Theo Reuters, New Delhi cho biết các công ty đến từ những quốc gia chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ cần có đăng ký từ trước và được đảm bảo về phương diện an ninh khi tham gia đấu thầu các dự án công tại quốc gia Nam Á.
Chính phủ Ấn Độ khẳng định đây là biện pháp cần thiết "để tăng cường an ninh và quốc phòng". Ấn Độ chia sẻ đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Nepal và Bhutan.
"Các doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Đảm bảo an ninh từ Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ cũng là các điều kiện bắt buộc", chính quyền Ấn Độ khẳng định.
Làn sóng tẩy chay doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc vẫn lan rộng tại Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
Báo Hindustan Times sát nhận định quy định này là "bức tường" chính phủ Ấn Độ dựng lên nhằm chặn các công ty Trung Quốc sau cuộc đụng độ đẫm máu tại biên giới. Hồi tháng 4, Ấn Độ cũng công bố quy định kiểm soát đầu tư nước ngoài từ những quốc gia chung đường biên giới trên bộ.
Quy định này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ. Bắc Kinh công khai chỉ trích New Delhi phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc tại nước này, bao gồm TikTok của ByteDance và UC Browser của Alibaba.
Hạn chế mới sẽ được áp dụng với các dự án của nhóm công ty, ngân hàng và tổ chức tài chính nhà nước Ấn Độ. "Đây là tín hiệu mạnh mẽ mà chính phủ Ấn Độ muốn gửi tới Trung Quốc", Reuters dẫn lời chuyên gia Santosh Pai thuộc hãng luật Link Legal - chuyên tư vấn cho các công ty Trung Quốc - khẳng định.