Không chỉ nhiệt thành với ước mơ, hoài bão, thế hệ trẻ còn bồi đắp tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hành động nhỏ như góp một mầm xanh.
Không chỉ giúp xoa dịu tâm hồn, hành trình về với rừng còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ với thiên nhiên, môi trường.
Những ngày hè nắng gắt 3 năm trước, người ta tò mò khi thấy đoàn người rủ nhau gom rác trên bãi biển. Từng bao tải to xếp thành hàng dài, bãi biển ngập rác “lột xác” trở nên tươi mới. Một, hai rồi hàng trăm bức ảnh trước và sau khi dọn rác ở một nơi nào đó được chia sẻ trên mạng xã hội, tạo thành trào lưu Challenge for change - thử thách dọn rác.
Bắt nguồn từ một tài khoản trên mạng xã hội, với mục đích tạo ra thử thách cho những người buồn chán, song Challenge for change lại làm nên sự khác biệt. Hiếm trào lưu nào thu hút đông đảo sự quan tâm và tồn tại lâu đến thế. Không giới hạn thời gian hay địa điểm, bất kỳ ai cũng có thể tham gia, từ chính khu vườn nhà mình hay trên hành trình khám phá vùng đất mới. Không còn là trào lưu dành cho người buồn chán, thử thách dọn rác hóa trách nhiệm với sức lan tỏa mạnh mẽ.
Bước từ thế giới mạng ra đời thực không chỉ có Challenge for change, hình ảnh bạn trẻ cầm theo chiếc bình và ống hút tre đến quán cà phê không còn xa lạ. Túi vải dùng nhiều lần, sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện môi trường được ưu tiên lựa chọn. Những thùng rác phân loại xuất hiện nhiều hơn. Người vứt rác cũng dừng lại lâu hơn trước khi quyết định bỏ vào ngăn tái chế hay không.
Nhiều người tạo ra thiên nhiên ở ngay ban công với những cây xanh nhỏ. Họ tham gia nhiều hơn hoạt động trồng cây gây rừng hay cộng tác cho các đoàn bảo tồn thiên nhiên mỗi khi có thời gian.
Nghiên cứu năm 2021 về cuộc sống bền vững và lành mạnh của người tiêu dùng toàn cầu từ GlobeScan cho thấy công chúng quan tâm đến các vấn đề môi trường - ô nhiễm nước, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và mất đa dạng sinh học hơn bao giờ hết.
Hơn thế, mọi người bày tỏ mong muốn mạnh mẽ thay đổi cách sống, nhất là thế hệ Z. Nghiên cứu chỉ ra người tiêu dùng Gen Z đã thực hiện một số thay đổi để thân thiện hơn môi trường (74%), lành mạnh (80%) và giúp ích những người khác (77%) .
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, nhớ lại những năm 50-60 của thế kỷ trước, nhiều người nghĩ cách khai thác hơn là bảo vệ thiên nhiên. Thế nhưng hiện tại, thế hệ Z yêu thiên nhiên hơn rất nhiều. Họ hành động bởi thực sự lo lắng cho tương lai của mình.
“Thế hệ trẻ đang dần thay đổi, mở ra hy vọng mới cho tương lai”, bà Huyền khẳng định.
Nghiên cứu năm 2021 về cuộc sống bền vững và lành mạnh của người tiêu dùng toàn cầu chỉ ra các thương hiệu có thể đóng vai trò quan trọng, truyền cảm hứng hành động. Đồng thời, mọi người đang kêu gọi sự thay đổi mang tính hệ thống từ nhiều bên liên quan, bao gồm Chính phủ và các công ty để dễ dàng hiện thực hóa cuộc sống lành mạnh, bền vững.
Thực tế, không ít doanh nghiệp có xu hướng tạo cơ hội để nhân viên gần gũi và hiểu về thiên nhiên, từ đó hình thành ý thức bảo vệ. Thay vì các chuyến nghỉ dưỡng, hành trình trải nghiệm kết hợp khám phá thiên nhiên trở thành lựa chọn được ưu tiên.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền cũng cảm nhận rõ điều này bởi 4-5 năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm dành cho môi trường và tìm cách để “xanh” hơn. Thậm chí, các doanh nghiệp cải tiến sản xuất, cho thấy trách nhiệm với thiên nhiên. Song song phát triển về quy mô kinh doanh, họ đầu tư cho thiên nhiên như khoản sinh lời lâu dài.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ khi mới bước chân vào hành trình bảo tồn thiên nhiên, chị nhận thấy không ít người xa cách và đổ lỗi cho doanh nghiệp, đồng thời từ chối nhận tài trợ. Họ nghĩ các công ty không thân thiện với môi trường, tàn phá thiên nhiên. Thế nhưng dần dần, bà Huyền nhận ra doanh nghiệp mới là người thay đổi cuộc chơi. Ngay cả các startup của thế hệ Z đã nghĩ đến môi trường ngay khi vừa khởi sự kinh doanh.
