*Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trước năm 2010, Lưu Huỳnh là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt. Ông từng hai lần nhận giải Cánh diều vàng ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” với Áo lụa Hà Đông (2006) và Huyền thoại bất tử (2009). Cả hai phim đều được giới phê bình đánh giá cao, thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong nước.
Bước sang thập niên 2010, đạo diễn sinh năm 1960 dần chuyển hướng làm phim thương mại. Các dự án Lấy chồng người ta (2012), Hiệp sĩ mù (2014), Hy sinh đời trai (2015) liên tục nhận phản hồi tiêu cực từ khán giả lẫn giới phê bình. Kết quả, Lưu Huỳnh không còn là cái tên bảo chứng cho chất lượng phim, thậm chí bị đặt nghi vấn mỗi lần xuất hiện.
Sau hai năm vắng bóng kể từ Tiền nhiều để làm gì (2020), Lưu Huỳnh trở lại với Người tình. Dự án gây ồn ào vì từng không vượt qua khâu kiểm duyệt, phải bị dời lịch chiếu nhiều lần dù khởi quay từ năm 2016. Sự góp mặt của người mẫu Minh Tú trong những cảnh 18+ là một trong những điểm hút khách.
Tuy nhiên, ngay từ đầu đạo diễn định hướng đây là tác phẩm thuộc dòng art-house (nghệ thuật) kén khán giả. Nhan đề gợi nhớ cuốn phim nổi tiếng cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud phát hành năm 1992. Các cảnh quay nhạy cảm và chủ đề tình yêu cũng là điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
Kịch bản rối rắm về tình yêu và lừa dối
Chuyện phim xoay quanh hai người bạn thân Sơn (Đức Hải) và Hưng (Hà Việt Dũng) có cùng đam mê hội họa. Một lần, Hưng vô tình gặp Diễm Tình (Minh Tú) trong buổi triển lãm tranh do anh tổ chức. Chỉ qua vài câu nói, cô gái lạ mặt đã hạ gục trái tim chàng họa sĩ ngay từ lần đầu.
Sau đó, Hưng nhanh chóng tổ chức lễ cưới với Diễm Tình, không quan tâm đến gia cảnh hay quá khứ của vợ. Khi đôi trẻ đang hưởng tuần trăng mật, Sơn âm thầm theo dõi và tìm cách liên lạc Diễm Tình. Dường như giữa hai nhân vật có mối quan hệ mờ ám mà Hưng chẳng biết.
Tác phẩm gây chú ý vì cảnh 18+ của Minh Tú. |
Người tình thuộc thể loại chính kịch (drama), thêm thắt một chút giật gân (thriller) và hình sự (crime). Kịch bản phim - do Lưu Huỳnh chấp bút – không tiết lộ quá nhiều về các nhân vật. Ông chỉ đưa ra những tình tiết mang tính chất gợi mở nhằm đánh lừa người xem. Chẳng hạn, trong một cảnh quay Sơn và Diễm Tình cùng xác nhận cô từng là gái làng chơi. Một số hành động của Sơn dễ gây hiểu lầm rằng anh dành tình cảm cho vợ bạn thân.
Thời lượng 105 phút được chia làm hai nửa. Trong khoảng gần một tiếng đầu, đạo diễn khiến khán giả xoay vòng bởi hai câu chuyện đan xen: âm mưu của Sơn và tình yêu của bộ đôi Hưng - Diễm. Các cảnh quay giữa ba nhân vật liên tục thay đổi, người xem khó thể đoán được đâu là nhân vật chính.
Theo thời gian, khi bí mật của mỗi người được tiết lộ cũng là lúc kịch bản trở nên rối rắm. Diễm Tình vướng vào mối quan hệ lén lút với người yêu cũ là Hoàng (Võ Thành Tâm). Sơn gặp rắc rối với Minh (Xuân Phúc) - đàn em chơi trong giới giang hồ. Trong khi đó, Hưng như quân cờ trong tay Sơn, liên tục bị bạn thân qua mặt hết lần này đến lần khác.
