Tại Tọa đàm trực tuyến về thực phẩm sạch dịp Tết Nguyên đán diễn ra chiều 18/1 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thực phẩm sạch đang làm vấn đề nóng bỏng hiện nay, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đến gần.
Gà vàng ô, lợn tạo nạc, chuối chín bằng thuốc diệt cỏ
Đã rất nhiều người tiêu dùng hoang mang khi không biết tìm mua rau sạch, thịt sạch... ở đâu khi hàng loạt những vụ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị bị phanh phui.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị hoang mang không biết đồ sạch ở đâu để chuẩn bị Tết. Việc mua sắm trở thành gánh nặng khi chị không nắm được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ngay cả khi mua của người quen. Với hàng sạch, mua ngoài hàng có giá đắt gấp 3-4 lần bình thường, chị Hoa không có nhiều lựa chọn.
Theo chị Nguyễn Tú Anh (Đống Đa, Hà Nội), những mặt hàng như mộc nhĩ, miến, bia cho đến bánh kẹo không thể thiếu vào dịp Tết. Song khi đi một lượt ở chợ đầu mối Long Biên, chị cảm thấy hoang mang thì mỗi mặt hàng có quá nhiều chủng loại, với mức giá rẻ hơn gấp nhiều lần so với siêu thị. Đặc biệt, đồ khô thường đóng theo bao tải lớn, không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, khi hỏi người bạn họ cũng không biết cơ sở nào sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, càng dịp Tết, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng hoành hành. Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ việc với hàng nghìn tấn thịt thối, chuẩn bị được tẩm ướp để đưa ra thị trường.
Người tiêu dùng băn khoăn khi không biết mua thực phẩm sạch phục vụ Tết ở đâu. Ảnh minh họa: T.M. |
Cũng theo ông, vấn đề ATTP (an toàn thực phẩm) hiện nay không chỉ nóng trên diễn đàn báo chí mà còn nóng trên cả diễn đàn Quốc hội. Người tiêu dùng ngày càng lo lắng bởi không biết mua sắm như thế nào khi tình trạng thịt lợn tạo nạc, gà nuôi bằng vàng ô hay chuối dấm bằng thuốc diệt cỏ vẫn diễn ra.
"Có thể nói, rau xanh là mặt hàng không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng mua rau ở đâu thì an toàn thì người tiêu dùng không biết? Người tiêu dùng sẵn sàng trả đắt hơn để mua rau ăn toàn nhưng vào siêu thị mặc dù rau có gắn mác là rau an toàn nhưng thực tết vẫn chưa chắc là an toàn khi nhiều vụ việc rau không an toàn vẫn bị trào trộn vào siêu thị!", ông Hùng đặt vấn đề.
Mức phạt vẫn chưa đủ sức răn đe
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thực tế, luật xử lý vi phạm hành chính về hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn chưa đủ sức răn đe. Điều này khiến vấn nạn thực phẩm bấn vẫn hoàng hành.
Vừa qua, việc xử phạt bằng tiền mặt cũng tương đối nhiều. Gần đây nhất, một DN vi phạm bị phạt tới 470 triệu đồng. Nhưng tiền không phải yếu tố quan trọng mà quan trọng là các hình thức xử lý bổ sung.
Ông lấy dẫn chứng, ví dụ, khi phát hiện sai phạm ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng có thể yêu cầu tạm dừng sản xuất, tiêu hủy sản phẩm, mạnh hơn nữa là rút giấy phép của DN.
"Đặt trường hợp, một nhà máy thức ăn chăn nuôi đang hoạt động, tự nhiên dừng sản xuất khoảng 2 tháng đồng thời bị công khai thông tin sai phạm khiến khách hàng trả hàng về thì thiệt hại sẽ rất lớn. Như thế này mới đủ sức răn đe", ông cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội cho biết, cuối tháng 12/2015, Bộ NN&PTNT đã quy định người sản xuất và đơn vị kinh doanh sản phẩm phải chịu trách nhiệm cuối cùng khi đưa ra thị trường. Do đó, trách nhiệm với người tiêu dùng chính là trách nhiệm với chính con cháu họ.
Hình thức xử phạt hành vi tiêu thụ, sản xuất thực phẩm bẩn chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng về mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn. Ảnh: Lê Quân. |
Mua thực phẩm sạch ở đâu?
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội cho biết, tại Hà Nội và TP HCM, Bộ đã có xúc tiến hai chương trình cung ứng sản phẩm an toàn. Hai thành phố cũng đã công nhận nhiều địa điểm bán sản phẩm an toàn. Trên thực tế có tới 95% sản phẩm là an toàn. Trong thời gian vừa qua, thành phố kiểm tra gần 1.000 mẫu các chỉ tiêu lý hóa đều tốt, chỉ gần 5% sản phẩm vượt chỉ tiêu lý hóa.
Song Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một nơi kinh doanh văn minh như siêu thị mà vẫn ra ngoài chợ mua rau trôi nổi để gắn nhãn mác rau sạch thì việc người dân hoang mang về nơi cung ứng rau sạch vẫn còn là dấu hỏi chấm. "Bên cạnh đó, người tiêu dùng là nạn nhân. Chúng ta cứ gọi người tiêu dùng phải thông thái nhưng thông thái sao được khi vào siêu thị vẫn trà trộn rau bẩn?'", ông Hùng đặt vấn đề.
Ông đã có cơ hội tiếp cận với phóng viên điều tra về rau bẩn trà trộn vào siêu thị. Đây là việc làm không mới và nhiều vụ đã bị phanh phui trước đó. Song, người tiêu dùng có tai mắt khắp nơi, nên có khả năng phát hiện ra sản phẩm không an toàn, hành vi không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Đưa ra lời khuyên, ông Hùng cho biết, người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lựa chọn tẩy chay sản phẩm không an toàn, doanh nghiệp làm ăn không chân chính. "Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn lo sợ người tiêu dùng tẩy chay vì việc này có thể dẫn tới việc đóng cửa hoạt động", ông Hùng cho hay.