Gần nhất, Gaia hợp tác Zing News và Giao Hàng Tiết Kiệm triển khai hoạt động “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”. Chương trình đóng góp 1.000 cây xanh cho rừng phòng hộ huyện Cần Giờ nhằm chung tay lan tỏa tình yêu thiên nhiên, hình thành nhận thức bảo vệ môi trường, mang lại cuộc sống và tương lai tốt đẹp, trong lành hơn. “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” thu hút 30 người tham gia, đa phần là Gen Z lần đầu tham quan rừng ngập mặn, cảm nhận hệ sinh thái đa dạng cũng như tính cấp thiết của việc bảo vệ thiên nhiên.
Lê Đình Phong (sinh năm 1999) - một trong những thành viên trẻ nhất đoàn - khó khăn ấn từng nhát xẻng xuống nền đất sình thành vòng tròn, để tạo hố trồng cây theo hướng dẫn. Dù mệt, Phong không giấu nổi sự hào hứng trên gương mặt với ánh mắt lấp lánh. Nam nhân viên dùng một từ “vui” để gói gọn cảm xúc về hành trình trồng cây gây rừng.
Tính chất công việc tại đơn vị giao hàng cần “trực chiến” để giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể. Vậy nên đến sát ngày diễn ra hoạt động, Phong mới sắp xếp được và quyết định tham gia “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”. Phong khẳng định bản thân đã lựa chọn đúng khi vượt hơn 100 km đến với rừng và góp sắc xanh.
“Ai nấy đều mệt nhưng xứng đáng. Không phải mồ hôi, chúng tôi được thấm đẫm nhiệt huyết tuổi trẻ trong tấm áo xanh”, Phong bộc bạch.
Nam nhân viên thừa nhận đến Cần Giờ nhiều lần nhưng chưa nghĩ đến việc tham quan khu dự trữ sinh quyển hay trồng cây gây rừng trước đây. Chỉ khi trở thành một phần của hành trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, Phong mới cảm nhận sự năng nổ, hết mình trước vấn đề môi trường cấp thiết. Phong nhận ra tương lai tươi đẹp hay không đều thuộc về mình - những người trẻ Gen Z chứ chẳng phải ai khác.
Giá trị lớn nhất nam nhân viên có là được góp phần nhỏ bé cho tự nhiên và Trái Đất. Phong chẳng chút ngần ngại mà khẳng định không muốn từ chối bất kỳ hoạt động ý nghĩa nào và tiếp tục tham gia chương trình nếu công việc cho phép. Phong cũng khẳng định chắc nịch chắc chắn sẽ “lôi kéo” thêm bạn bè, đồng nghiệp góp phần từng bước phủ xanh rừng.
Bên cạnh trồng rừng, chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” kết hợp trải nghiệm thiên nhiên tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ để tìm hiểu rừng ngập mặn, chiến lược thích nghi của cây và các sinh vật tại đây. Cả đoàn có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn với những đàn cá thòi lòi thoắt ẩn thoắt hiện hay hàng đước “khoe” bộ rễ kỳ thú khỏi mặt đất.
Chuyến đi giúp mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đến gần hơn với thiên nhiên, giải tỏa căng thẳng, kích thích tư duy tích cực. Hơn hết, họ hình thành ý thức bảo vệ môi trường và thêm động lực để biến mong muốn thành hành động. “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” khép lại, nhưng hy vọng về sức lan tỏa của hoạt động bảo tồn thiên nhiên mở ra và ngày càng mạnh mẽ.
Zing News cùng Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) đồng hành trong chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” đóng góp 1.000 cây xanh tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.
GHTK là công ty công nghệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính với ưu thế tốc độ, mạng lưới khắp toàn quốc và có thế mạnh trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động của mình. Để biết thêm thông tin về chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, độc giả truy cập tại đây.
Bình luận