Thể loại: Kinh dị
Đạo diễn: Trần Hữu Tấn
Diễn viên: Khả Như, Huỳnh Thanh Trực, Mạc Can, Vân Trang, Như Đan
Đánh giá: 6.5/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Dịp Valentine năm nay, phòng vé Việt chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa hai tác phẩm thuộc thể loại khác nhau. Bẫy ngọt ngào theo hướng tâm lý - tình cảm, khai thác chủ đề hôn nhân và cuộc sống giới trẻ hiện đại. Trong khi đó, Chuyện ma gần nhà lại là phim kinh dị chọn bối cảnh thập niên trước, lấy cảm hứng hứng từ những truyền thuyết xưa.
Tác phẩm được dựng theo dạng phim tuyển tập (anthology film) gồm ba phần riêng biệt. Đạo diễn đặt vấn đề bằng cách để một nhóm bạn trẻ gặp nhau tại chung cư cũ. Giữa đêm mưa, họ thách nhau kể chuyện ma trong lúc nhà cúp điện.
Mô-típ quen thuộc về những âm hồn
Phần đầu kể về cô gái trẻ Ngọc Minh (Như Đan) khao khát được trở thành diễn viên nổi tiếng giống thần tượng Ái Như (Khả Như). Một lần, cô may mắn được đàn chị nhận làm học trò và dần trở nên thân thiết, thậm chí dọn về ở chung.
Nhân vật chính trong phần hai là Đinh Phi (Huỳnh Thanh Trực), chàng trai mê ảo thuật nhưng phải bán kẹo bông gòn để kiếm tiền. Anh sống cùng cha ruột Thoại Phi (Mạc Can) trong một chung cư, nhưng ông già yếu, tâm trí không minh mẫn.
Ở phần cuối, tác phẩm dẫn dắt người xem theo chân nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang). Nhận yêu cầu của khách hàng, cô lên đường tìm kiếm hài cốt một cô gái trẻ quá cố để rồi phát hiện sự thật kinh hoàng.
Huỳnh Thanh Trực vào vai nhân vật chính trong phần hai của phim. |
Đây là phim điện ảnh thứ ba của đạo diễn Trần Hữu Tấn - từng làm Bắc kim thang (2019) và Rừng thế mạng (2021). Hai dự án gây chú ý vì có ý tưởng lạ, không dựa dẫm nhiều vào tác phẩm khác. Tuy nhiên, phần kịch bản gốc của hai phim đều chưa thực sự ấn tượng, còn mắc nhiều lỗi.
Lần này, ê-kíp học hỏi khá nhiều từ thể loại kinh dị nước ngoài, đặc biệt là phim ma Châu Á. Cấu trúc ba phần gợi nhớ hai tác phẩm kinh điển Three (2002) và Three... Extremes (2004). Tên gọi, bối cảnh chung cư và các yếu tố tâm linh lại vay mượn từ loạt phim Tales from the Dark do Hong Kong sản xuất năm 2013, 2014.
Ba câu chuyện có nội dung khác nhau nhưng cùng chung mô-típ. Suốt hành trình, các nhân vật chính liên tục chứng kiến những sự kiện siêu nhiên khó giải thích. Ngọc Minh nằm mơ thấy ma. Đinh Phi gặp và nói chuyện người phụ nữ già, hàng đêm ngồi trước cửa nhà hát bài Đừng bỏ em một mình. Trong khi đó, Bích lần lượt bị quấy nhiễu bởi nhiều thế lực khác nhau. Chúng có khi chỉ trêu đùa, khi lại truy đuổi như muốn cướp mạng cô.
Âm thanh, hình ảnh là điểm cộng
Trước khi dấn thân vào điện ảnh, Trần Hữu Tấn vốn là đạo diễn chuyên làm phim quảng cáo. Tận dụng kinh nghiệm, nhà làm phim xử lý phần hình ảnh mượt mà, cân đối. Anh chọn tông màu hoài cổ gợi cảm giác u ám, đặc biệt chuộng tông màu đỏ, nhấn mạnh khu vực thờ cúng để thiết lập nỗi sợ.
