Tác phẩm không hẳn là nhiều, nhưng tên tuổi Huỳnh Thiên Kim (1903-1971) vẫn được những người cầm bút miền Nam nhắc nhớ theo một nét riêng bởi lối ông đi ít người theo, ấy là diễn ca lịch sử bằng thơ.
Trí thức Tây học yêu nước
Tiểu sử, sự nghiệp họ Huỳnh lưu lại nơi di cảo của ông. Huỳnh Thiên Kim gốc làng Giồng Ké, huyện Láng Thé, tỉnh Trà Vinh. Thuở nhỏ học trường làng, lớn lên học trường Sư phạm Nam Kỳ ở Gia Định. Dạo trên ghế giảng đường, Huỳnh đã đăng đàn diễn thuyết đề tài “Nữ lưu giáo dục” tại trụ sở Hội Khuyến học Nam Kỳ. Tốt nghiệp năm 1923, họ Huỳnh dạy trường Tiểu học Bạc Liêu. Thời gian này, Huỳnh Thiên Kim qua lại với Cao Triều Phát, Nguyễn An Ninh.
Có mối cảm tình với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thiên Kim nhận báo La Cloche Fêlée bán tại Bạc Liêu. Vì việc bán báo và tham gia phong trào chống độc quyền thương cảng Sài Gòn 1923, Huỳnh Thiên Kim bị chính quyền cách chức giáo học. Họ Huỳnh lên Sài Gòn cộng tác với báo La Tribune Indochinoise, L’Écho Annamite… quản lý nhà in Xưa Nay. Ông tham gia các sự kiện yêu nước như đón cụ Phan Châu Trinh về nước (1925), dự mít tinh do Nguyễn An Ninh tổ chức… Năm 1926, họ Huỳnh tiếp nghề giáo ở Trà Vinh sau khi chính quyền xóa án.
Di ảnh Huỳnh Thiên Kim. Ảnh: Huỳnh Thiên Kim Bội. |
Từ năm 1929, Huỳnh Thiên Kim chuyển sang lĩnh vực kinh tế. Tháng 4/1939, trúng cử nghị viên Hội đồng Quản hạt ở Trà Vinh. Tháng 9 cùng năm, ông bị điều tra, truy tố về tội xuất bản sách Bốn nhà chiến sĩ có nội dung tuyên truyền cách mạng và là chủ tịch “Văn hóa thư xã” mà thực dân cho là tổ chức yêu nước. Nhờ Hội đồng Quản hạt can thiệp, ông không bị bỏ tù. Năm 1940, ông trúng cử Hội đồng Kinh tế Lý tài Đông Dương.
Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi rồi Nam Bộ kháng chiến, Huỳnh Thiên Kim sống ở vùng tự do Vĩnh Long. Đến cuối năm 1946 tham gia phong trào báo chí Thống nhất tại bưng biền, làm Phó chủ tịch Hội Văn hóa, Hiệu trưởng trường Trung học Bình dân Vĩnh Trà.
Vĩnh Long bị Pháp tái chiếm, Huỳnh Thiêm Kim về Trà Vinh. Năm 1952, ông tay trắng lên Sài Gòn viết báo Tiếng dội, Dân Việt, Tân Việt… Khi làm ở phòng Thương mại Sài Gòn, cuộc sống dần ổn định, Huỳnh Thiên Kim tích cực hoạt động văn học, là thành viên Ban Chấp hành Trung tâm Văn bút quốc tế, quản lý nguyệt san Tin sách 1964-1968. Quyển Nhì Cận đại Việt sử diễn ca được ông hoàn thành thì họ Huỳnh bệnh nặng, từ trần ngày 6/3/1971.
Từ khi là thanh niên, họ Huỳnh đã viết sử thơ với tác phẩm đầu tiên Bốn nhà chiến sĩ (1927). Tác phẩm cuối cùng cũng là sử thơ. Viết sử dù là sử thơ, nhưng trong thời nước mất, thực dân áp chế dân Việt, thì tác giả luôn sẵn cái tâm thế có thể dính án phản loạn.
Truyền bá lòng yêu nước, nhất là trong cảnh dân Nam hơn 90% một chữ bẻ đôi không biết, thì diễn thơ là món ăn dễ ngấm bởi dân bấy lâu quen với vần vè, dân ca, tục ngữ. Nói về con người ông, nhà văn Vũ Hạnh tác giả Bút máu, Người Việt cao quý… nhận xét với thái độ trân trọng: “Là một trí thức Tây học dưới thời Pháp thuộc, ông Huỳnh Thiên Kim đã có nhiều năm làm việc ở trong guồng máy chính quyền bấy giờ, nhưng với bản tính hiền hậu, nghiêm túc, ông luôn giữ được tấm lòng yêu thương dân tộc gắn kết với lòng yêu thích thi ca”.
