Theo AP, bận rộn chăm sóc hai đứa con gái, Yue Yan - một bà nội trợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc - cho biết quỹ thời gian cả ngày của chị dành cho đứa con gái nhỏ 2 tuổi, còn buổi tối phải giúp con gái lớn 10 tuổi làm bài tập. Ngoài chăm sóc con cái cả ngày, chị còn phải làm việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp.
Vì để tập trung chăm sóc các con, chị Yan - 35 tuổi - đã nghỉ việc tại một nhà hàng. Áp lực kinh tế gia đình đổ lên vai chồng chị. Dù vậy, cuộc sống vẫn khá khó khăn. "Nếu cả vợ và chồng đều đi làm mà không có ông bà giúp đỡ trông cháu thì các cặp vợ chồng thường không muốn có con nữa. Áp lực rất nặng nề", Yan nói.
Theo AP, đối mặt với áp lực già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm, chính phủ Trung Quốc mới đây vừa ban hành chính sách nới lỏng giới hạn sinh để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn. Tuy nhiên, gánh nặng kinh tế mới là nguyên nhân khiến nhiều gia đình không muốn sinh nhiều con.
Tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu để duy trì quy mô dân số khiến tốc độ già hóa ở Trung Quốc diễn ra nhanh hơn dự báo. Ảnh: AP. |
Già hóa dân số nhanh
Chính sách dân số của Trung Quốc đã thay đổi theo chiều hướng rộng mở qua thời gian. Từ thập niên 1980, chính sách chính phủ quy định mỗi gia đình chỉ được có một con. Đến năm 2015, các cặp vợ chồng có thể sinh hai con. Quy định mới gần đây khuyến khích các cặp vợ chồng có 3 con.
Kể từ khi chính sách 2 con được ban hành vào năm 2015, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc tăng nhẹ vào năm 2016. Tuy nhiên sau đó tỷ lệ người có con giảm xuống, trong khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi lại tăng lên nhanh chóng.
Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc dự kiến đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này và bắt đầu đi xuống. Dữ liệu điều tra dân số cho thấy quá trình già hóa đang diễn ra nhanh hơn dự báo. Điều này càng gia tăng áp lực vào nền kinh tế vốn được dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong tương lai.
Mặt khác, sự già hóa dân số nhanh chóng có thể đập tan tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế thịnh vượng dựa vào sức mua người tiêu dùng của Trung Quốc.
Dân số Trung Quốc già đi nhanh hơn dự báo. Điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Yi Fuxian, nhà nghiên cứu cấp cao về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin (Madison)
Ông Yi Fuxian, nhà nghiên cứu cấp cao về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin (Madison), nói: "Dân số Trung Quốc già đi nhanh hơn dự báo. Điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm".
Theo ông Ning Jizhe thuộc Tổng cục Thống kê Trung Quốc, có khoảng 12 triệu trẻ ra đời ở Trung Quốc trong năm ngoái, giảm gần 20% so với năm 2019. Khoảng 40% trong số đó là con thứ hai, tỷ lệ này cũng giảm so với mức 50% hồi năm 2017.
Trong khi đó, số liệu điều tra dân số cho thấy tỷ lệ người trong độ tuổi lao động dưới 60 tuổi của Trung Quốc giảm từ 70,1% xuống 63,3% chỉ trong một thập kỷ. Nhóm người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 8,9% lên 13,5%.
Tỷ suất sinh thực tế của mỗi bà mẹ ở Trung Quốc vào năm 2020 là 1,3. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 2,1 để duy trì quy mô dân số hiện tại của nước này.
Áp lực của các gia đình trẻ
Giống một số nền kinh tế khác ở châu Á, Trung Quốc đang đối mặt với một thách thức lớn về dân số. Sự già hóa dân số diễn ra quá nhanh khiến nước này áp lực trước việc phải trở thành nước giàu trước khi dân số trong độ tuổi lao động già đi.
Bộ Lao động Trung Quốc ước tính tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của nước này có thể giảm xuống chỉ còn một nửa dân số vào năm 2050. Điều này sẽ làm tăng "tỷ lệ phụ thuộc", tức số người nghỉ hưu phụ thuộc vào mỗi người lao động, bao gồm các chi phí như quỹ hưu trí, dịch vụ y tế và các dịch vụ công cộng khác.
