Những ngày qua, anh Minh Lân (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) rất lo lắng theo dõi diễn biến lãi suất ở ngân hàng, vì chưa đầy 2 tháng nữa anh sẽ phải trả gói vay mua nhà theo lãi suất thả nổi.
"Từ tháng 12/2020 đến nay, mỗi tháng vợ chồng tôi trả khoảng 26-27 triệu đồng cho ngân hàng, tương đương 90% thu nhập chính thức. May mắn chúng tôi có nguồn thu nhập thêm từ kinh doanh bên ngoài nên không phải gồng gánh quá, nhưng giai đoạn này kinh doanh cũng khó khăn", anh Lân tâm sự.
Chật vật với lãi suất leo thang
Theo anh Lân, với lãi suất thả nổi hiện tại ngân hàng áp dụng là 11,9%/năm, anh sẽ phải trả 30 triệu đồng/tháng và không biết 2 tháng nữa lãi còn tăng đến mức nào.
Trong một hoàn cảnh khác, Anh Phú Sỹ (32 tuổi, Hà Nội) cho biết anh đang có một khoản vay mua nhà, lãi suất hiện anh phải chịu là 10,9%/năm thay vì 9,1%/năm như dự tính ban đầu.
"Thời điểm tôi vay, với chính sách ưu đãi từ ngân hàng, tôi trả lãi suất cố định 8,3%/năm trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3, lãi suất thả nổi bằng lãi suất huy động 24 tháng của ngân hàng cộng thêm biên độ 3,5%/năm, đợt đấy lãi suất huy động 24 tháng ở ngân hàng mới là 5,6%/năm, tôi tính cộng với biên thả nổi 3,5%/năm thì lãi mới là 9,1%/năm", anh Sỹ nói.
Tuy nhiên đến hiện tại, ngân hàng vừa gửi thông báo lãi suất huy động đã tăng lên 7,4%/năm, do đó tháng này tôi phải đóng mức lãi suất 10,9%.
Theo anh, ai mua nhà lãi suất thả nổi cùng đều gặp tình trạng này. Với mức lãi suất hiện tại, mỗi tháng anh phải trả thêm khoảng 2 triệu đồng so với dự tính ban đầu, số tiền này chiếm hơn 70% thu nhập của gia đình.
"Bên cạnh đó, gia đình còn có con nhỏ nên việc chi tiêu khá tốn kém, trước mắt gia đình đang cố cắt giảm bớt chi tiêu, tiết kiệm hơn để gồng trả lãi. Còn nếu tăng lên như đợt năm 2011-2012, lãi huy động lên 14-15%/năm thì gia đình tôi có thể phải bán nhà để trả khoản vay", anh Sỹ buồn bã nói.
Người vay mua nhà đang phải trả mức lãi vay nằm ngoài dự kiến. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với xu hướng tăng lãi suất như hiện nay, không chỉ khách vay mua nhà, khách vay mua ôtô cũng chật vật không kém. Anh Phi Hùng (35 tuổi, kinh doanh tự do) cho biết sau khi ngân hàng thông báo lãi vay thả nổi lên 13,1%, anh chạy vay gia đình, bạn bè để nhanh chóng 'tất toán' khoản vay này.
"Một năm trước tôi có mua xe phải vay ngân hàng 400 triệu, lúc trước lãi suất chỉ 9%, đến nay lãi suất thả nổi lên tới 13,1%. Nhắm tình hình không ổn, tôi đã chạy vay mượn bạn bè, gia đình để tất toán khoản vay này. Đồng thời, tôi cũng bị phạt 3% do thanh toán trước hạn", anh chia sẻ với Zing.
Người vay nên làm gì?
Thực tế, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành vào ngày 24/10, loạt ngân hàng lớn tại Việt Nam cũng đã cập nhật bảng lãi suất cho vay mới gồm cả lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian đầu tiên và lãi suất thả nổi theo thị trường trong thời gian tiếp theo, và tất nhiên những con số này đều tăng.
Theo đó, đã xuất hiện một số ngân hàng có lãi suất cho vay cố định trên 10%. Mặt khác, các khoản vay cá nhân mua nhà, mua xe có lãi suất thả nổi hiện đã tăng xấp xỉ 1-1,5 điểm % so với đầu năm.
Hiện nay, phương pháp tính lãi suất hỗn hợp, bao gồm cả lãi suất cố định và lãi suất thả nổi khá phổ biến. Thông thường sau khi hết thời kỳ tính theo lãi suất ưu đãi, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Do đó, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, thậm chí có thể trên 15%/năm.
Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing cho biết rất nhiều người vay mua nhà đang bị ngộp trong giai đoạn này.
Ngày xưa, lãi suất thả nổi người ta chỉ dự đoán 10-11%, nhưng thực tế đã nhảy lên 15-16%.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing.
"Ngày xưa lãi suất thả nổi người ta chỉ dự đoán 10-11%, nhưng bây giờ lại nhảy lên 15-16%. Bên cạnh lãi suất tăng, công ăn việc làm của người dân hiện không ổn định, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nhiều gia đình", ông nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp cho người đang mua nhà trả góp trong giai đoạn này, ông Chuyền cho rằng nếu người mua nhà vẫn đang thu nhập ổn định và có khả năng chi trả thì có thể cố "gồng".
"Tuy nhiên, khi số lượng tiền vay vượt quá khả năng chi trả, người vay mua nhà có thể mượn tiền của người thân trong gia đình để trả bớt phần nhà nhằm tránh trường hợp bị 'ngộp' ngân hàng. Nếu vẫn khó, người mua nhà nên tìm cách thanh lý tài sản trong trường hợp có người thiện chí", vị chuyên gia nói thêm.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế