Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người TP HCM lo thực phẩm nhiễm độc

Nhiều cử tri bức xúc về tình trạng kẹt xe, ngập nước, an ninh trật tự và thực phẩm nhiễm chất độc trước kỳ họp HĐND TP HCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016).

Kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 20 khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) diễn ra từ ngày 8 đến 11/12. Ông Nguyễn Thanh Triều - Chánh Văn phòng HĐND TP HCM cho biết, tại kỳ họp lãnh đạo UBND TP và tất cả sở, ban, ngành, quận huyện sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

"Sẽ không có sự chuẩn bị trước, đại biểu hỏi đến đâu thì người có chức năng trả lời đến đó. Đây là nét mới so với các lần trước", ông Triều cho biết.

Xô chậu cùng nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt bên đồng rau muống ở phường Thạnh Xuân. Ảnh: Trường Nguyên.
Xô chậu cùng nhiều vỏ thuốc trừ sâu vứt bên đồng rau muống ở phường Thạnh Xuân, quận 12. Ảnh: Trường Nguyên.

Trước kỳ họp, cử tri các quận huyện gửi đến lãnh đạo TP nhiều băn khoăn, lo ngại, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Theo cử tri, thời gian gần đây các cơ quan báo đài liên tục đưa tin về chất độc được sử dụng cho trái cây, rau củ, thịt và các loại thực phẩm.

Ngay cả người dân mua hàng trong siêu thị cũng không yên tâm hoàn toàn vì có nhiều đơn vị lấy sản phẩm trôi nổi rồi đóng gói gắn nhãn mác của siêu thị. “Vấn đề hiện nay người dân rất băn khoăn vì không thể phân biệt được đâu là chất phụ gia, chất kích thích, đâu là thực phẩm an toàn”, cử tri bất an.

Do đó, cử tri kiến nghị công an, quản lý thị trường cần có biện pháp kiên quyết hơn đến vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nước uống, rau củ... Nếu phát hiện đơn vị sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cần thực hiện thường xuyên, liên tục việc quản lý các mặt hàng thực phẩm và không chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết. Cấm bán các hóa chất độc, hại, phụ gia không rõ nguồn gốc tại chợ Kim Biên. Theo cử tri, hiện nay chợ này buôn bán công khai các loại hóa chất độc hại nhưng không bị kiểm tra, xử lý.

Nông dân khẳng định nhớt thải trồng rau không gây hại Nhiều nông dân trồng rau muống ở phường Thạnh Xuân khẳng định nhớt thải có thể diệt sâu rầy và không gây hại gì trong khi người dân quanh khu vực không dám ăn rau “đẹp”.

“Những năm gần đây các bệnh ung thư gia tăng có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là người kinh doanh chạy theo lợi nhuận sử dụng quá liều lượng hóa chất trong thực phẩm. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, công bố công khai trên báo chí nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, cử tri quận Phú Nhuận kiến nghị.

Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm, tình trạng kẹt xe, ngập nước cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Cử tri huyện Nhà Bè, quận 4, Bình Tân, Tân Bình băn khoăn tình hình kẹt xe, ngập nước diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân.

Cử tri thông tin những điểm thường xuyên xả ra kẹt xe là đường Lê Văn Lương (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh - cầu Rạch Đỉa, huyện Nhà Bè); bùng binh Lăng Cha Cả, đường Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình); ngã tư Thủ Đức (quận 9); ngã 5 Nguyễn Thái Sơn, đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp...).

Dự kiến, tại kỳ họp, HĐND TP HCM sẽ bầu chức danh các phó chủ tịch UBND TP, 3 ủy viên UBND TP và xem xét, thông qua một số tờ trình của UBND TP.

Đó là tờ trình về Chương trình giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP; điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội…

Về vấn đề ngập nước, cử tri quận 4 kiến nghị TP cần có kế hoạch, chương trình và dự án cụ thể về công tác chống ngập nước trên địa bàn TP và quận 4 nói riêng, tránh sử dụng những biện pháp tạm thời như nâng cấp hẻm, đường, phải tổ chức biện pháp đồng bộ, một lần.

Cử tri quận Tân Bình kiến nghị HĐND TP giám sát công tác quản lý đất đai trong việc Quân đội sử dụng đất quốc phòng an ninh, nhằm đảm bảo đúng mục đích và Luật đất đai. Ngoài ra, cử tri kiến nghị UBND TP báo cáo trong các kỳ họp HĐND về việc điều chỉnh và thực hiện quy hoạch dự án đất quốc phòng trên địa bàn.

Cử tri quận Phú Nhuận nêu vấn đề tuyến tàu điện metro Bến Thành - Suối Tiên dự vốn ban đầu gần 1 tỷ USD nhưng đã đội lên hơn 2 tỷ USD. HĐND cần làm rõ nguyên nhân? Trách nhiệm thuộc về ai? "Vì khi dự toán không tốt sẽ gây thâm hụt ngân sách dẫn đến nợ công nhiều, người dân phải gánh khoản nợ này đến đời con cháu", nhiều người băn khoăn.

Tăng mức phí qua cầu Rạch Chiếc mới từ 2016

UBND TP HCM có tờ trình lên HĐND TP về việc điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Ngày 24/5/2013, UBND TP HCM ra quyết định thu phí hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM). Từ ngày 1/6/2013, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) bắt đầu thu phí, dự kiến thu trong 5 năm 3 tháng.

Mức thu áp dụng thời điểm này là: Xe bông sen, công nông, máy kéo 4.000 đồng/lượt. Ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt 10.000 đồng/lượt. Ôtô 12 - 30 ghế, xe tải 2 - 4 tấn phí 15.000 đồng/lượt. Ôtô từ 31 ghế trở lên và xe tải 4 - 10 tấn phí 22.000 đồng/lượt. Xe tải từ 10 - 18 tấn và container 20 feet mức thu 40.000 đồng, xe tải từ 18 tấn trở lên và container 40 feet 80.000 đồng/lượt.

Từ ngày 1/4/2014, UBND TP có quyết định điều chỉnh mức thu phí tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Ngừng thu phí với các loại xe lam, công nông, máy kéo, xe bông sen. Tăng 5.000 đồng/lượt với ôtô dưới 30 ghế, xe tải dưới 4 tấn và xe buýt; ôtô từ 31 ghế trở lên và xe tải 4 - 10 tấn tăng 3.000 đồng/lượt; các loại xe còn lại giữ nguyên.

Theo phương án tài chính được Công ty CII lập trên cơ sở doanh thu thực tế từ ngày bắt đầu thu phí đến hết tháng 9/2015 và giả định mức phí trạm xa lộ Hà Nội được điều chỉnh, thời gian thu phí sẽ còn lại khoảng 4 năm 6 tháng, giảm 9 tháng so với dự kiến.

Nguyên nhân chủ yếu theo báo cáo của CII là lưu lượng phương tiện lưu thông trên xa lộ Hà Nội không giảm nhiều so với dự kiến khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động. Nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình phương án hoàn vốn cho cầu Rạch Chiếc, rút ngắn thời gian thu phí để dự án BOT xa lộ Hà Nội sớm bắt đầu thu phí hoàn vốn, UBND trình HĐND TP xem xét cho Công ty CII được điều chỉnh mức giá tại trạm xa lộ Hà Nội từ 1/1/2016.

Theo đó, mức thu phí đề xuất mới là: Ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt 20.000 đồng/lượt. Ôtô 12 - 30 ghế, xe tải 2 - 4 tấn, mức thu 30.000 đồng/lượt. Ôtô từ 31 ghế trở lên và xe tải 4 - 10 tấn, phí 40.000 đồng/lượt. Còn các loại xe tải trên 10 tấn và container, mức phí vẫn giữ nguyên như thời điểm 1/6/2013.

Võ Thuận - Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm