Chia sẻ với Zing, anh Phi Hòa (30 tuổi, chủ một tiệm trà sữa tại TP Thủ Đức) cho biết đã đặt cọc 138 triệu đồng cho một căn hộ mới mở bán ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau vài tuần anh vẫn chưa được làm việc với ngân hàng.
"Lúc đầu môi giới nói sẽ giới thiệu ngân hàng để hỗ trợ vay 80% giá trị căn hộ nên tôi cũng an tâm mua. Thế nhưng sau khi đặt cọc, có vẻ như họ đã bán được hàng nên không còn mặn mà, tôi hỏi tới việc vay thì họ lơ hoặc bảo tôi đợi, đến nay chưa giới thiệu nhân viên ngân hàng hỗ trợ", anh Hòa bức xúc nói.
Đã khó nay càng khó hơn
Theo anh Hòa, nhiều người quen của anh cũng đang gặp tình trạng này. Ngay từ đầu, môi giới không tư vấn cụ thể về những khó khăn trong việc vay vốn giai đoạn này nên cá nhân anh và nhiều người khá chủ quan. Hiện nhiều người đang tìm người sang cọc, thậm chí một số sẵn sàng bỏ cọc, không mua nữa.
"Giờ tôi rất mệt mỏi, thêm việc lãi suất tăng cao, tôi không muốn mua nhà nữa. Tôi nhờ sang cọc giùm nhưng chủ đầu tư nói là giỏ hàng còn rất nhiều nên không hỗ trợ được", anh Hoa lo lắng.
Cũng chật vật không kém, anh Minh Tú (29 tuổi, TP.HCM) đang chạy vạy khắp nơi để gom tiền đối ứng cho showroom xe. Sau 2 tháng chật vật tìm gói vay, anh vừa nhận được thông báo cho vay của ngân hàng, tuy nhiên lãi suất chính xác sẽ tùy thuộc lúc kí hợp đồng vay chính thức. Do đó, anh càng đóng tiền sớm thì càng "chốt" được mức lãi suất tốt.
Trước đó, thông qua showroom, anh đã làm việc với nhiều ngân hàng nhưng họ đều từ chối vì hết room hoặc do thu nhập vợ chồng anh không ổn định. May mắn khi chuyển qua showroom khác, anh được kết nối với một ngân hàng nước ngoài còn room, lãi suất thấp, nhưng họ yêu cầu thủ tục khắt khe hơn, kiểm tra CIC kĩ hơn và thời gian xét duyệt cũng lâu hơn.
"Tuy nhiên đến khi có thông báo cho vay, lãi suất đã tăng lên 9,59%/năm. Nhân viên ngân hàng bảo tôi nên tranh thủ đóng tiền đối ứng sớm cho showroom để có thể kí hợp đồng cho vay với ngân hàng, vì có thể giữa tháng 11 lãi suất lại tăng tiếp, khả năng vượt 10,5%/năm", anh Minh Tú chia sẻ.
Vay tín dụng khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiều người mua nhà, xe vào dịp cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, đau đầu nhất với những người vay mua nhà, xe giai đoạn này thực tế nằm ở thời gian giải ngân của ngân hàng.
Anh Hoàng, nhân viên bán hàng ở một showroom ở quận Gò Vấp, cho biết có khách hàng sau một tháng ra biển số xe vẫn chưa được nhận xe về vì ngân hàng chưa giải ngân. Hay có trường hợp số tiền giải ngân thực tế thấp hơn con số trong thông báo cho vay, hoặc đến ngày hẹn thì nhân viên ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm tương ứng 1-3% giá trị khoản vay mới được giải ngân.
Không chỉ cá nhân vay tiêu dùng mà doanh nghiệp vay đầu tư cho hoạt động kinh doanh cũng gặp khó. Anh Minh, đại diện một đơn vị kinh doanh vận tải ở TP.HCM, cho biết mấy tháng qua không tìm ra gói vay để tái đầu tư xe.
"Tôi có nhiều ngân hàng thân quen nhưng chắc là họ thật sự hết hạn mức cho vay nên họ không hứa hẹn gì. Tôi xác định từ nay đến cuối năm sẽ không vay được, mà thực ra nếu có vay thì lãi suất cũng đang rất cao, hơn 11%/năm", anh nói.
Hạn chế dùng đòn bẩy trong giai đoạn này
Thực tế, anh Q.B., một chuyên viên tín dụng tại TP.HCM cho biết ngân hàng anh từ đầu năm tới nay đã tăng lãi suất cho vay 4 lần, từ 9,5%/năm lên tới 15%/năm. Do đó, dù nhu cầu vay mua tiêu dùng vẫn lớn nhưng khách hàng hiện rất đắn đo.
"Một số khách hàng sau khi nghe tư vấn về lãi suất, phải mua bảo hiểm... thì họ lắc đầu không vay nữa. Một số người từ bỏ luôn ý định mua nhà, xe hoặc cho biết sẽ tìm ngân hàng khác với chính sách tốt hơn, phù hợp với tài chính của họ", anh B. nói.
Trong khi đó, một số khách hàng đã vay để đầu cơ bất động sản do gồng không nổi đã buộc phải tìm cách cắt lỗ, thoát hàng để tất toán khoản nợ.
Theo tính toán của anh Hòa, với mức lãi suất hiện nay, chỉ khi có mức thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/tháng thì mới có thể cân nhắc việc vay mua nhà lúc này.
"Căn hộ tôi mua tầm 3 tỷ đồng, phải vay hơn 2 tỷ đồng, lãi mỗi tháng đâu đó gần 30 triệu đồng. Thời buổi bây giờ mua 1 căn hộ nhưng cộng thêm lãi các thứ thì giống như phải trả tiền 2 căn. Giờ tôi đổi ý chỉ muốn sang cọc rồi ở tạm nhà thuê", anh chia sẻ.
Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing - cũng cho rằng nếu phải dùng đến đòn bẩy tài chính thì không nên mua nhà, xe trong thời điểm này.
Nếu có tiền mặt hoặc chỉ dùng đòn bẩy 10-20% thì có thể mua, còn nếu phải vay nhiều hơn thì sẽ rất ngộp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing
"Nếu vẫn cố chấp mua thì hãy tưởng tượng trường hợp lãi suất lên 20%/năm còn gồng nổi không, vì hiện giờ lãi suất thả nổi đã lên tới 15%/năm rồi", ông Chuyền nhấn mạnh.
Mặt khác, ông cho biết còn nhiều khó khăn khác khi vay ngân hàng hiện tại như hồ sơ xét duyệt khó, room giải ngân hạn chế, phí trả nợ trước hạn cao, bị ép mua bảo hiểm... nên tốn kém rất nhiều chi phí. Trong khi đó, nhìn chung thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng.
"Nếu có tiền mặt hoặc chỉ dùng đòn bẩy 10-20% thì có thể mua, còn nếu phải vay nhiều hơn thì sẽ rất ngộp", ông nói.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế