Theo Wall Street Journal, chỉ số lạm phát của nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, sức mua tương ứng của người tiêu dùng tính theo lạm phát lại vừa đạt mức cao nhất từ trước tới giờ.
Nguyên nhân là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất trong nước, khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đi mua đồng USD để đầu tư. Nhu cầu tăng cao khiến cho giá đồng USD cũng tăng lên so với các đồng tiền khác, đồng thời giúp giá các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn, tăng sức mua của người tiêu dùng.
Cụ thể hơn, chỉ số WSJ Dollar Index đã tăng gần 13% trong 6 tháng đầu năm nay. Mức tăng này đã giúp cho đồng USD lần đầu tiên có giá trị ngang bằng với đồng euro trong suốt 20 năm qua.
WSJ Dollar Index đã tăng gần 13% kể từ đầu năm 2022. Nguồn: Dow Jones Market Data. |
Đồng thời, giá USD hiện tại đã gần bằng với giá đồng bảng Anh và tăng nhiều so với giá trị tương ứng của đồng yen Nhật. Đây là mức tăng cao nhất kể từ cuộc suy thoái năm 1970.
Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank, đồng USD hiện chỉ xếp sau khí tự nhiên trong bảng xếp hạng các tài sản hoạt động tích cực nhất trong tháng 8.
Nhận xét về điều này, ông Thanos Bardas - Trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu tại Neuberger Berman - cho rằng đồng tiền của các quốc gia khác không có nhiều lợi thế như đồng USD. Theo ông, châu Âu hiện phải chịu nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng năng lượng, còn Nhật Bản thì không có nhiều chính sách cởi mở để thu hút đầu tư nước ngoài như Mỹ. Chính vì vậy, đồng USD sẽ rất khó để thất thế.
Nhiều nhà kinh tế học cũng có cùng quan điểm với ông Bardas và cho rằng đồng USD sẽ không thể suy yếu nếu FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Được biết, mức lãi suất hiện tại của Mỹ đã chạm tới con số 3,5% - mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007.
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD tăng lên lại khiến cho hàng hóa Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng quốc tế. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và cũng thúc đẩy lạm phát ở các nước nhập khẩu.
Phân tích về vấn đề này, ông Steve Englander - Trưởng bộ phận ngoại hối toàn cầu và chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại Standard Chartered, cho biết: "Các nền kinh tế khác đang phải chịu mức giá nhập khẩu cao hơn đi kèm với các chính sách thanh khoản siết chặt hơn". Điều này khiến cho họ dễ vướng vào một cuộc suy thoái.
Giá trị đồng USD đã chạm mốc cao nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Nguồn: FED. |
Mặc dù lạm phát có ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng tại Mỹ, sự kết hợp giữa tăng trưởng và lạm phát tại quốc gia này nhẹ nhàng hơn nhiều nơi khác. Trên thế giới, mức lạm phát trong khu vực đồng euro đã tăng lên mức kỉ lục 8,9% vào tháng 8 vừa qua, trong khi chỉ số này tại Anh đã chạm mốc hai con số.
Ngoài ra, một số nhà phân tích khác cũng nhận xét thêm rằng khi đồng USD tăng đến đỉnh điểm thì các ngân hàng trung ương khác cũng bắt đầu tăng lãi suất. Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông báo rằng họ đang có dự định tăng lãi suất tháng này thêm 0,75 điểm phần trăm.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư kỳ vòng rằng FED cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất để thúc đẩy đồng USD và những tài sản có tính thanh khoản cao như cổ phiếu hay trái phiếu.
Ông Stephen Gallo - Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của BMO Capital Markets - cho biết: "Đây mới chỉ là bước đầu trong chuỗi tăng trưởng đồng USD, vẫn còn một đỉnh cao chưa chạm tới".