba tác giả là nhà truyền giáo, viên chức được cử sang Đông Dương làm nhiệm vụ quản trị trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Nhưng bên cạnh công việc viên chức, họ quan sát, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế viết nên những cuốn sách về người An Nam.

Nguoi Viet trong mat nguoi Phap anh 1
Các diễn giả tại buổi tọa đàm "Tinh túy xứ An Nam". Ảnh: Đào Thu

Một buổi tọa đàm về ba cuốn sách có tên “Tinh túy xứ An Nam” diễn ra tối 24/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Bắc kỳ tạp lục là những ghi chép trong mọi lĩnh vực của đời sống con người An Nam thời bấy giờ. Sách gồm 21 chương mang đến cho độc giả một cái nhìn tổng quát, bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống người dân: Ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng… trong thời kỳ ấy. Tâm lý người An Nam nghiên cứu khái quát, có phê phán cấu trúc tinh thần của người Việt Nam khoảng 100 năm trước.

Nghệ thuật xứ An Nam đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và các xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật đạt được tính đến thời điểm đó.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, cả ba cuốn sách gần như những nghiên cứu xã hội học, với góc nhìn từ những người nhân danh bảo hộ. Tất nhiên, những nghiên cứu này không thể sánh với các công trình nghiên cứu dân tộc học kinh điển giữa thế kỷ 20; tuy vậy, nó vẫn là nguồn tư liệu, có những khía cạnh hết sức thú vị cho những ai tìm hiểu về Bắc kỳ 100 năm trước.

Nguoi Viet trong mat nguoi Phap anh 2
Sách Bắc kỳ tạp lục

“Ngày nay, khi đọc Tâm lý người An Nam, có những chỗ ta vẫn thấy sốc trước nhận xét về tính cách người nước mình. Tất nhiên, điều đó đã xảy ra 100 năm rồi, thời đó chúng ta có những điểm chưa theo kịp tiến bộ châu Âu. Các tác giả này cũng nghiên cứu xã hội học, nhưng chưa đạt đến trình độ tác gia. Các phân tích đều in dấu thời cuộc, tác giả mang cái nhìn của người đến từ xã hội phát triển, quan sát về xã hội phương Đông chưa phát triển”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói.

Kiến trúc sư người Pháp Emmanuel Cerise cho biết không phải đến thế kỷ 20 người Pháp mới viết về Việt Nam. Trước đó, các nhà thám hiểm, giáo sĩ, nhà buôn, viên chức đã có những ghi chép về vùng đất phương Đông. Truyền thống này còn kéo dài, trở nên phong phú hơn sau khi người Pháp đặt chế độ bảo hộ ở Đông Dương.

“Số lượng sách người Pháp viết về Việt Nam nhiều, phong phú. Người Pháp đã sang Đông Dương ở lâu, mở đồn điền, đưa cả gia đình sang, có những người cả chặng đường đời gắn với đất nước Việt Nam”, Emmanuel nói. Những ghi chép này đôi khi chỉ là việc người Pháp mách nước cho nhau về địa lý, thiên nhiên, phong tục tập quán, con người bản xứ. Đó cũng có thể là những ghi chép của các nhà báo, phản ánh những điều họ thấy. Cao hơn, đó là những công trình của các nhà nghiên cứu, bên cạnh đó còn có những tác phẩm trở nên kinh điển như Người tình (Marguerite Duras).

Nguoi Viet trong mat nguoi Phap anh 3
Sách Tâm lý người An Nam. Ảnh: NN

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn khái quát các chủ đề mà người Pháp quan tâm khi viết về xứ An Nam. Chủ đề, mối bận tâm đầu tiên là yếu tố địa lý, môi trường tự nhiên; điều này là hiển nhiên, nó như nhập môn về một vùng đất. Ngay cả cuốn Nghệ thuật xứ An Nam, trước khi đi vào nghệ thuật cũng khái quát địa lý tự nhiên. Một chủ đề được người Pháp quan tâm đó là phong tục tập quán người An Nam. Người Pháp cũng nghiên cứu cấu trúc, thiết chế xã hội.

Một chủ đề khiến các tác giả hào hứng chính là lịch sử, nghệ thuật An Nam. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo người An Nam là chủ đề phức tạp, như một “ma trận” với người đến từ châu Âu. Những nghiên cứu dễ đi đến tranh cãi, phản ứng, đó là chỉ ra đặc trưng tính cách, tâm lý, tâm hồn An Nam, từ đó nhận diện bản sắc đặc trưng… Tất cả chủ đề là nỗ lực của các nhà truyền giáo, học giả, ký giả, chính khách…  đưa ra cái nhìn vừa tổng quan vừa cụ thể về xứ An Nam.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng sau 100 năm, nhiều điều đã thay đổi. Ngày nay, chúng ta có thể đọc những công trình này như những tư liệu, hồi cố lại những gì đã qua, những gì còn lưu giữ tới hôm nay, để biết về góc nhìn của người nước ngoài về chúng ta.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm