Theo South China Morning Post, trong vài tháng qua, Wendy Li - nhà sản xuất nội dung trực tuyến 32 tuổi ở Thâm Quyến - và bạn trai Henry Yi - một nhiếp ảnh gia 29 tuổi - liên tục mua bán tiền mã hóa.
“Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi cũng đầu tư vào tiền mã hóa. Sức hấp dẫn của kênh đầu tư này lớn đến nỗi khi một vài người bạn xung quanh lao vào thị trường, bạn cũng sẽ làm theo”, Wendy Li cho biết.
Các chuyên gia tài chính Trung Quốc nhận định cũng giống như nhiều người trẻ ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng loạt thành viên thế hệ Y Trung Quốc coi đầu tư vào tiền mã hóa là cơ hội tốt nhất để làm giàu, đổi đời, để có thể sở hữu một căn nhà to hay mua một chiếc ôtô đẹp.
Biếm họa mô tả cơn sốt tiền mã hóa tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Tâm điểm Thâm Quyến
SCMP cho biết giới trẻ sống ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ Trung Quốc, nơi hàng triệu người làm việc trong ngành công nghệ, tài chính và Internet - đặc biệt quan tâm đến các tài sản kỹ thuật số. Giá các loại tiền mã hóa tăng vọt và sự lôi kéo của các KOL trên mạng thúc đẩy giấc mơ làm giàu của họ.
Chính quyền Trung Quốc đang mở chiến dịch trấn áp thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, theo một khảo sát trên trang Weibo trong tháng này, gần 45% trong số 29.000 người được hỏi khẳng định họ có đầu tư vào tiền mã hóa.
Trên Weibo, tìm kiếm "Bitcoin" cho kết quả hàng trăm nghìn bài viết, được xem hơn 11,7 tỷ lần. Số bài viết về tiền mã hóa cũng xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội khác tại Trung Quốc
"Giới trẻ Trung Quốc quá quen với việc sử dụng điện thoại di động để mua cổ phiếu và đăng ký các khoản vay trực tuyến. Do vậy, tiếp cận thị trường tiền mã hóa không có gì khó đối với họ”, chuyên gia Simon Zhao thuộc trường quốc tế UIC giải thích.
Giới trẻ Trung Quốc quá quen với việc sử dụng điện thoại để mua cổ phiếu và vay trực tuyến. Ảnh: Observer. |
Thống kê của MobTech cho thấy trong năm 2020, trên 80 triệu nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng ứng dụng di động để thực hiện các thao tác đầu tư. Ngoài ra, hơn 20 triệu người dùng mới - khoảng 52,9% là dưới 30 tuổi - bước vào thị trường đầu tư thông qua ứng dụng di động.
Chuyên gia Zhao cho biết người trẻ Trung Quốc quan tâm đến đầu tư "lướt sóng" hơn những người 40-50 tuổi. Họ không có kế hoạch đầu tư dài hạn. "Đầu tư lướt sóng kiểu 'liều ăn nhiều' kích thích giới trẻ Trung Quốc", ông khẳng định.
Wendy Li và Henry Yi ở Thâm Quyến là những người muốn "bắt kịp xu hướng". Li có thu nhập hàng tháng khoảng 10.000 NDT (1.564 USD). Cô sống trong căn hộ 3 phòng ngủ với 3 người bạn, tất cả đều đầu tư vào tiền mã hóa.
"Cơ hội duy nhất"
Hồi tháng 4, Li và Yi đầu tư 80.000 NDT (12.500 USD) thông qua sàn giao dịch ZB.com. Họ mua Tether, Uni, Dot, Ether và Litecoin. Sau vài tuần, tài khoản của họ tăng lên 100.000 NDT (15.640 USD). Nhưng họ đầu tư thêm 30.000 NDT (4.693 USD) khi thị trường tiền mã hóa lao dốc vào đầu tháng 5.
Khoản đầu tư giảm 50% giá trị, Li và Yi thay đổi quan điểm về tiền mã hóa. Li nhận thấy rủi ro đang ngày càng lớn. Tuy nhiên, Yi vẫn muốn thử vận may một lần nữa. Anh tin rằng thị trường sẽ tăng vọt trở lại sau những đợt giảm giá như từng xảy ra trước đây.
“Tiền mã hóa là cơ hội duy nhất để những người trẻ như chúng tôi có thể làm giàu nhanh chóng dù rủi ro là rất lớn”, Yi khẳng định. “Nếu không nắm bắt cơ hội, chúng tôi sẽ không bao giờ đủ khả năng mua một căn hộ ở Thâm Quyến”, Yi nói thêm.
Tiền mã hóa là cơ hội duy nhất để những người trẻ như chúng tôi có thể làm giàu nhanh
Nhiếp ảnh gia Henry Yi ở Thâm Quyến
Tại Thâm Quyến, nhiều người trẻ vay tiền để đầu tư vào tiền mã hóa. "Bạn chỉ cần nhấn điện thoại là có thể vay số tiền gấp 3-5 lần những gì mình đang có. Nếu thị trường đi lên, bạn thắng lớn. Nhưng nếu giá giảm, bạn ngập trong nợ", Yi mô tả.
Chuyên gia kinh tế số Guo Zhongxiao ở Thâm Quyến cho biết hầu hết người trẻ Trung Quốc không hiểu rõ logic phía sau thị trường tiền mã hóa. "Họ để tâm đến mối tương quan giữa tiền mã hóa với giá vàng, USD. Họ phát điên khi giá Bitcoin và Dogecoin tăng vọt", ông Guo cho biết.
Nhà khoa học Frank Cui thuộc hãng tư vấn công nghệ Dataqin.com ở Bắc Kinh cảnh báo đầu tư vào tiền mã hóa tại Trung Quốc rất rủi ro do bị chính phủ ngăn cấm. Các nhà đầu tư cá nhân thường không đủ thông tin để nhận định thị trường chính xác.
“Thị trường tiền mã hóa ở Trung Quốc như canh bạc 24/7, không có giới hạn về dao động giá. Nhà đầu tư cũng không được bảo vệ”, chuyên gia Cui nhấn mạnh.