Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lao động ngành công nghệ Trung Quốc kiệt quệ vì bị giám sát

Được trả lương cao nhưng nhiều lao động trong ngành công nghệ ở Trung Quốc kiệt quệ đến mức trầm cảm, phải bỏ việc vì bị giám sát gắt gao hàng ngày.

Lao dong Trung Quoc bi giam sat anh 1

Theo Nikkei Asian Review, làm việc cho một công ty game ở Thượng Hải, kỹ sư phần mềm Andy Wang thỉnh thoảng vẫn cảm thấy tội lỗi. Công việc của Wang là phát triển phần mềm giám sát, còn được gọi là "Con mắt thứ ba". Hệ thống này được cài vào máy tính xách tay của tất cả nhân viên trong công ty.

Nó theo dõi màn hình trong thời gian làm việc, ghi lại các cuộc trò chuyện, các trình duyệt web được mở và mọi chỉnh sửa tài liệu mà nhân viên thực hiện. Phần mềm cũng tự động gắn cờ "đáng ngờ" nếu nhân viên truy cập các trang web tìm kiếm việc làm hoặc các nền tảng livestream.

Báo cáo tóm tắt về hoạt động của nhân viên sẽ được tổng hợp hàng tuần. Ngay cả Wang cũng không nằm ngoài tầm kiểm soát của phần mềm này. Mỗi ngày, hàng trăm nhân viên của công ty khởi nghiệp liên tục bị "Con mắt thứ ba" săm soi, ghi chép hoạt động khiến rất nhiều người mệt mỏi, áp lực.

"Cấp trên thường xuyên kiểm tra các báo cáo này", Wang nói. Kết quả giám sát có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng thăng chức hoặc tăng lương của người lao động. "Hơn hết, công ty có thể sử dụng nó làm bằng chứng khi muốn sa thải ai đó", Wang nói thêm.

Lao dong Trung Quoc bi giam sat anh 2

Một nhân viên làm việc đến hai giờ sáng tại công ty phần mềm Zhongguancun ở Bắc Kinh vào tháng 4/2019. Ảnh: AP.

Xâm phạm quyền riêng tư

Ngoài "con mắt" gắn vào máy tính, hàng chục camera giám sát độ nét cao được gắn trong văn phòng công ty. Wang cho biết nhân viên lễ tân sẽ kiểm tra camera mỗi ngày để giám sát thời gian nghỉ ngơi của nhân viên. Sau hai năm làm việc, Wang quyết định nghỉ vì quá mệt mỏi. "Chúng tôi không thể làm việc liên tục. Chúng tôi cũng phải có lúc nghỉ", anh nói.

Ở Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ đã giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty lạm dụng sức mạnh công nghệ để tăng cường giám sát và đánh giá nhân viên. Các thuật toán không chỉ chi phối công việc hàng ngày của các nhân viên nhà kho Alibaba hay tài xế giao hàng Meituan, mà còn quản lý và đánh giá công việc của các nhân viên văn phòng.

Đây là vấn đề đặc thù của ngành công nghệ Trung Quốc, nơi công nghệ phát triển rất nhanh nhưng các quy định về lao động nghèo nàn, dẫn tới tình trạng lạm dụng sức lao động. Chính các công ty công nghệ lớn tự phát triển phần mềm và công cụ giám sát và đánh giá nhân viên.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc ứng dụng tràn lan công nghệ giám sát làhành vi phi đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên và tạo thêm gánh nặng công việc cực lớn cho họ. "Tôi cảm thấy mình ngày càng bận rộn hơn và có ít thời gian hơn cho bản thân", anh Wang than thở.

Lao dong Trung Quoc bi giam sat anh 3

Phần mềm giám sát "con mắt thứ ba" theo dõi màn hình máy tính của nhân viên trong công ty DiSanZhiYan. Ảnh: Nikkei.

Điều kiện làm việc khắc nghiệt, quá áp lực khiến nhiều người lao động mệt mỏi, kiệt quệ, thậm chí tử vong. Không ít nhân viên công ty công nghệ Trung Quốc phải làm việc hơn 12 tiếng/ngày, thậm chí có thể hơn trong giai đoạn cao điểm.

Tháng 12 năm ngoái, cái chết của hai nhân viên làm việc tại nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng sức lao động trong ngành công nghệ. Nữ nhân viên 22 tuổi làm việc bán mạng từ 9h tới 21h, 6 ngày mỗi tuần đến mức kiệt sức. Cô đột quỵ khi trên đường trở về nhà lúc 1h30 sáng.

Hai tuần sau, một nam kỹ sư công nghệ của Pinduoduo tự vẫn vì áp lực công việc quá cao. Người này là một nhân viên trẻ, mới tốt nghiệp đại học. Anh kiểm tra ứng dụng tin nhắn của công ty lần cuối trước khi nhảy lầu tự sát. Cũng trong tháng đó, một nhân viên đăng ảnh đồng nghiệp kiệt sức và được đưa bằng cáng ra khỏi công ty. Anh này sau đó bị sa thải.

