Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tiêu dùng phải bồi thường nếu cung cấp thông tin sai

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm của người dân phải cung cấp thông tin chính xác khi giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Nội dung trên có trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số vấn đề lớn khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Các vấn đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ 20, sáng 15/2.

Đề nghị giữ khái niệm về người tiêu dùng

Trình bày báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 Điều 5 về trách nhiệm của người tiêu dùng về việc bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin liên quan đến giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trường hợp đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.

Ông Huy cho biết hai vấn đề lớn cần xin ý kiến bao gồm khái niệm người tiêu dùng và thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Trong đó, về khái niệm người tiêu dùng, dự thảo Luật sửa đổi đang có hai phương án là giữ nguyên như Luật hiện hành là bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Phương án hai là bỏ chủ thể tổ chức, chỉ còn cá nhân.

Về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đề nghị kế thừa như luật hiện hành và bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân tối cao và một số ý kiến đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật.

bao ve nguoi tieu dung anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra, sáng 15/2. Ảnh: Phạm Thắng.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết nhất trí với phương án giữ nguyên như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”.

Theo đó, ông Cường đề xuất sau khi bổ sung, khái niệm người tiêu dùng được quy định cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

Đa số ý kiến trong phiên thảo luận cũng đồng ý việc giữ khái niệm về người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức nhưng một số đại biểu kiến nghị việc bỏ cụm "không vì mục đích thương mại".

Liên quan tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 16, ông Cường cho rằng vấn đề này phải cân nhắc và xem xét thêm vì quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử, trực tuyến.

Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán.

Về thủ tục để giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ủng hộ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp, vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng cần có đánh giá kỹ lưỡng tại sao trong thực tế thủ tục rút gọn rất ít được áp dụng, làm rõ những bất cập, vướng mắc, để có những quy định phù hợp, đảm bảo khả thi khi luật có hiệu lực.

Quyền của người tiêu dùng và người kinh doanh phải ngang bằng nhau

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra rà soát lại xem ngoài 2 vấn đề lớn trên còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ hiện nay có tình trạng trong giai đoạn 2 của quy trình lập pháp, cơ quan thẩm tra lại sa vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong khi đó, còn nhiều điều khoản sửa đổi cần được xem xét khác thì lại ít được quan tâm.

Ông Huệ lo ngại "đôi khi cách xin ý kiến làm loạn các vấn đề lớn của dự án luật vì bàn những vấn đề không căn cơ". Vì vậy, cơ quan thẩm tra cần xin ý kiến những vấn đề lớn, quan trọng và xem xét những điều cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của luật.

bao ve nguoi tieu dung anh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), sáng 15/2. Ảnh: Phạm Thắng.

Đối với vấn đề được xin ý kiến cụ thể là khái niệm về người tiêu dùng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn nội dung trên đối với đặc thù và thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

"Mình đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm như vậy, nếu giờ bỏ một chủ thể rất quan trọng và khá phổ biến ở Việt Nam là tổ chức thì cần xem xét kỹ để có căn cứ sửa đổi theo hướng đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển lành mạnh", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết quan điểm của ông nghiêng về phương án trình Quốc hội xem xét giữ điều kiện quy định người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Nhưng vì việc này khác với nội dung Chính phủ trình trong lần đầu nên sau khi xây dựng xong chính sách, cần có thêm ý kiến của Chính phủ cho riêng nội dung này.

Về điều kiện thực hiện thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ông Huệ cũng đề nghị cơ quan thẩm tra rà soát lại toàn bộ chương 2 của dự án luật sửa đổi, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trên nền tảng số.

"Tôi đề nghị rà soát lại theo hướng không tạo thêm gánh nặng chi phí vô lý. Quyền lợi của tổ chức kinh doanh, cung cấp sản phẩm phải ngang bằng với quyền lợi người tiêu dùng, không làm phương hại đến đơn vị cung cấp sản phẩm hàng hóa", theo Chủ tịch Quốc hội.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đề nghị xử nghiêm tình trạng 'cò' ở các bệnh viện tại TP.HCM

Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chuyên môn có giải pháp để xử lý nghiêm tình trạng "cò" ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM.

Công tác nhân sự ở 2 kỳ họp Quốc hội bất thường được làm thận trọng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác nhân sự tại 2 kỳ họp bất thường được tiến hành thận trọng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm