Hàng trăm triệu lao động trên khắp Trung Quốc đang chuẩn bị trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài, nhưng họ sẽ không khỏi lo lắng khi hàng ngày, báo cáo về những trường hợp tử vong do virus corona chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân bên trong khu vực hồi sức tích cực của một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
"Tại sao các con số vẫn tăng?"
Theo công bố ngày 9/2, số ca tử vong trên khắp đại lục đã lên tới 811 người, vượt qua số người tử vong của đại dịch SARS giai đoạn 2002-2003. Trong khi đó, số ca nhiễm đã lên tới hơn 37.000 trường hợp.
Mặc dù số lượng ca được điều trị thành công cũng tăng, nhưng vào lúc này, nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm những siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh vẫn trong tình trạng "hôn mê" vì người dân hạn chế ra đường, giao thông phong tỏa, khiến các ngành dịch vụ gần như tê liệt.
Triển vọng về nền kinh tế được coi là công xưởng của thế giới, nay trở nên u ám với sắc đỏ tràn ngập thị trường tài chính châu Á. Và như thường lệ, cứ mỗi khi có khủng hoảng, các nhà đầu tư lại chuyển hướng tới danh mục an toàn như đồng yen Nhật và kim loại quý.
Đến ngày 10/2, một số cơ sở kinh doanh sẽ hoạt động trở lại, nhưng vẫn còn nhiều công ty và toàn bộ trường học vẫn chưa mở cửa. Hầu hết nhân viên văn phòng đều được lệnh làm việc tại nhà.
Tập đoàn Foxconn muốn dây chuyền sản xuất Iphone hoạt động trở lại vào ngày 10/2, nhưng chính quyền Trung Quốc không chấp thuận, theo báo Nikkei của Nhật Bản.
Hãng công nghệ Tencent cũng cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà cho đến ngày 21/2. Tỉnh Hà Bắc cạnh Bắc Kinh thậm chí còn cho học sinh và sinh viên nghỉ học tới tận 1/3.
Số ca tử vong trong ngày vẫn đều đặn lập kỷ lục, với 89 trường hợp ghi nhận trong ngày 8/2, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona lên 811, vượt xa con số 774 người thiệt mạng vì dịch SARS.
Hong Ling, một công dân Mỹ 53 tuổi, là nhà di truyền học chuyên nghiên cứu các bệnh hiếm gặp ở Đại học Berkely, trở thành người nước ngoài đầu tiên tử vong vì căn bệnh do virus corona gây nên. Ông và một người đàn ông Nhật Bản khác nằm trong số những người nước ngoài tử vong hôm 8/2 ở tỉnh Hồ Bắc.
Thành phố Thượng Hải trở nên vắng vẻ trong những ngày này, khi người dân chủ động ở trong nhà và công chức cũng đi làm từ xa. Ảnh: Reuters. |
Khi hàng chục triệu người Trung Quốc chuẩn bị quay lại làm việc, sự mất tinh thần và mất lòng tin của họ được thể hiện rõ rệt trên mạng xã hội Weibo của nước này.
"Không cần nói gì nữa. Tất cả đều không thể mua khẩu trang ở bất cứ đâu, tại sao chúng ta vẫn phải quay lại làm việc", một người cho biết.
"Hơn 20.000 bác sĩ và y tá trên khắp đất nước đã được gửi đến Hồ Bắc, nhưng tại sao các con số vẫn tăng lên", một người đặt câu hỏi.
Vẫn chưa đạt đỉnh?
Trong số những ca tử vong mới nhất, 81 trường hợp được ghi nhận ở tỉnh Hồ Bắc, nơi đang bị phong tỏa vì đại dịch. Thủ phủ Vũ Hán của tỉnh - tâm điểm của đợt bùng phát - ghi nhận số ca tử vong giảm so với ngày hôm trước.
Hôm 8/2 cũng là lần đầu tiên kể từ ngày 1/2, số ca nhiễm mới giảm, với 2.656 trường hợp được ghi nhận. Trong số này, 2.147 ca đến từ tỉnh Hồ Bắc. Tổng số ca nhiễm cho đến thời điểm này ở đại lục là 37.198, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Ông Joseph Eisenberg, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Michigan, cho rằng còn quá sớm để xác định dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm hay chưa.
"Ngay cả khi các trường hợp được báo cáo có thể đạt đến đỉnh điểm, chúng ta vẫn không biết điều gì đang xảy ra với những trường hợp không được ghi nhận. Đây đặc biệt là vấn đề ở các khu vực hẻo lánh", ông Eissenberg nhận định.
Virus hiện đã lây sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 330 người nhiễm bệnh. Hai trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục xảy ra ở Hong Kong và Philippines, đều là những người đến từ Vũ Hán.
Các thành phố lớn đã công bố những hạn chế du lịch mới, trước mối lo về sự lây lan ngày càng tăng của virus corona.
Đặc khu hành chính Hong Kong cho biết sẽ cách ly bắt buộc 14 ngày với tất cả những người đến từ đại lục. Malaysia đã mở rộng lệnh cấm dành cho du khách đến từ Trung Quốc.
Pháp đưa ra cảnh báo du lịch mới cho công dân nước này, khuyến cáo người dân không nên đến Trung Quốc trừ khi có lý do bắt buộc. Italy yêu cầu trẻ em từng đi tới Trung Quốc nghỉ học trong 2 tuần.
Người dân Vũ Hán đeo khẩu trang đi mua thực phẩm tại siêu thị. Hiện công tác cung ứng cho thành phố vẫn diễn ra hiệu quả, và không có tình trạng tích trữ thực phẩm như ở Hong Kong. Ảnh: Reuters. |
Các trường hợp nhiễm virus mới nhất ngoài Trung Quốc bao gồm 5 công dân Anh ở cùng một ngôi nhà gỗ tại làng Haute-Savoie trên dãy Alps phía Pháp. Điều này dẫn tới những lo ngại về việc lây nhiễm trong đỉnh điểm mùa du lịch trượt tuyết ở châu Âu.
Trong khi đó, Singapore cũng thông báo về một ổ dịch tiềm tàng, khi các ca nhiễm mới đều liên quan đến một sự kiện diễn ra tại khách sạn Grand Hyatt. Hiện đảo quốc sư tử đã có 40 ca nhiễm, cao thứ 2 trong số những quốc gia ngoài Trung Quốc.
Nhật Bản đang đứng đầu danh sách với 96 trường hợp, trong đó có 70 ca nhiễm được ghi nhận trên tàu du lịch Diamond Princess, hiện bị cách ly tại cảng Yokohama.