Mới đây, tại chương trình NDH Talk với chủ đề “Giấc mơ Thương hiệu Việt”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Tập đoàn PAN và ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bibica (BBC), lần đầu tiên đã có những chia sẻ liên quan tới mối quan hệ “tay ba” tại công ty bánh kẹo nổi tiếng này.
"Vào Bibica không phải để mua một cuộc chiến"
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết sự việc diễn ra tại Bibica là mối quan hệ giữa Bibica và Lotte. PAN khi đầu tư vào Bibica không phải đầu tư vào một cuộc chiến.
“Khi PAN đầu tư vào Bibica, mối quan hệ khi đó là giữa Bibica và Lotte, Lotte muốn biến Bibica thành Lotte – Bibica để sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm của Lotte tại thị trường Việt Nam. Điều này tôi không đồng ý vì việc Bibica đồng ý bán cổ phần cho Lotte là muốn gọi đối tác chiến lược để cùng xây dựng thương hiệu bánh kẹo”, ông Hưng nói.
Vị chủ tịch này cũng cho biết việc PAN đầu tư vào Bibica không liên quan gì tới mối quan hệ 3 bên, hay dung hòa lợi ích của bất kỳ bên nào mà PAN đang đầu tư vào những gì thuộc chiến lược phát triển của PAN.
“Tại thời điểm PAN đầu tư vào Bibica, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ chiến lược phát triển của Bibica hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của PAN nên đầu tư vào. Chúng tôi vào Bibica không phải để mua một cuộc chiến”, ông Hưng khẳng định.
Ông chủ PAN Food cũng cho biết chưa thể khẳng định chiến lược phát triển Bibica có thành công hay không nhưng hiện tại công ty đã và đang triển khai đúng theo chiến lược phát triển đã đề ra và ông tin chắc đây sẽ là quyết định đúng đắn để phát triển công ty bánh kẹo này.
Trong khi đó, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, cũng cho biết mục đích ban đầu Bibica chấp nhận bắt tay với Lotte là để phát triển thương hiệu Bibica mạnh hơn chứ không phải để xóa bỏ thương hiệu bánh kẹo này.
Theo lời tổng giám đốc Bibica, Lotte bắt đầu đầu tư vào Bibica từ năm 2007 với chiến lược phát triển công ty lớn mạnh. Tuy nhiên, sau khi tăng cổ phần sở hữu thì đối tác này lại có những chiến lược phát triển riêng đó là chuyện bình thường.
Vị tổng giám đốc này cũng tiết lộ thêm trong bản hợp đồng đầu tiên Bibica ký với Lotte có bao gồm điều khoản phải giữ lại thương hiệu Bibica để tập trung phát triển và ứng dụng những dây truyền, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất.
Nhưng đến năm 2012, Lotte lại có ý định đổi tên Bibica thành Lotte – Bibica nhưng không thành công.
Cuộc tình "tay ba" và cơ may của Bibica
“Khi đó, chủ tịch tại Bibica là người nước ngoài, ông ấy rất muốn đổi tên công ty thành Lotte - Bibica. Nhưng với cương vị là tổng giám đốc, tôi nhận thấy không thể thực hiện đề xuất này trước đại hội cổ đông. Thời điểm đó, tôi là đại diện sở hữu 15% vốn cổ phần tại Bibica, không phải nhiều nhất nhưng cũng không thể bị HĐQT phủ quyết”, ông Chiến cho biết.
Trong kinh doanh có 2 loại hình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Loại một là mua bán sáp nhập để rồi triệt tiêu sản phẩm của một doanh nghiệp. Loại thứ hai là mua bán sáp nhập để cùng phát triển một thương hiệu và Bibica bắt tay với Lotte, theo ông, là để phát triển thương hiệu bánh kẹo Bibica chứ không phải để bị Lotte thâu tóm.
Trong tình thế khó khăn khi Lotte là cổ đông lớn nhất tại Bibica không giấu giếm ý định thâu tóm toàn bộ hoạt động của công ty này, biến Bibica trở thành công ty con tại Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm của Lotte, ông Trương Phú Chiến đánh giá việc bắt tay bới PAN Group là cơ may đối với Bibica.
“Trong kinh doanh có rất nhiều cơ may và cơ may của Bibica là gặp được PAN Group và tập đoàn này đã đầu tư vào để cùng Bibica phát triển công ty theo đúng chiến lược, định hướng rõ ràng”, ông Chiến chia sẻ.
Theo đó, “chuyện tình” giữa Bibica và Lotte khởi đầu từ năm 2007, khi Bibica đang hoạt động với doanh thu và lợi nhuận ổn định và khẳng định được vị thế của mình tại thị trường bánh kẹo trong nước.
Tuy nhiên, Bibica không muốn dừng lại ở những gì mình đã đạt được và quyết định bán hơn 30% vốn cổ phần của mình cho ông lớn ngành bánh kẹo của Hàn Quốc là Lotte.
Để tránh bị Lotte thâu tóm
Thời điểm đó, giá trị cổ phần của Bibica trên thị trường chỉ vào khoảng 70.000-80.000 đồng/cổ phần thì Lotte đã mạnh tay chi tới 110.000 đồng/cổ phần để được góp mặt trong cơ cấu cổ phần tại doanh nghiệp bánh kẹo này.
Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông lớn nhất tại Bibica với việc sở hữu tới 38,6% vốn điều lệ tại đây, Lotte đã tỏ rõ ý đồ muốn thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp này khởi đầu bằng việc đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica nhưng không thành.
Để tránh việc bị Lotte thâu tóm, Bibica đã quyết định bắt tay với PAN Group và bán 35% cổ phần cho tập đoàn này để làm đối trọng với Lotte trong việc phát triển công ty.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Bibica, Lotte là cổ đông lớn nắm giữ tới 44,03% vốn cổ phần, nhưng PAN Food mới đây đã nâng cổ phần nắm giữ của mình lên mức 50,07% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây.
Bibica cũng thuộc nhóm doanh nghiệp lâu đời nhất trên sàn chứng khoán, khi tiến hành niêm yết từ cuối năm 2001. Hiện tại, cổ phiếu BBC được giao dịch với giá 114.000 đồng/cổ phiếu, gấp 4 lần thời điểm mới lên sàn.