Ngày 11/2, SCMP đưa tin Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) củng cố một số nguyên tắc nghiêm ngặt về việc trả lương cao ngất ngưởng cho các diễn viên hạng A.
Một trong những nguyên tắc mới cho kế hoạch 5 năm của ngành truyền hình là đặt ra giới hạn thù lao cho diễn viên không chiếm quá 40% tổng kinh phí sản xuất. Cát-xê của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tiền lương của các diễn viên còn lại.
Kế hoạch mới của NRTA hiện là từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội. Tính đến ngày 11/2, thông tin trên thu hút hơn 200 triệu lượt tìm kiếm, theo SCMP.
Cát-xê của Trịnh Sảng trong Thiến nữ u hồn bản truyền hình là 25,1 triệu USD. Ảnh: Sohu. |
Công chúng Trung Quốc những năm gần đây tỏ ra phẫn nộ với mức thù lao đắt đỏ của các diễn viên phim truyền hình. Quy định trả lương cho các diễn viên được đề cập trong bộ quy tắc của NRTA lần đầu năm 2017. Nhưng điều đó chỉ được tuân thủ một cách lỏng lẻo.
Bên cạnh giới hạn trả lương, nhà chức trách tuyên bố họ sẽ nghiêm túc xử lý các diễn viên và cơ quan trốn thuế hoặc ký hợp đồng ma. Những mưu mẹo liên quan đến việc lách luật đều bị xử lý nghiêm, bao gồm việc cấm sóng.
Tháng 4/2021, HK01 đưa tin Trịnh Sảng nhận cát-xê 160 triệu NDT (khoảng 25,1 triệu USD) khi tham gia 77 tập phim của Thiến nữ u hồn.
Theo SCMP, tuy không rõ tổng kinh phí của bộ phim và thù lao của những diễn viên khác nhưng khoản cát-xê khổng lồ của Trịnh Sảng khiến công chúng tức giận. Chính quyền Bắc Kinh sau đó ra lệnh điều tra bộ phận sản xuất phim và cáo buộc ê-kíp thuê Trịnh Sảng vi phạm nguyên tắc chi trả thù lao cho diễn viên.
Thu nhập ngất ngưởng của một số diễn viên kéo dài ở Trung Quốc Đại lục suốt một thập kỷ qua. Nhà sản xuất phim Hậu cung Như Ý truyện từng chi khoảng 7,8 triệu USD/người cho Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa, trong khi kinh phí sản xuất phim là 47,1 triệu USD.
Theo báo cáo của đài CCTV năm 2016, thù lao của các diễn viên chiếm 50-80% trong phim phim truyền hình. Trong khi con số đó chỉ là 20-30% ở Hàn Quốc, 30% với Hollywood.
"Hậu quả của việc trả thù lao quá cao cho các diễn viên là nguồn lực sản xuất phim cạn kiệt và cho ra đời tác phẩm kém chất lượng", Zeng Qingrui, Giáo sư của ĐH Truyền thông Trung Quốc, nói.