Quyết định nghỉ việc tại công ty truyền thông cũ tại TP.HCM, Bích Ngọc (23 tuổi), tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với 1 năm kinh nghiệm cho biết trong hơn 1 tháng qua, Ngọc đã nộp hồ sơ lên rất nhiều nền tảng tuyển dụng trực tuyến vào nhiều vị trí ở các công ty khác nhau, tuy nhiên thường không nhận được phản hồi.
"Hầu hết công ty từ chối tuyển dụng đều không có phản hồi, thậm chí đã phỏng vấn thành công vòng đầu tiên thì đến cuối cùng vẫn không nhận được hồi đáp. Chỉ một số ít công ty liên lạc và nói rằng chưa phải nhân sự phù hợp họ tìm kiếm", Bích Ngọc nói.
Ngọc cho biết mặc dù các công ty đang có nhiều nhu cầu tuyển dụng, khả năng xin việc đối với những ứng viên ít kinh nghiệm trong giai đoạn này khá thấp.
"Cuối cùng, mình tìm việc thành công ở một công ty khác nhờ thư giới thiệu từ công ty cũ với công việc khá phù hợp", cô chia sẻ thêm.
Theo báo cáo thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong quý II của Adecco, bất chấp làn sóng bùng Covid-19 lần thứ 4, hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn tương đối ổn định.
Tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: TL. |
Phần lớn các vị trí đang tuyển dụng vẫn được tiến hành theo kế hoạch, chỉ 10% trong số đó phải tạm hoãn. Việc tạm hoãn xảy ra với các vị trí quản lý, điều hành cấp cao và các vị trí chú trọng kỹ thuật. Đây vốn là những vị trí nhà tuyển dụng và ứng viên cần gặp mặt tại nơi làm việc hoặc phỏng vấn trực tiếp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngoài ra, số lượng việc làm mới cũng có những dấu hiệu tích cực. Dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng lên đến 60% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ ngành F&B, vận tải và du lịch, các ngành khác đều tăng tỷ lệ mở các vị trí.
Tuy nhiên, theo bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Adecco TP.HCM, hiện thị trường ghi nhận một số xu hướng tuyển dụng mới.
"Các công ty hiện nay ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao vì họ có thể nhanh chóng đảm nhận công việc, thay vì dành thời gian tuyển dụng và đào tạo các vị trí đầu vào. Họ tìm kiếm những vị trí chủ chốt nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trong thị trường biến động như hiện nay", bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh nhận định.
Như vậy, khi các doanh nghiệp tập trung vào tuyển dụng các vị trí chuyên môn cao, cơ hội việc làm cho những người trẻ có ít năm kinh nghiệm trở nên hạn chế hơn.
"Tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ các đợt bùng phát và đang trong giai đoạn cầm cự, các bạn trẻ cũng ít có cơ hội mở rộng phạm vi công việc hoặc thử sức với các ý tưởng mới", bà Thanh nói thêm.
Trước xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy nhanh chóng như hiện nay, các lĩnh vực liên quan đến công nghệ như thương mại điện tử và fintech luôn có nhu cầu tuyển dụng cao.
Ngoài ra, mặc cho sự lây lan phức tạp của dịch bệnh ở một số khu công nghiệp, ngành sản xuất (kỹ thuật, điện tử, cơ khí và hóa chất) vẫn tích cực tìm kiếm nhân tài.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê báo cáo chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%. Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng đáng chú ý khác là dịch vụ tài chính và văn phòng liên lạc thuê ngoài.
Một trong những xu hướng mới diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 là tuyển dụng trực tuyến. Dù được xem là một giải pháp thay thế hiệu quả trong giai đoạn giãn cách xã hội, tuyển dụng trực tuyến vẫn có những mặt hạn chế nhất định.
Theo Adecco TP.HCM, phỏng vấn trực tuyến khiến nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc quan sát ngôn ngữ cơ thể cũng như cách ứng viên phản ứng với môi trường và văn hóa doanh nghiệp.
"Mức độ tương tác khi chào đón nhân viên mới từ xa cũng là một mối quan tâm. Khi không có sự gặp gỡ và chào đón trực tiếp, nhân viên mới khó có thể cảm nhận được môi trường mới cũng như thích nghi được với văn hóa làm việc", bà Đặng Thị Thái Hòa, Phó giám đốc bộ vận tuyển dụng của đơn vị này bình luận.