Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HĐND Hà Nội phản biện đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ

UBND Hà Nội vừa có tờ trình nêu dự kiến tổng vốn gần 2.200 tỷ thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh quản lý quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập.

UBND Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND đánh giá sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông  giai đoạn 2012-2015. Theo đó, TP đã giảm 89 điểm ùn tắc xuống còn 51 điểm. Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng được giải quyết cơ bản.

Xế hộp xếp hàng dài tại lối xuống từ đường trên cao vành đai 3.
Xế hộp xếp hàng dài tại lối xuống từ đường trên cao vành đai 3. Ảnh: Việt Hùng.

Tuy nhiên,  UBND TP cho rằng, với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (trung bình 10% năm), cùng những khó khăn về hạ tầng, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và một số trục hướng tâm, đường vành đai, tai nạn giao thông ở mức cao.

Tại tờ trình do Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký, dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng.

Trong đó 700 triệu đồng được sử dụng trong việc lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP vào năm 2016.

Tiếp tục nhồi cao ốc vào nội đô

Dù đã có chủ trương hạn chế xây cao ốc tại khu vực trung tâm Hà Nội, nhưng thực tế hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau điều chỉnh quy hoạch tăng chiều cao, tăng mật độ.

Cũng theo tờ trình của UBND thành phố, ngoài các giải pháp về đầu tư công trình, tổ chức lực lượng, Hà Nội xác định trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc cần thực hiện cả giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư trong khu vực nội đô.

Cần giải pháp phù hợp

UBND Hà Nội hướng tới mục tiêu giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không xảy ra ùn tắc kéo dài, giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trong giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn này Hà Nội tiếp tục lắp đặt 4 cầu thép lắp ghép bằng thép, 10 cầu dàn benley trên các sông Tô Lịch, K​im Ngưu, Lừ, Sét, sông Nhuệ...

Tại báo cáo thẩm tra, HĐND TP yêu cầu UBND phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến còn tồn tại 51 điểm ùn tắc hiện nay và đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi cho từng điểm, cụ điểm.

Đối với những điểm ùn tắc thuần túy do lưu lượng giao thông lớn, chỉ sử dụng biện pháp tăng cường người điều tiết giao thông thì đề nghị loại ra khỏi danh sách.

HĐND đề nghị UBND TP phải dự kiến những điểm phát sinh ùn tắc mới và cụ thể hóa tiêu chí “không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài".

HĐND yêu cầu UBND TP cần có giải pháp phù hợp để kiểm soát chặt chẽ dân số cơ học. Trước mắt hạn chế điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng các dự án, công trình nhà ở cao tầng trong phạm vi từ đường vài đai 3 vào trung tâm.

Theo Trưởng ban pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam, UBND cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ sau khi thực hiện lộ trình di dời trụ sở các cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô thì bàn giao cho TP để ưu tiên đầu tư cho hạ tầng xã hội, công viên, cây xanh, không cấp phép thành dự án nhà ở.

Về kinh phí thực hiện chương trình giảm ùn tắc, Ban Pháp chế yêu cầu "UBND TP cần xây dựng dự toán, tổng hợp, báo cáo HĐND trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm để đảm bảo thực hiện".

Tiếp tục nhồi cao ốc, không thể giải quyết ùn tắc

Trao đổi với Zing.vn, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, không thể để lỗi việc ùn tắc giao thông là do phương tiện cá nhân tăng mà do quản lý giao thông đô thị của chính quyền TP kém hiệu quả.

Ông Thanh chỉ ra một loạt nguyên nhân của ùn tắc giao thông tại Hà Nội như việc cho phép đỗ xe tại lòng đường làm giảm diện tích lưu thông, tiến độ dự án đường sắt đô thị chậm, tổ chức giao thông chưa hợp lý và việc gia tăng các cao ốc trong nội đô khiến mật độ dân số tăng nhanh.

Các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục xuất hiện nhiều cao ốc trong nội đô Hà Nội đã gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông. Ảnh: Khánh Huyền.
Các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục xuất hiện nhiều cao ốc trong nội đô Hà Nội đã gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Về vấn đề phương tiện cá nhân gia tăng, vị Phó chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng đó là điều đáng mừng, vì đời sống người dân được nâng cao. "Nếu phương tiện công cộng tiện lợi, mới có thể giảm thiểu phương tiện cán nhân. Vì vậy, Hà Nội muốn giảm xe cá nhân thì phải có phương tiện công cộng thay thế để đáp ứng việc đi lại của người dân" - ông Thanh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần chấm dứt tình trạng xây dựng các công trình nhà ở, trung tâm thương mại sau khi  di dời các trụ sở của các bộ, ngành. Vì dân số gia tăng, phương tiện gia tăng gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông.

Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân đang tăng rất mạnh. 8 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại Hà Nội lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.

Trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình với 43 điểm rào chắn, trong đó nhiều hạng mục thi công kéo dài, gây cản trở giao thông như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, vành đai 2 (Bưởi - Trường Chinh), vành đai 1 (Đông Mác - Kim Ngưu).

Tái đề xuất hạn chế xe máy

Lộ trình hạn chế một lần nữa được nguyên Thứ truởng Giao thông Trần Doãn Thọ đề xuất trong hoàn cảnh số lượng xe máy năm 2014 lên tới 43 triệu chiếc, vượt xa quy hoạch của 2020.

Chủ tịch Quốc hội: 'Tại sao cứ xây nhà giữa phố?'

Sốt ruột trước phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội truy: "Xây dựng trái luật và cao tầng phải chặt ngọn, trách nhiệm của Bộ Xây dựng thế nào?"

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm