Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội xem xét chương trình giảm ùn tắc 2.200 tỷ

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, HĐND Hà Nội sẽ xem xét, thông qua chương trình mục tiêu giảm ủn tắc giai đoạn 2016-2020 với tổng dự toán gần 2.200 tỷ đồng.

Sáng nay, HĐN​D khóa 14 khai mạc kỳ họp thứ 14, kéo dài tới hết ngày 4/12.

Như thường lệ, trong kỳ họp cuối năm, HĐND TP sẽ bàn thảo, xem xét về việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của cả năm và phương hướng cho 2016; xem xét thông qua các nghị quyết về dự toán, phân bổ ngân sách; ra nghị quyết về 12 chuyên đề...

Ngày 3/12, phiên chất vấn diễn ra trọn ngày, tổng hợp nội dung từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND sẽ dành thời gian để hoàn thiện công tác nhân sự bầu Chủ tịch UBND TP. Người được giới thiệu là ông Nguyễn Đức Chung, Phó bí thư thành ủy Hà Nội - Giám đốc Công an TP.

Xem xét thông qua chương trình giảm ùn tắc 2.200 tỷ

Chiều 1/12, UBND TP trình HĐND xem xét, thông qua nghị quyết về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020, phân bổ theo ngân sách chi tiêu hằng năm.

Trong tổng mức được thành phố đề xuất, phần lớn được sử dụng vào xây dựng cơ bản với hàng loạt công trình như xây dựng cầu Mọc, cầu vượt tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cầu Bắc Linh Đàm và cải tạo một số nút giao thông...

TP Hà Nội
TP Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông để giảm ùn tắc. Ảnh: Việt Hùng.

Hơn 400 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 80 tỷ) được TP đầu tư tổ chức quản lý và điều hành giao thông ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành phố cũng sẽ chi 225 tỷ để cải tạo 50 tuyến đường và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu; 75 tỷ được sử dụng lắp đặt 4 cầu thép, 10 cầu dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.

Trong năm 2016, TP sử dụng 700 triệu để lập Đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Thành phố cũng đề xuất triển khai 6 dự án mới với 910 tỷ đồng bao gồm xây dựng cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; cầu vượt tại nút giao quốc lộ 5 - Trâu Quỳ, cầu vượt cho người đi bộ trên các tuyến Cửa Bắc - Tân Ấp, cầu vượt qua phố Yên Phụ tại khu vực gần cửa khẩu An Dương, cầu đi bộ trên đường Giải Phóng (cầu Kim Đồng) và một số cầu đi bộ khác.

Trong đó TP dự định dành 200 tỷ cho việc xây dựng Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng (có trung tâm quản trị hệ thống vé); 270 tỷ để xây dựng Trung tâm quản lý điều hành giao thông, trong đó xây dựng bản đồ điện tử kỹ thuật số để theo dõi, đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông theo thời gian thực; 200 tỷ triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông.

Theo Chương trình, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hằng năm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Hà Nội cũng xây dựng giải pháp về phòng chống ùn tắc khi mưa bão. TP sẽ xây dựng bản đồ úng ngập khi mưa và thiết lập hệ thống cung cấp thông tin kịp thời đến người dân để thông báo cụ thể, đầy đủ về các điểm úng ngập, phạm vi úng ngập (chiều dài, chiều sâu). TP sẽ xây dựng phương án đi lại trong tình trạng ngập nặng.

HĐND Hà Nội phản biện đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ

UBND Hà Nội vừa có tờ trình nêu dự kiến tổng vốn gần 2.200 tỷ thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh quản lý quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm