Ba tuần kể từ khi quyết tâm rời khỏi Việt Nam để trở về Ukraine hôm 2/3, cũng là tròn một tháng từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, Kharchenko Olha vẫn chưa thể gặp được mẹ ở Kherson, gần biên giới với vùng Crimea.
Ngôi làng nơi mẹ cô sống đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Kết nối điện thoại và Internet chập chờn khiến Olha rất ít khi liên lạc được với mẹ, nhưng may mắn bà vẫn sống sót.
Dẫu vậy, Olha vẫn giữ một tinh thần lạc quan. Cô trở thành tình nguyện viên ở Mykolaiv, gần làng mình, vừa để chờ tin tức từ mẹ, vừa để góp công bảo vệ đất nước. “Đất nước của chúng tôi, chúng tôi phải chiến đấu”, Olha quả quyết với Zing.
“Một tháng qua đối với chúng tôi dài như cả năm. Tôi vẫn còn bàng hoàng về những gì đang diễn ra trên đất nước mình”, Svitlana Kovalenko, ở TP.HCM, rơi nước mắt khi nhìn lại 4 tuần qua.
Dẫu vậy, cô, cũng như nhiều người Ukraine ở Việt Nam không thể trở về, đã chọn cách khác nhau để hướng về quê nhà, như hỗ trợ tài chính, điều phối tình nguyện, chống lại tin giả, hay đơn giản là cổ vũ mặt tinh thần cho người thân, trong khi tự trấn an bản thân khỏi lo lắng và sợ hãi mỗi ngày.
“Chúng tôi khóc mỗi ngày, nhưng cũng chiến đấu mỗi ngày và sẽ chiến đấu đến cùng, dù là trong hay ngoài nước”, Elena, ở Hà Nội, nói.
Một khu dân cư đổ nát do pháo kích ở Kyiv, ngày 23/3. Ảnh: Reuters. |
"Tôi muốn tỉnh giấc"
“Tôi khóc mỗi ngày và gặp ác mộng. Tôi muốn tỉnh giấc”, Kovalenko nói trong nghẹn ngào.
Kovalenko cho biết trong suốt 4 tuần, cô luôn bị dày vò khi mỗi ngày kiểm tra tin tức, cô lại nhận thấy có điều tệ hơn đang xảy đến. Bạn bè cô, nhiều người đang sống trong vùng đã rơi vào kiểm soát của Nga.
“Một số bạn bè tôi sống ở Energodar, có một nhà máy điện hạt nhân ở đó, và thị trấn này đã bị Nga kiểm soát. Mọi người sống trong điều kiện thiếu nhiệt, lương thực, và tiền mặt”, Kovalenko cho biết. Dẫu vậy, cô vẫn thông báo tin mừng là thị trấn của gia đình cô ở Kharkiv vẫn yên ổn và hầu hết bạn bè của cô vẫn sống sót.
“Hy vọng lớn nhất của tôi bây giờ là được gặp bố mẹ, người thân và bạn bè, được nhìn thấy họ còn sống và khỏe mạnh, được ôm họ vào lòng”, Kovalenko tâm sự.
Theo dõi sát sao tin ở Ukraine từ báo chí cũng như từ người thân, ông Yaro Slav - người Ukraine định cư ở Việt Nam - cho biết người thân của ông ở Kharkiv và Kyiv, và Luhansk tạm thời an toàn. Ông nhận xét về cơ bản Ukraine đã giành những kết quả tích cực bước đầu, dù vẫn rất chật vật trong suốt một tháng qua.
“Tôi nghĩ 3 ngày đầu tiên là khó khăn nhất. Các nhà phân tích quân sự phương Tây đã dự đoán chúng tôi có thể mất Kyiv trong 48-96 giờ, nhưng rõ ràng quân đội Ukraine đã chống trả quyết liệt để bảo vệ thành phố”, ông nói.
“Cũng trong khoảng thời gian đó, Nga bắt đầu pháo kích vào các khu dân cư. Đây là lúc tôi lo lắng cho người thân của mình ở Kyiv, Kharkiv. Ngay cả họ hàng của tôi tại một ngôi làng vùng Luhansk cũng phải ở trong hầm nhiều ngày vì có giao tranh dữ dội và tên lửa bay qua đầu họ”, ông Slav kể lại.
