Người tiêu dùng dự kiến mua sắm tiết kiệm dịp Tết 2025. Ảnh: Việt Linh. |
Chia sẻ tại hội thảo Xu hướng mua sắm Tết 2025 - Làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức ngày 2/12, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định người tiêu dùng đã không còn lạc quan trước nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Dù người tiêu dùng vẫn chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), song họ thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua.
Trong đó, khách hàng có xu hướng tìm kiếm những mặt hàng với mức giá rẻ hơn nhằm cắt giảm các khoản chi tiêu.
Theo bà Phương Nga, thời điểm 2 tháng trước Tết thường được xem là “đỉnh mua sắm”. Tuy nhiên, sự đóng góp giá trị ngành hàng FMCG trong 2 tháng này đang có dấu hiệu giảm dần.
Cụ thể, vào Tết năm 2019, giá trị đóng góp FMCG tại khu vực thành thị 4 thành phố lớn nằm ở mức 21%, trong khi nông thôn là 24%. Tuy nhiên, sau 3 năm, con số này đã lần lượt giảm xuống 19% ở khu vực thành thị và 21% tại các vùng nông thôn.
Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn 2019-2024, nhóm người cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 24%. Vì vậy, họ chủ động thay đổi nhu cầu mua sắm sang các thương hiệu rẻ hơn. Từ đó, downtrading - xu hướng chuyển sang mua sắm giá rẻ cũng dần được hình thành.
Dựa theo khảo sát thị trường, đại diện Kantar cho biết trong mùa Tết năm 2025, người tiêu dùng mong muốn đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết để giảm mức chi tiêu.
Đồng thời, thay vì dành thời gian gặp gỡ bạn bè, nhiều người lại chọn nghỉ ngơi nên chi phí trong ngày Tết cũng trở nên ít hơn.
Người tiêu dùng cũng chủ trương lựa chọn những món quà tặng FMCG thiết thực, tốt cho sức khỏe, phù hợp với túi tiền.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng những nhãn hiệu riêng của các nhà bán lẻ bởi giá thành tiết kiệm hơn nhiều so với các thương hiệu khác. Đặc biệt, giá trị chi tiêu dành cho các nhãn hàng riêng liên tục có sự thay đổi theo chiều hướng tăng dần.
Cụ thể, giá trị này trong mùa Tết 2024 đã tăng 17% so với Tết 2023. Trong đó, 5 ngành hàng có nhãn hiệu riêng bao gồm dầu ăn, bánh quy, nước xả vải, bột giặt và nước rửa chén đã vươn lên và chiếm lĩnh thị phần dịp Tết 2024 vừa qua.
Tại buổi hội thảo, bà Phương Nga nhấn mạnh nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng sẽ ngày càng tăng cao.
Do đó, thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng của khách hàng. “Họ sẽ ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc”, bà Nga cho biết.
Các doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc và đúng chỗ.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.