"Trong ký ức đương đại, chưa bao giờ có một loạt sự kiện xảy ra chỉ trong vỏn vẹn 24 tiếng có thể làm rung chuyển cả hai đời tổng thống, Điện Capitol của Mỹ và bản thân đất nước như những gì đã diễn ra vào thứ tư này", biên tập viên trưởng của Wall Street Journal tại Washington D.C., Gerald F. Seib, viết vào khuya 6/1.
Chỉ vài giờ trước đó, người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã đụng độ với cảnh sát trước Điện Capitol, trèo vào tòa nhà của Quốc hội Mỹ, chiếm đóng phòng họp Thượng viện và tìm cách xông vào phòng họp Hạ viện bằng vũ lực.
"Những cảnh tượng đáng kinh ngạc của chính trị bạo lực đã bùng nổ, giữa nỗ lực công nhận một cách hòa bình sự chuyển giao quyền lực. Chúng thách thức những thiết chế dân chủ Mỹ. Cách phản ứng từ những thiết chế này vẫn còn vô cùng mơ hồ", biên tập viên Seib bình luận.
Ông Trump phát biểu trước Nhà Trắng, kêu gọi người ủng hộ tuần hành đến Điện Capitol gây sức ép lên quốc hội vào ngày 6/1. Ảnh: Getty. |
"Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, bắt đầu với đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát ở Washington và lời hứa về một kiểu lãnh đạo dân túy mới mẻ, rõ ràng đã kết thúc vào thứ tư này khi đảng của ông chìm trong lửa giận và không còn quyền lực; khi một số lãnh đạo hàng đầu của đảng đã kiệt sức trước vị tổng thống mà họ từng ủng hộ một cách trung thành; và khi một đám người ủng hộ ông Trump đã chiếm đóng và phá hoại Điện Capitol", ông Seib khẳng định.
Hậu họa
Theo cây bút kỳ cựu của Wall Street Journal, sứ mệnh hòa giải và đoàn kết đất nước mà tổng thống đắc cử Joe Biden đang theo đuổi sẽ trở nên phức tạp hơn gấp bội. Hậu quả của những sự kiện ngày 6/1 sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa và chỉ những sử gia sau này mới có thể đánh giá đầy đủ.
Hậu quả trước mắt là một bộ phận đảng Cộng hòa buộc phải suy nghĩ lại về viễn cảnh ông Trump tiếp tục được xem là lãnh đạo đảng một khi ông rời Nhà Trắng. Tổng thống 74 tuổi thời gian qua liên tục mô tả đảng Cộng hòa là đảng của trật tự và pháp luật. Nhưng thực tế ngày 6/1 đã diễn ra trái ngược hoàn toàn.
Người ủng hộ ông Trump cho thấy họ sẵn sàng dùng đến vũ lực ngay tại Điện Capitol - tòa nhà được xem là "trái tim" nền dân chủ Mỹ - để đòi lại chiến thắng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của ông. Điều này diễn ra bất chấp thực tế gần như toàn bộ đơn kiện gian lận bầu cử từ phe ông tổng thống và các đồng minh đều bị tòa án cấp bang đến liên bang từ chối, bác bỏ hoặc tự hủy vì không có bằng chứng.
Kể từ cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ trước Anh vào năm 1812, chưa bao giờ Điện Capitol bị xâm phạm trong hơn 2 thế kỷ qua, cho đến ngày 6/1/2021.
Sự kiện này cũng cho thấy người ủng hộ ông Trump nghi ngờ sâu sắc tính chính danh của tổng thống đắc cử Joe Biden, dù cho cơ quan bầu cử cấp bang và lưỡng viện có tuyên bố chiến thắng này là hợp pháp. Cuộc tấn công vào Điện Capitol cho thấy người ủng hộ ông Trump sẵn sàng vượt mọi giới hạn chưa từng có tiền lệ để không thừa nhận ông Biden là nhà lãnh đạo đất nước.
Người ủng hộ ông Trump đụng độ với cảnh sát trước Điện Capitol chiều 6/1. Ảnh: Getty. |
Cú sốc thức tỉnh
Cuộc họp của lưỡng viện tại Điện Capitol ngày 6/1 đáng lẽ chỉ là một buổi lễ mang tính chiếu lệ, thể hiện truyền thống chính trị của hệ thống đại cử tri.
Quốc hội theo thủ tục thống kê và công nhận số phiếu đại cử tri từ các bang cho 2 ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ và Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Chiến thắng của ông Biden đã được xem là điều chắc chắn được công nhận từ nhiều tuần qua.
Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng từ chối chấp nhận thực tế. Giữa trưa, trước đại lộ Pennsylvania, ông kêu gọi người biểu tình dùng "sức mạnh" để "loại bỏ những người yếu đuối" ở quốc hội, giành lại chiến thắng "đã bị đánh cắp" khỏi tay ông. Cuộc tuần hành sau đó leo thang bạo lực.
Thông điệp kích động người biểu tình được ông Trump đưa ra bất chấp phản đối từ những nhân vật cấp cao nhất trong đảng Cộng hòa.
Phó tổng thống Mike Pence đã từ chối yêu cầu chặn kết quả bầu cử từ ông Trump. Ông tuyên bố ghế chủ tọa của mình không có quyền đảo ngược kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mitch McConnel, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, bác bỏ mọi cáo buộc rằng "những điểm bất thường" của cuộc bầu cử đủ nghiêm trọng để thay đổi kết quả cuối cùng.
Người ủng hộ Tổng thống Trump đốt pháo sáng trước tòa nhà quốc hội. Ảnh: Getty. |
Truyền thông Mỹ nhận định cú sốc ngày 6/1 tại Washington D.C. vẫn có thể được soi dưới lăng kính hy vọng. Nhà báo Seib cho rằng "sự kinh hoàng tột cùng mà phần đông người dân Mỹ cảm thấy, và đa số thành viên đảng Cộng hòa đã bộc bạch, trước cảnh tượng hỗn loạn lần này sẽ khiến mọi người bước khỏi kiểu hành xử chính trị chia rẽ" và soi xét kỹ hơn để tìm tiếng nói chung.
"Nếu khẳng định những người ủng hộ ông Trump, những người xông vào Điện Capitol, đã giúp ích cho ông Trump, rõ ràng đó là sự phóng đại. Nhưng họ đã tạo thêm tính cấp bách cho những lời kêu gọi rời bỏ kiểu chính trị cay cú suốt những năm qua", ông Seib đánh giá.
Thông điệp này đã được ông Joe Biden lặp lại trong bài phát biểu ngày 6/1, phản ứng trước cuộc bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ. Ông kêu gọi đất nước khôi phục kiểu chính trị hướng đến giải quyết những bất đồng, quan tâm lẫn nhau và không kích động tâm lý thù hận hay hỗn loạn.