Thế nào là lòng tốt chân thành? Ảnh: TheGuardian. |
Claudia Hammond là giáo sư thỉnh giảng về Tâm lý học cộng đồng tại Đại học Sussex, đồng thời là tác giả cuốn Chìa khóa dẫn đến lòng tốt (The Keys to Kindness). Mở đầu bài chia sẻ trên trang The Guardian, Claudia cho rằng thật tuyệt khi tặng quà ai đó vào dịp Giáng sinh.
“Tôi thực sự thích làm việc đó, nó khiến tôi cảm thấy hài lòng về bản thân và mang lại một sự thúc đẩy lớn về cả tinh thần lẫn thể chất”. Và nếu đó đều là cảm xúc chung đối với một hoạt động, chắc chắn chúng ta sẽ có xu hướng thực hiện điều đó thường xuyên hơn.
Xét cho cùng, không phải chúng ta đều đang cố gắng tìm ra ý nghĩa cuộc sống của bản thân và trở nên hạnh phúc hơn sao? Vậy câu trả lời chính là sự tử tế.
Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh chứng minh rằng việc thực hiện các hành động tử tế giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, nâng cao sức khỏe thể chất và thậm chí có thể cải thiện tuổi thọ. Lòng tốt không chỉ mang lại lợi ích cho người nhận mà còn đối với người cho đi.
Vào năm 2021, tôi (Claudia Hammond) đã làm việc với một nhóm tại Đại học Sussex để thực hiện “bài kiểm tra mức độ tử tế”. Nghiên cứu trực tuyến này được đưa ra trên BBC Radio 4 và có hơn 60.000 người đã tham gia. Chúng tôi nhận thấy rằng càng nhiều hành động tử tế xảy ra, phúc lợi (giá trị tích cực) mà họ nhận được càng lớn. Vào dịp Giáng sinh, nếu ai đó thực sự yêu thích món quà mà bạn tặng thì niềm vui của việc cho đi đôi khi còn lớn hơn cả khi được nhận quà.
Vậy lòng tốt thực sự là vị tha?
Để hiểu thế nào là vị tha, chúng ta cần phân biệt rõ các sắc thái mục đích của hành động tử tế. Ảnh: Kidadl. |
Theo truyền thống, sự vị tha gắn liền với quan niệm về sự hy sinh lợi ích của bản thân và đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình. Thật vậy, một số nghiên cứu về lòng tốt cho thấy yếu tố xác định là người thực hiện hành động tử tế thường phải từ bỏ một thứ gì đó để giúp đỡ người khác - chứ không phải để đạt được lợi ích cá nhân.
Ví dụ, nếu tôi nhường ghế cho một người lớn tuổi hơn trong các chuyến tàu điện ngầm đông đúc thì cuối cùng người ấy sẽ ngồi và tôi sẽ đứng. Tôi sẽ “thiệt thòi” hơn đôi chút vì lòng tốt của tôi. Tương tự, nếu mỗi tuần bỏ vài giờ để làm tình nguyện viên tức là bạn đang hy sinh thời gian riêng của mình để giúp đỡ người khác. Bạn không được hưởng lợi trực tiếp từ lòng tốt đó.
Tuy nhiên, khi nhường ghế hoặc chủ động dành thời gian của mình để làm tình nguyện, chúng ta có xu hướng cảm thấy một “tia sáng ấm áp” của sự hài lòng về chính bản thân mình. Theo khoa học, tia sáng ấy lóe lên trong quá trình quét não với niềm vui khi chúng ta giành được một thứ gì đó cho chính mình (thông qua các hành động tử tế).
Như vậy, rõ ràng chúng ta đang được hưởng một lợi ích gì đó (về mặt sinh học) khi làm các việc tử tế. Nhiều quan điểm cho rằng, chúng ta có thể hành động tử tế ngay bây giờ, ngay cả khi điều đó phải trả giá, vì biết (hoặc nghĩ) rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, một người khác cũng sẽ đối xử tử tế với chúng ta. Thực tế, tính tương hỗ đã giúp con người làm việc cùng nhau, tồn tại và phát triển cùng nhau trong hàng nghìn năm.
Trở nên tử tế có những lợi ích tiến hóa tốt đến mức bộ não của con người có xu hướng “thưởng” (thông qua hoóc môn) cho chúng ta vì điều đó và thúc đẩy việc hướng tới các hành vi trên.
Nhưng sự thúc đẩy sinh học không có nghĩa đó là các niềm vui vụ lợi. Con người không chủ động nghĩ đến những lợi ích khi làm việc tử tế nhưng họ biết điều đó “có thể” tồn tại. Chỉ là, việc sẽ nhận được gì không phải điều cốt yếu ảnh hưởng tới quyết định có thể hiện lòng tốt và làm việc tử tế hay không.
Vậy tại sao lại cố gắng đánh đồng “sự vụ lợi” với những “hệ quả tốt” mà chúng ta có thể có được từ lòng tốt của mình? Tại sao không chỉ tôn vinh sự thật rằng người cho đi cũng như người nhận đều có lợi?
Lòng tốt liệu có sai không?
Tận hưởng cảm giác ấm áp sau khi thực hiện một điều tử tế không phải là việc gì sai trái. Ảnh: GoodNewsNetwork. |
Lòng tốt và sự tử tế không chỉ đơn giản là một hoạt động giao dịch: Người này cho, người kia nhận. Thay vào đó, nó là một nỗ lực chung và hai chiều.
Chỉ trong những tình huống hy hữu, lòng tốt mới liên quan đến việc “hy sinh” hoàn toàn bản thân mình vì mạng sống của người khác. Nhưng ngay cả trong những tình huống đó, nếu người thực hiện hành động anh hùng sống sót, cá nhân họ có thể thu được những “lợi ích” nhất định từ hành động của mình. Điển hình là việc thanh thản trong tâm hồn cũng như nâng cao danh tiếng.
Trong khi đó, những hành động tử tế ít được đề cao hơn có xu hướng tạo ra nhiều động lực khác, bao gồm cảm giác tích cực về bản thân cũng như việc tạo hình ảnh tốt hơn trong mắt người khác. Nói cách khác, có một yếu tố “tư lợi không chủ động” trong việc đối xử tốt với người khác - và điều đó không có gì sai.
Tất nhiên, chúng ta nên rạch ròi giữa lòng tốt (mang xu hướng vị tha) đối với các hành động có ích (mang xu hướng vị kỷ). Việc thực hiện các hoạt động từ thiện nhằm mục đích có “sản phẩm” để đăng tải mạng xã hội, tạo danh tiếng một cách chủ động chắc chắn không bao giờ xuất phát thật tâm. Và đó không thể tính là lòng vị tha.
Không ai muốn bị buộc tội (vị kỷ, thích thể hiện, giả tạo…) khi thể hiện đức tính tốt hoặc lòng vị tha của mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc khi làm một việc tốt. Cảm xúc ấy sẽ khiến những hành động tử tế tăng lên một cách nhân văn (khác với chủ động để thu lợi). Và chắc chắn đó là một điều tốt.
Trong “bài kiểm tra mức độ tử tế”, mọi người được hỏi họ sẽ dùng những từ nào để mô tả cảm giác của mình sau khi nhận được một hành động tử tế. Về cơ bản, họ nói với chúng tôi (nhóm của Claudia) rằng mình cảm thấy hạnh phúc, được yêu thương, nhẹ nhõm, được hỗ trợ hoặc ấm áp.
Như vậy, rất có thể các hành động ấy không chỉ mang lại hạnh phúc hơn đối với người nhận mà còn cả với người cho đi. Quan trọng nhất: Mọi người đều thắng.