Lối kể chuyện cũ, cắt dựng không hợp lý
Câu chuyện của Người tình không quá khó hiểu, nhưng cách đạo diễn dẫn dắt dễ làm người xem cảm thấy hụt hẫng. Khâu cắt dựng biến nửa đầu tác phẩm thành loạt phim truyền hình dài tập nhưng bị rút xuống còn hơn... 50 phút.
Một số cảnh quay được lồng ghép không hợp lý. Khi Diễm Tình vừa nói được mấy câu với bạn trai cũ ở quán cà phê bên đường, đạo diễn chuyển sang cảnh… Sơn đưa thuốc cho mẹ. Tương tự, tiếp nối phân đoạn Hưng hỏi mua dao của một cậu bé đánh giày là cảnh Minh chơi bài ăn tiền. Chủ thể liên tục thay đổi làm cho mạch phim đứt gãy, gây tụt cảm xúc.
Trước khi dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện chính, Lưu Huỳnh dùng hai cảnh mở màn (intro) để thiết lập không khí. Song, hai phân đoạn không hề liên quan mà phần nào hé lộ nội dung phim, giảm sự bất ngờ.
Cảnh đầu tiên dùng tông màu trắng đen, bắt đầu khi Diễm Tình đang tắm ở vòi sen lộ thiên còn Hưng đứng nhìn vợ. Sau đó, một vụ án mạng bất ngờ xảy ra với chân dung nạn nhân được tiết lộ rõ. Đến cảnh thứ hai, Hưng đón Sơn ra khỏi nhà tù, phần nào cho thấy nhân vật sớm muộn cũng sẽ rơi vào vòng xoáy tội ác. Nếu cắt bỏ hai cảnh mở màn, nội dung phim không đổi.
Đạo diễn mở màn bằng cảnh trắng đen để dẫn dắt câu chuyện. |
Khi viết kịch bản, Lưu Huỳnh vẫn sử dụng một số mô-típ quen thuộc. Hai nhân vật Sơn và Hưng có sự đối nghịch rõ nét: Hưng điển trai, lịch lãm, Sơn thô lỗ, người toàn hình xăm chẳng khác giới giang hồ; Hưng thành công và nổi tiếng, Sơn lại chật vật với cuộc sống riêng, phải chăm sóc người mẹ già yếu.
Bỏ qua vẻ bề ngoài, Hưng vẫn đi theo hình mẫu điển hình về đàn ông Việt: gia trưởng và không chung thủy. Khi tức giận, anh liên tục quát tháo, sẵn sàng tát thẳng vào mặt vợ. Diễm Tình thì nhu nhược, lệ thuộc vào đàn ông. Đôi khi nhân vật trở thành cô gái ngây thơ, tin tưởng vào tình yêu để rồi nhận cái kết đắng.
Tuy nhiên, việc đạo diễn chỉ kể chuyện mà không xây dựng nhân vật - điển hình là Diễm Tình - khiến người xem khó thể đồng cảm. Tình yêu giữa Hưng và Diễm Tình diễn ra quá nhanh, chưa đủ thuyết phục. Mối quan hệ giữa Hưng và Sơn cũng chưa khăng khít đến mức bạn thân. Hai nhân vật Hoàng và Minh xuất hiện loáng thoáng trong câu chuyện, không để lại bất kỳ dấu ấn.
Tư duy lỗi thời về cảnh 18+
Sau khi cài cắm nhiều tình tiết mang tính chất gợi mở, Người tình chỉ thực sự gây sốc bằng cú twist giữa phim. Đạo diễn mở rộng chủ đề, không còn giới hạn ở tình yêu nam nữ mà xoáy vào cuộc sống của thành viên thuộc cộng đồng LGBTQ+, cụ thể là người chuyển giới.
