Bất kỳ du khách nào khi đi qua đường số 6 tại thành phố Richmond, tỉnh British Columbia (Canada) cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy một tòa lâu đài khổng lồ mọc trên cánh đồng việt quất. Trên lý thuyết, dinh thự số 9431 đường số 6 là một farmhouse (căn nhà bên trong một trang trại nông thôn).
Nhưng điểm đặc biệt là nó rộng tới gần 2.100 m2, được trang trí với một chiếc đèn chùm to bằng xe hơi cỡ nhỏ và được rao bán từ đầu tháng 7 với giá lên đến 16,4 triệu USD. Theo South China Morning Post, đây chỉ là một trong vô số căn biệt thự được xây dựng trên đất nông nghiệp ở Richmond.
Xét về vị trí, tuyến đường số 6 ở Richmond không có gì đặc sắc, với dọc 2 bên là mương nước. Phía cuối đường có một sân bowling và một rạp chiếu phim. Tuy nhiên, Layla Yang - người sáng lập hãng bất động sản Dracco Pacific Realty - cho biết đây là căn nhà được rao bán đắt nhất ở Richmond.
Căn biệt thự số 9431 nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP. |
Lãng phí đất nông nghiệp
Richmond là thành phố vệ tinh của Vancouver và là nơi tập trung đông đảo người gốc Hoa sinh sống. "Giá này chẳng là gì so với vùng Vancouver Westside", Yang - một cựu tiếp viên hàng không của Air Canada, giờ lái xe Bentley - khẳng định.
Yang chuyên môi giới bất động sản xa xỉ ở vùng Vancouver. Cô tiết lộ 99% khách hàng của cô là người đến từ Trung Quốc đại lục. Cô khẳng định ở Richmond, khách hàng sẽ không thể tìm được một căn biệt thự nào tương tự như căn 9431 đường số 6.
Bởi hiện tượng hàng loạt biệt thự mọc lên trên đất nông nghiệp ở Richmond thời gian qua đã gây rất nhiều tranh cãi. Năm 2018, hội đồng thành phố Richmond ra quy định giới hạn diện tích nhà mới xây trên nền Khu đất dự trữ nông nghiệp (ALR) tối đa là 400 m2.
Được thiết lập từ năm 1974, ALR là một phân vùng được thiết kế để bảo vệ đất nông nghiệp trước tình trạng đô thị hóa vô tội vạ. Biệt thự số 9431 đường số 6 nằm trên khu vực ALR. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng căn nhà này trước khi giới chức địa phương ra quy định về kích thước.
Dinh thự số 9431 đường số 6 Richmond nhìn từ xa. Ảnh: SCMP. |
Chính vì đặc quyền của vùng đất nông nghiệp, các chủ đầu tư ồ ạt xây biệt thự theo dạng farmhouse trong khu vực ALR ở Richmond để tận dụng thuế bất động sản thấp. Ủy viên hội đồng thành phố Harold Steves là người phản đối dữ dội tình trạng này.
Theo ông, hành vi xây ồ ạt dinh thự farmhouse có diện tích lớn với bể bơi và sân tennis làm lãng phí đất nông nghiệp. Nông dân địa phương bán đất, sau đó buộc phải thuê ruộng từ chủ dinh thự, dẫn tới tình cảnh bấp bênh. Ngành nông nghiệp địa phương cũng bị xáo trộn.
Người Trung Quốc thích mua nhà to
"Thành phố mở cửa để nhà đầu tư mua đất nông nghiệp. Họ mua đất với giá rẻ, xây nhà to, hầu như không phải đóng thuế rồi kiếm hàng triệu USD tiền lãi", ông Steves bức xúc.
Trên giấy tờ, bất động sản tại địa chỉ 9431 đường số 6 được chính phủ định giá 3,1 triệu USD. Khoảng 99% số tiền trên thuộc về giá căn biệt thự và tài sản trên đất. Trong khi đó, 4 ha đất chỉ có giá gần 33.000 USD do điều khoản giảm thuế đất nông nghiệp. Do đó, người sở hữu căn biệt thự này chỉ phải đóng thuế nhà đất vỏn vẹn 12.000 USD trong năm ngoái.
Để so sánh, một bất động sản khác được rao bán với giá 22 triệu USD tại vùng đô thị Richmond phải chịu thuế hơn 104.400 USD mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức thuế đánh lên căn biệt thự đồ sộ được xây trên đất nông nghiệp.
Vào năm 2010, một cặp vợ chồng gốc Hoa chi ra hơn 2,53 triệu USD để mua căn biệt thự này, trong khi giá chính thức của chính phủ chỉ là 217.000 USD. Một số căn khác thậm chí còn có mức chênh lệch khủng khiếp hơn. Điển hình như vào tháng 6/2017, Yang từng bán một trang trại rộng 8 ha với giá 6,86 triệu USD khi chính phủ định giá chỉ gần 58.600 USD.
Mặt tiền căn biệt thự. Ảnh: SCMP. |
Ông Steves cho biết các căn biệt thự lớn đầu tiên được xây ở vùng đất nông nghiệp bên ngoài Vancouver từ năm 2006. Nhưng phải đến năm 2010, giá bất động sản tại đây mới bùng nổ. Kể từ đó, những đại lý bất động sản bắt đầu nhộn nhịp tung ra nhiều chiêu trò quảng cáo cơ hội đầu tư vào đất nông nghiệp.
Edward Zhang, một đồng nghiệp của Layla Yang, nói rằng người Trung Quốc luôn thích nhà càng đồ sộ càng tốt, vì họ cho rằng nhà càng to đẹp càng thể hiện sự giàu có. "Người Trung Quốc đến đây mua nhà với tâm lý đó", Zhang khẳng định.