Cử tri tỉnh Khánh Hòa nêu thực trạng người dân phải mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay. Ảnh: Nam Khánh. |
Mới đây, một số cử tri tỉnh Khánh Hòa đã phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước về tình trạng người dân đi vay vốn ở các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại vẫn bị “ép” phải mua các loại bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… mới được giải ngân khoản vay.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay.
Trả lời vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng.
Cụ thể, khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng nghiêm cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Thực tế, pháp luật hiện hành cũng đã có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi này.
Ngân hàng Nhà nước cho biết Bộ Tài chính hiện là cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Về phía ngành ngân hàng, nhà điều hành cho biết vẫn thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng; yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động triển khai biện pháp đối với hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng vào kế hoạch tiến hành thanh tra năm 2023 của một số ngân hàng cổ phần. Đồng thời, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm qua đường dây nóng theo quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trao đổi, làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ký kết quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật; thanh tra, kiểm tra và giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.