Cú "quay xe" có thể bất ngờ với một số đối tượng khán giả, nhưng thực tế không mới, gợi nhớ cái kết kinh điển trong The crying game (1992) của đạo diễn Neil Jordan. Tác phẩm từng khiến người xem choáng váng vì sự thật có một nhân vật là người LGBTQ+.
Để cảm xúc đạt đến tột đỉnh, Neil Jordan xây dựng kịch bản chặt chẽ đến từng chi tiết, giúp ông thắng giải "Kịch bản xuất sắc" tại Oscar 1993. Trong khi đó, câu chuyện ra đời sau ba thập niên của Lưu Huỳnh lại thiếu thuyết phục về mặt cảm xúc và chưa hợp lý về diễn tiến. Điều đó khiến hai nửa phim không ăn nhập mà tách rời như những tác phẩm độc lập.
Phim có cảnh 18+ giữa Minh Tú và Hà Việt Dũng. |
So với nửa đầu, nửa sau dễ hiểu hơn nhưng cũng kém hấp dẫn hơn vì nội dung không mới. Đạo diễn giảm thoại, sử dụng nhiều hình ảnh để lột tả nội tâm nhân vật, có hơi hướm The Danish Girl (2015). Anh mặc đồ lót phụ nữ, đeo thánh giá ở cổ, đứng trước gương và ngắm nhìn cơ thể bản thân.
Cảnh dã tràng bò trên bờ cát phần nào thể hiện tư duy cũ của Lưu Huỳnh. Theo đạo diễn, người chuyển giới có thân phận trôi dạt, không được sống theo ý muốn mà luôn trốn trong vỏ bọc.
Kể từ sau năm 2016, số lượng nhân vật LGBTQ+ xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Việt dần nhiều hơn. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng dựng lại chuyện tình đồng giới nhẹ nhàng, gần gũi trong Thưa mẹ con đi (2019). Số phận người chuyển giới cũng được khắc họa trên màn ảnh rộng qua Lô tô (2017), Ngôi nhà bươm bướm (2019).
Theo thời gian, xã hội cũng có cái nhìn thiện cảm và cởi mở hơn với LGBTQ+. Điều này khiến góc nhìn của Lưu Huỳnh về người chuyển giới bị cũ, không còn hợp thời.
Dù không hoàn hảo, Người tình vẫn có một số điểm sáng. Với kinh nghiệm nhiều năm ngồi ghế đạo diễn, Lưu Huỳnh mang đến cho khán giả những cú long take (một lần quay duy nhất, không cắt dựng) hiệu quả. Phân đoạn Sơn đập chai bia và tự rạch vào người là cảnh đắt nhất phim, đồng thời đẩy câu chuyện vào kịch tính.
Diễn xuất của các diễn viên đều tốt, đặc biệt là bộ ba diễn viên chính. Đức Hải cho thấy lối diễn đa dạng, có thể đảm nhận những vai gai góc, có chiều sâu. Minh Tú không tạo cảm giác gượng ép dù là tay ngang và lần đầu đóng phim. Hóa thân Hưng, Hà Việt Dũng lột tả được bản tính nóng nảy của nhân vật. Võ Minh Tâm và Xuân Phúc ở mức tròn vai.
Trước khi công chiếu, Người tình gây tò mò bởi loạt cảnh nóng táo bạo đến từ Minh Tú. Trong phim, các cảnh 18+ được phân bố không nhiều, cũng không thực sự ở mức nặng đô. Ở phần mở đầu, Lưu Huỳnh đặt vấn đề bằng câu nói “Tình yêu không khác gì ma túy”. Song, đạo diễn chưa thực sự nhấn mạnh yếu tố tình yêu. Các cảnh 18+ chỉ chứng tỏ các nhân vật chìm trong dục vọng nhiều hơn là tìm sự đồng cảm giữa con tim.