Ép nhân viên làm bán mạng

Hàng loạt các sự cố đau lòng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa làm việc "996" khắc nghiệt ở Trung Quốc. "Ở Trung Quốc, các thuật toán và trí tuệ nhân tạo không thay thế người lao động. Thay vào đó, chúng hỗ trợ hoạt động quản lý", chuyên gia Nick Srnicek thuộc Đại học King's College of London (Anh) nhận định.

Luật sư Samuel Yang thuộc hãng luật AnJie ở Bắc Kinh cho biết chính quyền Trung Quốc đã soạn thảo luật ngăn chặn các công ty công nghệ thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng hiện nước này không có khung pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư của người lao động. "Thách thức lớn nhất là xác định hoạt động giám sát công việc nào được coi là hợp lý và cần thiết", ông Yang giải thích.

Tại Trung Quốc, hoạt động giám sát nhân viên xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghệ. Các công ty cạnh tranh dữ dội trong những lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, mạng xã hội... do đó ép nhân viên làm việc bán mạng.

Sangfor Technologies là nhà cung cấp các nền tảng giám sát online lớn nhất Trung Quốc. Danh sách khách hàng của Sangfor Technologies có 50.000 doanh nghiệp, bao gồm Alibaba, ByteDance (công ty mẹ của TikTok), Sina Corp (công ty mẹ của Weibo), Xiaomi, ZTE...

Lao dong Trung Quoc bi giam sat anh 4

Ứng dụng giám sát Zhongduantong theo dõi vị trí của người lao động các thời điểm trong ngày. Ảnh: Nikkei.

Phần mềm của công ty này theo dõi được mọi hoạt động trên máy tính và điện thoại của các nhân viên khi chúng kết nối với hệ thống mạng công ty. Thậm chí nó có thể tự chặn các ứng dụng di động bị công ty coi là ảnh hưởng đến công việc.

Zhongduantong, một công ty phần mềm ở Bắc Kinh, phát triển ứng dụng di động theo dõi vị trí của người lao động ở các thời điểm trong ngày. Hồi năm 2018, giám đốc bán hàng một công ty ở thành phố Thẩm Dương bị phạt 200 NDT (31 USD) vì đi làm việc riêng trong giờ ăn trưa. Một người khác ở Sơn Tây bị phạt vì mở ứng dụng Weibo trong 10 phút khi đi vệ sinh.

"Nhiều ứng dụng theo dõi việc nhân viên ở một vị trí, ví dụ trong nhà vệ sinh, quá lâu", chuyên gia quyền lao động Alan Li cho biết. Ông khẳng định các dữ liệu này đem lại cho doanh nghiệp quyền lực lớn khi xử lý các tranh chấp lao động.

Quan hệ của nhân viên ngành công nghiệp Internet Trung Quốc với doanh nghiệp bất bình đẳng như mối quan hệ giữa shipper và các nền tảng giao đồ ăn

Chuyên gia lao động Alan Li

"Mối quan hệ của nhân viên làm việc trong ngành công nghiệp Internet Trung Quốc với công ty cũng bất bình đẳng như mối quan hệ giữa shipper và các nền tảng giao đồ ăn. Các quy định bảo vệ quyền lợi cho nhân viên công ty công nghệ không tốt hơn shipper là bao", ông Li nói.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lao động ngành công nghệ có thu nhập trung bình 177.544 NDT (27.800 USD) năm 2020, tăng 10% so với năm trước, cao hơn thu nhập trung bình của lao động ngành tài chính và và bất động sản. "Vì các công ty trả nhiều tiền cho nhân viên, họ tự cho mình có quyền năng tăng khối lượng công việc tùy thích", chuyên gia Li bình luận.

Cindy Yang với vào làm việc tại Tencent Holdings. Dù có bằng thạc sĩ, cô vẫn tốn hàng nghìn NDT để học lớp kỹ năng phỏng vấn. "Các công ty công nghệ đều yêu cầu nhân viên làm thêm giờ. Ai ngần ngại sẽ bị thải loại ngay", cô kể.

Giờ Yang làm việc từ 10h đến 22h mỗi ngày. "Mọi thành viên trong nhóm của chúng tôi đều cảm thấy khủng hoảng", cô thừa nhận.

Trừng trị Jack Ma, Trung Quốc tự đẩy nền kinh tế vào thế khó?

Trung Quốc muốn cắt giảm quy mô của các tập đoàn công nghệ lớn, ngăn chặn lạm dụng thế độc quyền và chấp nhận rủi ro quá mức. Tuy nhiên, những động thái trên có thể phản tác dụng.

Công ty ôtô điện 87 tỷ USD của Trung Quốc chưa bán được chiếc xe nào

Giá cổ phiếu của hãng xe điện mới nổi Evergrande NEV tăng phi mã trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa bán được bất kỳ chiếc xe nào.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm