Theo Bloomberg, một số hãng rượu vang hàng đầu châu Âu đang đầu tư phát triển vườn nho và sản xuất rượu vang tại Trung Quốc. Chateau Lafite Rothschild - công ty rượu vang Pháp danh tiếng bậc nhất châu Âu - giới thiệu dòng sản phẩm "Made in China" vào mùa thu năm nay.
Lâu nay, rượu vang của Chateau Lafite Rothschild vẫn được giới nhà giàu tại Trung Quốc rất ưa chuộng. Và đây là thời điểm thuận lợi để các nhà sản xuất rượu vang tầm cỡ thế giới đầu tư vào Trung Quốc.
Theo phân tích của hãng IWSR Drinks Market Analysis, thị trường rượu vang Trung Quốc dự kiến đạt quy mô 17,3 tỷ USD vào năm 2021, lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc thường xuyên uống rượu vang. Ảnh: China Daily. |
Rượu vang Trung Quốc sa sút
Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc ưa chuộng các loại rượu vang cao cấp. Báo cáo Wealth Report Asia năm 2018 của Julius Baer cho biết năm 2015, Trung Quốc có 48 triệu người trẻ thường xuyên uống rượu vang và mức tăng trưởng lên đến 25%/năm.
Tuy nhiên, các thương hiệu rượu vang Trung Quốc bị cho là sẽ thất thế trước các đối thủ ngoại quốc trong cuộc đua giành miếng bánh béo bở này. Đã từ lâu, các loại rượu vang nội địa ở Trung Quốc bị chê là quá nhạt nhẽo.
“Trở ngại lớn nhất đối với các nhà sản xuất Trung Quốc là cái tiếng chuyên sản xuất rượu vang kém chất lượng, không đạt chuẩn", Bloomberg dẫn lời chuyên gia rượu vang Jeannie Cho Lee ở Hong Kong cho biết.
Rượu vang thương hiệu Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn tại quốc gia này, tuy nhiên đang lao dốc. IWSR ước tính doanh số tiêu thụ rượu vang nội địa sẽ giảm từ 105,4 triệu thùng hồi năm 2016 xuống 71,2 triệu thùng vào năm 2021.
Vườn nho của Chateau Lafite Rothschild tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Domaines Barons de Rothschild. |
Chuyên gia rượu vang Richard Hemming tại Singapore cho rằng thời kỳ bùng nổ của rượu vang nội địa ở Trung Quốc đã chấm dứt. “Rượu vang do Trung Quốc sản xuất sẽ trượt dốc vì ngay cả những chai rượu 'Made in China' ngon nhất cũng không thể so sánh được với rượu Pháp”, ông Hemming nhấn mạnh.
Ông Hong Jian, chủ một quán rượu vang sang trọng tại Bắc Kinh, cũng có quan điểm tương tự. Ông cho biết quán của ông chỉ bán một vài chai rượu vang Trung Quốc. Cuối năm 2018, ông mua 2 trang trại trồng nho tại thành phố Bordeaux, Pháp.
Giá đất ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều, nhưng ông Hong cho rằng những điền trang rượu vang Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất và kiểm định chất lượng như Pháp.
"Thấy rượu vang Trung Quốc tôi sẽ đổi sang bia"
Chateau Lafite Rothschild kỳ vọng sẽ tạo cú hích với rượu vang mang thương hiệu Chateau Lafite sản xuất tại Trung Quốc. Năm 2009, công ty này đã mua một mảnh đất ở tỉnh Sơn Đông. Đội ngũ nông dân địa phương lẫn nhân viên từ Pháp đến đây trồng nho trên hơn 340 cánh đồng.
Dòng rượu vang mà Chateau Lafite Rothschild chế biến tại Trung Quốc có tên là Long Dai, dự kiến được phục vụ trong các nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh và Thượng Hải trong tháng 11/2019.
Chateau Lafite Rothschild không phải là cái tên lớn duy nhất đầu tư vào các vườn nho Trung Quốc. Năm 2016, tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH cho ra mắt chai rượu vang được sản xuất tại tỉnh Vân Nam.
Bà Saskia de Rothschild, Chủ tịch của Chateau Lafite Rothschild. Ảnh: Domaines Barons de Rothschild. |
Nhà phê bình rượu Cho Lee nhận định rằng những đại gia như LVMH và Chateau Lafite Rothschild sẽ không gặp nhiều trở ngại trong việc bán những dòng rượu vang họ sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng các thương hiệu nội địa sẽ không có cửa cạnh tranh.
Chai rượu Long Dai của Chateau Lafite Rothschild được thiết kế theo phong cách truyền thống Trung Quốc nhằm thu hút khách hàng nước này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo thiết kế đó có thể sẽ khiến sản phẩm thất bại khi nhiều người tiêu dùng Trung Quốc không thích rượu vang "Made in China".
“Khi tôi thấy chai rượu vang đỏ được sản xuất tại Trung Quốc xuất hiện trên bàn ăn, tôi sẽ yêu cầu đổi sang chai bia”, Bloomberg dẫn lời Zhao Lei, một nhân viên ngân hàng tại Bắc Kinh, khẳng định.