Các cặp vợ chồng trẻ ở nước này phải đối mặt với những thử thách khó khăn về kinh tế khi nuôi dưỡng con cái. "Tôi chắc chắn sẽ không sinh thêm con nữa", New York Times dẫn lời anh Hu Daifang, công nhân nhập cư ở tỉnh Tứ Xuyên khẳng định.
Anh Hu, 35 tuổi, cho biết anh phải kiếm sống rất vất vả, đặc biệt sau khi mẹ anh đổ bệnh và không thể chăm sóc hai đứa con. "Tôi thấy mình như đang cố gắng để sinh tồn chứ không phải đang sống thật sự", anh than thở.
Tỷ suất sinh thực của mỗi bà mẹ ở Trung Quốc vào năm 2020 đạt 1,3, thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 2,1 để duy trì quy mô dân số hiện tại. Ảnh: New York Times. |
"Tôi không muốn các con đi theo con đường làm việc trong nhà máy như tôi", anh Hu nói. "Vì vậy, áp lực kiếm tiền rất nặng nề", anh than thở. Trên thực tế, phụ nữ ở Trung Quốc chịu nhiều áp khi lực mang thai, sinh đẻ cùng thời gian nghỉ thai sản ngắn khiến ngày càng nhiều người e ngại việc sinh con.
Trên nền tảng mạng xã hội Weibo, nhiều người Trung Quốc phàn nàn về chi phí giáo dục tăng cao, giá nhà ở cao ngất và làm việc thiếu thoải mái khi có con. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc trẻ em tại nước này làm nhiều bậc cha mẹ trẻ phải trông cậy vào ông bà để chăm con trong khi họ bận rộn đi làm để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, sự phân biệt đối xử đối với nữ lao động có kế hoạch mang thai cũng làm cho nhiều phụ nữ nước này cảm thấy không sẵn sàng sinh con. Nhiều lao động nữ tiết lộ có thể sa thải hoặc giáng chức nếu cho cấp trên biết về ý định có con. Một số người còn bị ép buộc ký hợp đồng cam kết không mang thai trong thời gian làm việc.
"Trước tiên cần khắc phục những vấn đề cơ bản về quyền thai sản và những bất công mà phụ nữ phải chịu tại nơi làm việc, sau đó mới nên khuyến khích họ sinh con", một người dùng Weibo bình luận.
Tôi không muốn các con đi theo con đường làm việc trong nhà máy như mình. Vì vậy, áp lực kiếm tiền rất nặng nề
Anh Hu Daifang, công nhân ở tỉnh Tứ Xuyên, đã có hai con.
Trước tỷ lệ sinh thấp, chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em cho các gia đình có 3 con. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ còn mơ hồ và thiếu tính thực thi để khích lệ người dân sinh thêm.
Rất ít nỗ lực thật sự thành công trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh. Cho đến nay, cơ quan chức năng nước này chỉ mới gia tăng thời gian nghỉ thai sản cùng quy định cấm người sử dụng lao động hỏi lao động nữ về kế hoạch sinh con để hạn chế bất công trong môi trường làm việc. Ngoài những điều này, các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho hộ gia đình còn hạn chế.
Theo ông Song Jian, giáo sư thuộc Trung tâm Dân số và Phát triển tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, điều Trung Quốc cần làm lúc này là "thúc đẩy sự sẵn sàng có con". "Chính phủ cần làm người dân cảm thấy rằng có con hoặc lập gia đình là một điều hấp dẫn", ông Song nói.
Zhang, một luật sư ở Bắc Kinh, cho biết vợ chồng anh dự định chỉ sinh một đứa do chi phí nuôi dưỡng và học hành cao, bên cạnh đó anh còn phải phụng dưỡng cha mẹ già.
"Chính phủ nên giảm bớt gánh nặng cho các bậc cha mẹ trẻ. Nếu hai vợ chồng trẻ vừa phải trông con, vừa phải chăm sóc người già thì không ai gánh nổi", Zhang nói.