Lượng sinh viên Trung Quốc ra trường trong năm nay sẽ ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Reuters. |
Theo South China Morning Post, Sally Zhang từng phải ngủ trên hàng ghế công cộng và tá túc khắp nơi, từ ký túc xá của bạn bè cho đến nhà trọ giá rẻ. Mọi thứ chỉ thực sự kết thúc khi cô có việc làm và thuê được một căn hộ chung cư tại thành phố Thượng Hải.
Kỷ niệm khó quên nhất đối với cô gái 23 tuổi này là 5 ngày ở miễn phí tại một căn hộ studio ở quận Bảo Sơn, Thượng Hải.
“Căn hộ đó ở rất xa trung tâm thành phố và không có ga tàu điện ngầm. Tuy nhiên, nơi này vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của tôi vào thời điểm đó”, chị Sally Zhang cho biết.
Cứu cánh của người trẻ
Khoảng thời gian lưu trú miễn phí của Sally Zhang là một sáng kiến của chính quyền thành phố nhằm hỗ trợ những người trẻ đang tìm việc trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gắt gao.
Sinh viên có thể được ở miễn phí trong các căn hộ được chính quyền địa phương cung cấp. Ảnh: Reuters. |
Bảo Sơn đã công bố chương trình nhà ở miễn phí trong tháng 6. Các ứng viên có thể nộp đơn xin ở lại tới 5 ngày như Sally Zhang. Điều kiện để được xét duyệt là họ phải hoàn thành chương trình đại học, sau đại học hoặc tiến sĩ trong năm nay và nhận được ít nhất một lời mời phỏng vấn từ công ty địa phương.
Trên khắp Trung Quốc, ngày càng có nhiều địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ tương tự. Động thái này giúp các sinh viên mới tốt nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và thu hút thêm nhân tài.
Ở tỉnh Giang Tô, nhiều thành phố đã cung cấp nhà ở miễn phí cho sinh viên trong quá trình họ tìm kiếm việc làm, thời hạn lưu trú tối đa 14 ngày.
Trong đó, thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, đã cung cấp 500 căn hộ miễn phí tại 12 địa điểm. Các nơi ở này dành riêng cho những người có bằng cử nhân trở lên trong vòng 2 năm trở lại đây. Thời gian cư trú tối đa của họ là 2 tuần.
Ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, các tiêu chí thậm chí còn dễ dàng hơn. Kể từ tháng 3, bất cứ ai dưới 35 tuổi có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đều có thể đăng ký lưu trú miễn phí 7 ngày tại các khách sạn được chỉ định.
Sắp tới, Trung Quốc sẽ có 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp dự kiến tham gia vào thị trường việc làm. Trong khi đó, nền kinh tế của quốc gia này vẫn đang trong quá trình hồi phục sau dịch, nhiều công ty còn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn.
Sinh viên chật vật tìm việc
Theo ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, chiến dịch cung cấp chỗ ở miễn phí có thể giúp giảm bớt khó khăn cho một số sinh viên. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp triệt để.
“Trong vài năm qua, nhiều công ty đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Họ khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn và gấp rút tuyển dụng nhân sự”, ông Chu Zhaohui cho biết.
Nhiều người trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Ảnh: Reuters. |
Mặt khác, vị chuyên gia này còn cho rằng hầu hết người tìm việc đang thiếu các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu. Đa phần sinh viên có xu hướng chỉ tập trung vào việc học tập lý thuyết. Vì vậy, triển vọng việc làm cho thanh niên cũng không quá lạc quan.
Trong vài năm qua, nhiều công ty đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Họ khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn và gấp rút tuyển dụng nhân sự.
Ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Chu còn kêu gọi mọi người có những kỳ vọng “hợp lý” trong hoàn cảnh hiện tại.
“Tôi mong toàn thể xã hội hãy quan tâm đến vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học, hãy để ý và hỗ trợ họ nhiều hơn”, ông Chu chia sẻ.
Ông cũng hy vọng giới sinh viên sẽ phát triển tư duy tích cực, có những kỳ vọng hợp lý về vị trí, mức lương và phấn đấu hết mình để có được việc làm.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5% trong năm nay, đồng thời cam kết tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị, tăng so với mức 11 triệu của năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Shi Lei, giáo sư kinh tế tại ĐH Fudan, cảnh báo rằng Trung Quốc phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu việc làm từ sinh viên tốt nghiệp và lao động nhập cư.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng 1% tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra 1-1,5 triệu việc làm. Do đó, chúng ta cần tốc độ tăng trưởng từ 6% trở lên để giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức có thể chấp nhận được”, ông Shi Lei bình luận.
Theo ông Zhou Yaming, người đứng đầu Ủy ban Giáo dục thành phố Thượng Hải, những người trẻ đang đối diện với “những thách thức chưa từng có” khi tìm kiếm việc làm.
Thị trường việc làm Trung Quốc đã được cải thiện kể từ khi chính sách Zero Covid-19 được gỡ bỏ. Hồi tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 5,3%, thấp hơn một chút so với mức 5,6% trong tháng 2.
Dẫu vậy, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đối với những người 16-24 tuổi lại có xu hướng tăng trong năm nay. Con số này trong tháng 3 là 19,6%, cao hơn so với mức 18,1% của một tháng trước đó.
Kéo theo đó là sự sụt giảm trong mức lương của sinh viên khi ra trường. Theo Công ty tuyển dụng Zhaopin, năm ngoái, mức lương trung bình hàng tháng dành cho sinh viên khóa 2022 là 6.295 nhân dân tệ (907 USD), thấp hơn 6% so với một năm trước đó.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.