Sáng 29/9, ông Lâm Quang Khôi - Quản lý xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hà Linh (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, hiện nay công ty đang tạm ngưng thu mua chè tươi của người dân. Theo ông, lý do là để lo hậu sự cho giám đốc.
Ngoài ra, công ty cũng tạm cho công nhân làm việc tại công đoạn thu hoạch chè nghỉ việc. Theo giải thích của vị quản lý, do các công nhân làm việc trên máy, nhưng hiện nay tâm lý những người này không ổn định nên dễ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Công nhân công ty Hà Linh vẫn làm việc. Ảnh: M.Q |
"Tuy nhiên, hiện công ty vẫn còn hơn 30 công nhân gấp rút thực hiện các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Đơn vị chỉ tạm ngưng thu mua chè tươi để lo hậu sự cho giám đốc chứ không ngừng sản xuất", ông Khôi khẳng định.
Liên quan đến sự ra đi đột ngột của giám đốc, người quản lý cho biết, trước khi qua Trung Quốc bà Linh đã làm xong các thủ tục xây dựng xưởng mới tại xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) với diện tích 6.000-7.000 m2.
"Ngoài nhà xưởng, dự án khu nghỉ dưỡng tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cũng đang làm dang dở. Hiện nay, dự án đã gần xong, chỉ còn một số hạng mục như đường, cây cảnh là hoàn thiện. Sau khi giám đốc mất, ban lãnh đạo vẫn yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ", ông Khôi nói.
Anh Nguyễn Đức Bình (38 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) cho biết, gia đình bán chè cho Công ty Hà Linh 14 năm nay. Mọi năm sản lượng chè từ 3 ha được thu mua với giá cao.
"Chúng tôi coi chị Linh như người nhà, chị hay gọi điện hỏi thăm. Mỗi khi xuống nhà thì ngồi ăn cơm như người thân chứ không phân biệt giám đốc với nông dân", anh Bình nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Thuận (54 tuổi, ngụ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt), trước đây gia đình bán chè cho công ty khác. Khi đơn vị này gặp khó khăn, chị Linh đã đứng ra thu mua. Nhờ vậy nên nhiều ha chè của gia đình có nơi tiêu thụ.
"Nếu chị Linh không ra tay giúp đỡ thì có lẽ gia đình chúng tôi giờ đã lâm vào cảnh nợ nần. Vì bao nhiêu vốn luyến đã đầu tư hết vào chè", ông Thuận kể.