Một trung tâm mua sắm ở Kyiv sau khi bị đánh bom ngày 21/3. Ảnh: Reuters. |
Elena cho biết cô có bạn bè gia đình ở khắp nơi trên Ukraine từ Lviv (phía tây), Kramatorsk (phía đông), đến Kyiv, nên “thật khó để nói liệu họ có an toàn hay không”.
“Hôm nay có thể yên bình, nhưng hôm sau có thể có tiếng nổ. Tôi nhận thấy rằng sau vài tuần, một số người thậm chí đã ngừng đi đến hầm trú bom dù còi báo động vang lên. Có thể họ đã quá mệt mỏi”, cô kể thêm.
Từ Lviv, Ukraine, anh Lex - từng ở Việt Nam nhưng đã trở về Ukraine từ trước cuộc tấn công của Nga - bình tĩnh báo tin thành phố của anh vẫn an toàn, dù lực lượng Nga đã ít nhất 3 lần tấn công vào rìa hoặc ngoại ô thành phố.
“Nhưng nhìn chung tình hình cũng không khá hơn sau một tháng. Họ tiếp tục bắn phá các thành phố và khu vực dân sự. Một số thành phố như Mariupol về cơ bản bị phá hủy. Cuộc tấn công này có vẻ sẽ không kết thúc sớm”, anh nói.
“Mặt trận” không súng
Dù không thể hoặc chưa thể trực tiếp cầm súng, nhiều người Ukraine đều đang góp sức theo cách riêng.
Từ Lviv, anh Lex cho biết mình đã dành hầu hết tiền lương của 2 tháng gần nhất để hỗ trợ tình nguyện viên và quân đội, đồng thời tham gia một số hoạt động tình nguyện vào cuối tuần.
“Tôi có công việc được trả lương khá cao (tôi là một nhân viên phát triển phần mềm) và điều tốt nhất tôi có thể làm lúc này là giữ cho nền kinh tế của chúng tôi tồn tại. Một điều may mắn là tiền tôi kiếm được đến từ nước ngoài”, anh giải thích.
Bên cạnh đó, anh cho biết bản thân đang chờ đợt điều động tiếp theo để nhập ngũ, vì các đợt điều động hiện tại đã đủ người.
Chia sẻ về công việc tình nguyện của mình ở Kherson, Olha cho biết nhóm của cô nhận được các yêu cầu từ cả quân đội và người dân, chủ yếu về các nhu cầu cơ bản như thức ăn, tã cho trẻ em, hoặc có thể là áo bảo hộ, máy chụp ảnh nhiệt cho binh lính,... Họ cũng đứng ra nhận hỗ trợ từ các hội nhóm từ Ba Lan, CH Czech, Đức,... để thu mua các vật phẩm được yêu cầu.
“Nhiều phụ nữ như tôi cũng đang giúp các vấn đề hậu cần, tải thương, cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế. Rất đông người dân nỗ lực cứu trợ động vật, đưa chó, mèo đến nơi an toàn. Nhiều người đang ở những nơi nguy hiểm hàng ngày để cố giao thức ăn cho những người khác”, Olha nêu chi tiết.
Cô cũng cho biết thêm khi qua biên giới Ba Lan để vào Ukraine, cô nhận thấy có rất nhiều người trở về để tham gia chiến đấu, hầu hết là đàn ông.
Người dân tham gia huấn luyện bắn súng tại Ivano-Frankivsk, Ukraine, ngày 21/3. Ảnh: Reuters. |
Tại Việt Nam, Elena, Kharchenko, và ông Slav cho biết họ cũng làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cho quê nhà.
“Tôi đã giúp quân đội Ukraine về mặt tài chính. Sự ủng hộ về mặt tinh thần cũng rất quan trọng, vì vậy tôi viết thư cho bạn bè, gia đình và cố gắng động viên họ”, Kovalenko chia sẻ.
Tương tự, Elena gọi điện cho gia đình mỗi ngày và cố gắng đánh lạc hướng người thân khỏi đau buồn bằng những chuyện tích cực về cuộc sống ở Việt Nam.
Cô cũng giúp một số bạn bè và gia đình tìm nơi trú ẩn và di chuyển đến đất nước khác. “Tôi kết nối những người đang cần với những người có thể giúp đỡ. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm”, Elena nói.
Trên mặt trận thông tin, tất cả đều cho biết họ đang cố gắng truyền đi những tin tức, hình ảnh phản ánh sự thật về cuộc giao tranh, để chống lại tin giả.