Đạo diễn sinh năm 1983 tạo sự mới mẻ bằng cách thường xuyên thay đổi góc máy. Từng khung hình đều có sự tính toán và sắp đặt, xây dựng không khí tù túng, ngột ngạt. Bối cảnh phim di chuyển từ căn nhà cổ đến khu chung cư, sau đó dời sang ngoại cảnh ở phần cuối khi nhân vật bước vào khu nghĩa địa.
Tác phẩm được đầu tư về phần nhìn, từ thiết kế bối cảnh đến phục trang nhân vật. |
Thiết kế sản xuất được đầu tư nhằm tái hiện không gian Sài Gòn xưa. Ê-kíp chăm chút từ phục trang đến từng vật dụng như chiếc máy nhắn tin, điện thoại dây, quẹt diêm, đèn dầu,… Nhiều yếu tố gắn liền với tuổi thơ của người Việt cũng được cài cắm như gánh nước mía, quán hủ tiếu đêm, xe kẹo bông gòn trước trường học,…
Phần âm thanh cũng được làm rất tốt. Các bản nhạc không lời được lồng ghép khéo léo tạo cảm giác sợ hãi. Đạo diễn chọn nhiều hiệu ứng làm nổi bật các tiếng động nhỏ, từ bước chân nhân vật đến giọng cười ám ảnh, tiếng kêu ai oán như gọi hồn…
Ê-kíp sử dụng kỹ xảo vi tính để dựng tạo hình ma quỷ nhưng chưa ấn tượng. Một số phân đoạn được hé lộ từ trước như cảnh lột mặt nạ, quỷ không đầu, ma con nít… còn thiếu độ chân thật, không đáng sợ.
Yếu tố gây sợ bị lạm dụng và loạt điểm trừ
Dàn diễn viên giúp các câu chuyện đến gần khán giả. Khả Như và Huỳnh Thanh Trực đều nổi danh từ làng hài nhưng có lối diễn đa dạng, thể hiện tốt các cảnh bi. Tái xuất sau ba năm vắng bóng, Vân Trang thể hiện bản lĩnh khi hóa thân nhà ngoại cảm có nội tâm phức tạp. Các diễn viên thể hiện tốt chiều sâu tâm lý nhân vật, tạo cảm xúc cho phim dù đất diễn không nhiều.
Sự xuất hiện của nghệ sĩ gạo cội Mạc Can cũng là yếu tố bất ngờ. Ở tuổi 77, ông khiến người xem không khỏi xót xa vì gương mặt ốm yếu, nhiều nếp nhăn. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng ưu ái tuyển chọn nhiều diễn viên trẻ cho các vai phụ, mang lại sự tươi mới cho phim.
Vân Trang thể hiện bản lĩnh diễn xuất trong phần cuối phim. |
Giống hai dự án trước của Trần Hữu Tấn, điểm trừ của Chuyện ma gần nhà nằm ở phần kịch bản. Ê-kíp lạm dụng những màn jump scare và mô-típ “chỉ là giấc mơ” để gây sợ. Thủ pháp lặp lại trong nhiều cảnh quay, khiến hiệu quả càng về cuối càng giảm sút, thậm chí tạo phản cảm.
Trong phim, nội dung phần đầu là rõ ràng nhất, có kết có mở lẫn twist. Song, cốt truyện còn đơn giản, có hơi hướm Họa bì (2008) nên không thực sự tạo bất ngờ. Hai chuyện sau ít thoại hơn, mạch phim cũng dần trở nên rối rắm, thiếu tính liên kết.
Đạo diễn sử dụng ca khúc Đừng bỏ em một mình và một số chi tiết làm yếu tố kết nối ba phần nhưng chưa thuyết phục.
Trên thế giới, có nhiều tuyển tập phim kinh dị nhưng các câu chuyện có sự gắn kết về nội dung hoặc ý nghĩa. Thậm chí, Scary Stories to Tell in the Dark (2019) của André Øvredal còn khéo léo ghép các chuyện nhỏ thành chuỗi liền mạch, không đứt quãng. Khi phim khép màn, người xem như thấu hiểu, cảm thấy xót xa cho số phận từng nhân vật. Đó là điều mà Chuyện ma gần nhà chưa làm được.