Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm. Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp ngày 9/6 về tình hình sản xuất, kinh doanh nhiên liệu xăng sinh học trong những tháng đầu năm 2015.
Sức tiêu thụ thấp
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 3 DN sản xuất, pha chế xăng E5 với sản lượng khoảng 85.000 tấn trong 4 tháng đầu năm 2015; 8 địa phương thực hiện triển khai bán xăng E5 (Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Quảng Nam). Lượng xăng sinh học tiêu thụ trong 4 tháng qua đạt 87.087 tấn.
Mặc dù người tiêu dùng đã bước đầu chấp nhận sử dụng xăng E5, tuy nhiên, số lượng được tiêu thụ lại không được như mong muốn. Tại thị trường Hà Nội, dù có tới 5 DN đầu mối kinh doanh đã triển khai bán mặt hàng này tại 29 cửa hàng, song sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, tại Công ty Xăng dầu khu vực I đã triển khai bán xăng E5 tại 12 cửa hàng nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 828 m3/tháng, chiếm 3% sản lượng bán lẻ mặt hàng xăng của DN. Trong 4 tháng gần đây, sản lượng tiêu thụ xăng E5 của Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình chỉ đạt 112,5m3/tháng, chiếm 3% sản lượng bán lẻ. Thậm chí, các DN như Tổng công ty Xăng dầu quân đội và Công ty CP Hóa dầu quân đội sản lượng tiêu thụ chỉ chiếm 0,2-1,7% sản lượng bán lẻ mặt hàng xăng của công ty.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Sở dĩ sức tiêu thụ mặt hàng này còn thấp do người tiêu dùng thiếu thông tin về tính năng, cũng như lợi ích của xăng E5 nên có tâm lý e ngại khi sử dụng.
Sức tiêu thụ không cao dẫn đến việc tổng đại lý, đại lý và chủ các cửa hàng xăng dầu chưa mặn mà trong việc kinh doanh xăng E5, vì phải đầu tư, chuyển đổi cơ sở vật chất với kinh phí lớn.
Người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với xăng sinh học E5. |
Không chỉ có vậy, DN kinh doanh mặt hàng này còn phải đối mặt với việc cung ứng ethanol để phối trộn đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện Tổng công ty Xăng dầu quân đội phản ánh: Hiện cả nước chỉ có 2 nhà máy cung cấp ethanol để phối trộn, là nhà máy cồn Dung Quất (Quảng Ngãi) và Tùng Lâm (Đồng Nai), còn khu vực phía Bắc không có nhà máy cung cấp ethanol. Điều đó dẫn đến chi phí vận chuyển cao, lại phải bảo quản trong thời gian dài dẫn đến mức hao hụt lớn.
Thực tế hoạt động kinh doanh trong thời gian qua cho thấy, xăng E5 có mức hao hụt cao hơn xăng Mogas 92 truyền thống. Mặt khác, lợi nhuận xăng E5 không cao bằng hoặc hơn bán xăng khoáng RON 92, nên DN không thể bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá 330 đồng/lít giữa xăng E5 với RON 92 mới chỉ khuyến khích người tiêu dùng, mà ít khuyến khích DN tham gia sản xuất, kinh doanh xăng E5 trong giai đoạn này.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm khắc phục những khó khăn của DN trong quá trình tiêu thụ xăng E5, kích cầu tiêu dùng, trong thời gian tới các địa phương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, nhằm hỗ trợ DN kinh doanh xăng E5, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan đến hoạt động tiêu thụ xăng E5 xây dựng nội dung tuyên truyền về đặc điểm, tác dụng và lưu ý khi sử dụng xăng E5 tới người tiêu dùng.
"Đặc biệt, Sở Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, dự phòng về giá xăng E5 đối với các DN đầu mối, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng E5, qua đó khuyến khích DN, người tiêu dùng tham gia phân phối, sử dụng xăng E5", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao các bộ, đơn vị đầu mối triển khai tiếp tục bám sát các lộ trình trong Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất, phân phối xăng trên phạm vi toàn quốc vào thời gian tới.
Trong đó, Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về nhiên liệu sinh học phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh theo lộ trình. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu trong việc sản xuất, pha chế, phân phối xăng E5, từ đó tránh thiếu hụt xăng E5 trên thị trường bán lẻ.
Tuy nhiên để kích cầu tiêu dùng, bên cạnh sự hỗ trợ của các bộ, ngành còn đòi hỏi UBND các cấp nên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tới người tiêu dùng về lợi ích khi sử dụng xăng sinh học E5. Đồng thời tham gia giám sát các hoạt động của DN trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình phân phối xăng E5.
Ông Cao Quốc Hùng - Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ số 1 (Công ty Xăng dầu khu vực 1):
Chi phí đầu tư hạ tầng khá cao
Hiện để kinh doanh xăng E5 đại lý, cửa hàng kinh doanh phải bỏ ra chi phí khá cao, bởi đơn vị phải đầu tư hạ tầng bồn chứa, nhân công, máy móc để có thể ra sản xuất thành phẩm xăng E5 sinh học. Trong khi chi phí hỗ trợ chưa đáp ứng được với thực tế, điều này dẫn đến việc DN “ngại” mở rộng hệ thống kinh doanh mặt hàng này.
Ông Nguyễn Á Phi - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Xăng dầu khu vực 1:
Nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Xăng E5 rất thân thiện với môi trường, nhưng theo phản ánh của các đại lý kinh doanh, hiện chi phí ra thành phẩm phải chịu cao và sự hỗ trợ chưa tương xứng.
Sự hao hụt về sản lượng cũng tương đối là điều khó tránh khỏi. Để tạo thói quen cho người tiêu dùng và xa hơn là hướng tới nhân rộng mô hình này, rất mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ chi phí cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh, để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường này.
Khắc Kiên