Viết sử chọn lối đi riêng
Viết sử bằng thơ, dẫu không phải là biệt lệ, nhưng dạo ông cầm bút trước 1945 cho đến khi mất, thì số người chung đường thật hạn hữu. Từ đầu thế kỷ 20 về sau chỉ có một số cuốn sử thơ bằng quốc ngữ: Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (Nguyễn Liên Phong, 1909), Sử Nam bốn chữ (Trần Quang Tặng soạn, Trần Tuấn Khải tham đính, 1922), Việt Nam quốc sử bình diễn ca (Phan Bội Châu, 1929), Quốc sử ngâm (Nguyễn Tống San, 1938), Việt Nam lược sử ca (Võ Khắc Trí, 1959), Việt sử thông lãm (Vũ Huy Chân, 1973)…
Lối diễn ca lịch sử có từ hàng trăm năm trước, rải rác trong thơ các danh nhân Việt đã có hoặc là sử nhân vật, sử triều đại như Bạch Đằng giang (Nguyễn Sướng, thời Trần), Miếu bà Trưng (Lê Thánh Tông, thời Lê)… Sử thơ lối trường thiên thời Hậu Lê có Vịnh sử thi tập (Đỗ Nhân), Việt sử diễn âm (Khuyết danh), Thiên Nam ngữ lục (Khuyết danh)… Thời Nguyễn có Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái), Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Tự Đức), Việt sử diễn nghĩa (Tôn Thất Hân, Hồng Nhung, Hồng Thiết)…
Hai tác phẩm Việt Nam danh nhân bách thư thi vịnh và Bốn nhà chiến sĩ. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Để diễn được nhân vật, sự kiện ra thơ, không chỉ nắm chắc kiến thức lịch sử, mà tâm hồn người viết phải mềm mại, để câu từ uyển chuyển, mà trong phạm vi bó hẹp của câu chữ, diễn sao ra được chất sử, nhưng không làm mất đi chất thơ. Thế nên trong lời tựa Cận đại Việt sử diễn ca cuốn đầu tiên, ông Trương Bửu Lâm có lời: “Biên khảo một tác phẩm sử ký đã là một việc khó, viết một quyển sách ghi chép sử bằng thơ lại là một việc càng khó hơn nữa”.
Nghệ thuật sử dụng ngôn từ phải chọn lọc để người đọc dễ hiểu, dễ thuộc. Lối thơ giúp đi vào lòng người, thể song thất lục bát là phương tiện hữu hiệu khi có vần có điệu. Huỳnh Thiên Kim đi theo con đường ấy, và ông đã thành công.
Ở tác phẩm sử thơ đầu tiên Bốn nhà chiến sĩ, tác giả viết về 4 anh hùng nước Thổ Nhĩ Kỳ theo thể lục bát gồm 2.200 câu. Viết về danh nhân qua thơ còn có cuốnViệt Nam danh nhân bách thư thi vịnh theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, ca ngợi những tấm gương sáng, những nhân vật có tiếng trong lịch sử Việt Nam như Trương Định, Võ Duy Dương…
Sách Cận đại Việt sử diễn ca. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Nhưng lối viết trường thiên mới là sở trường của họ Huỳnh, khẳng định tên tuổi của ông qua bộ sách Cận đại Việt sử diễn ca (2 quyển). Với 4.444 câu lục bát của quyển nhứt, 4.290 câu ở quyển nhì, sử Việt Nam từ Tây Sơn nổi lên cho đến dạo Nam Bộ kháng chiến được tác giả vận dụng sự linh hoạt ngôn từ, hiểu biết sâu sắc về lịch sử để nối tiếp một bộ diễn ca lịch sử Việt Nam trung - cận đại khiến người đọc dễ hiểu, dễ cảm. Tỉ như nói về việc trị nước của Nguyễn Ánh buổi đầu:
Phú Xuân đổi mặt sơn hà,
Xưng vương niên hiệu đặt là Gia Long
Bầy tôi hãn mã dày công,
Phân minh ngôi thứ, tước phong đàng hoàng
Bao quát bộ sách, độc giả cảm thụ lịch sử Việt Nam qua thơ lục bát dễ thuộc, được giải thích cặn kẽ từng sự kiện, nhân vật, vấn đề liên quan qua các chú thích của tác giả.