Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thương binh trinh sát đặc công trên 'con thuyền' VFF

Năm ngoái, khi đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xướng tên Nguyễn Xuân Gụ vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông, thì nhiều người giật mình.

Không phải vì ông Gụ đánh bật được cựu Phó chủ tịch kỳ cựu Nguyễn Lân Trung mà vì cái cách ông Gụ bước chân lên con thuyền VFF đầy bất ngờ, ngoạn mục. Thế nhưng, những người quen biết lâu năm với ông Gụ thì cười thầm: “Ông này vẫn thế, chẳng mất đi cái khí khái, cái “chất” của anh lính trinh sát đặc công năm nào: “Đánh” là phải thắng, thắng một cách táo bạo, bất ngờ”. 

5 lần đi qua lằn ranh sinh tử

Tháng 4/1970, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Xuân Gụ đăng ký lên đường nhập ngũ và được điều thẳng vào đơn vị trinh sát đặc công vào chiến trường Miền Trung và Tây Nguyên ác liệt nhất.

Đến giờ, đại tá Xuân Gụ lại tự cho là mình may mắn khi “chỉ” bị thương 5 lần trong 3 năm từ 1970 - 1973. Trong đó, một lần cùng đồng đội tấn công căn cứ Dak Pet - một trong những căn cứ kiên cố nhất của Mỹ - Ngụy ở Kon Tum vào tháng 12/1972, Xuân Gụ bị thương rất nặng, để lại di chứng rõ rệt trên cơ thể. Một lãnh đạo VFF chia sẻ: “Trước đây, tôi tưởng anh Gụ cũng bình thường, cho đến khi thấy những vết thương chiến tranh trên cơ thể anh ấy, tôi thật sự nể phục”.

Ông Nguyễn Xuân Gụ (giữa) và VĐV Ánh Viên, HLV Anh Tuấn. Ảnh: T.L.

Đối mặt với thần chết 5 lần, đến lần nặng nhất, Xuân Gụ không thể trực tiếp cầm súng chiến đấu được nữa. Năm 1973, Xuân Gụ được chuyển ra Bắc an dưỡng, sau đó được cử đi học tại CHDC Đức và về báo Quân Đội Nhân Dân làm phóng viên.

Với Xuân Gụ, làm báo là một cách tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù là thương binh hạng 4/4, Xuân Gụ thường xuyên đi công tác Lào, Camphuchia, vào những điểm “nóng” biên giới những năm 1984 - 1989. Nói đến Xuân Gụ là nói đến một trong những người làm báo đi Trường Sa nhiều nhất: 7 lần cưỡi sóng đến với Trường Sa viết về cuộc sống của người dân và chiến sĩ nơi tuyến đầu biển đảo.

Khởi đầu cho giấc mơ của Ánh Viên

Năm 1985, ông Gụ được giải thưởng ảnh quốc tế chụp tại giải SKDA 1984 “Giây phút thắng lợi“, được cấp giấy chứng nhận “Người chụp ảnh bậc thầy” tại Liên Xô, năm 1993 được giải thưởng quốc gia và giải B văn học - nghệ thuật do Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm một lần với tác phẩm “Những chiến sĩ thông tin”.

Ông Gụ có niềm đam mê đặc biệt với thể thao và rất thân với lứa nhà báo thể thao lão làng Đỗ Hóa, Quốc Hùng, Mai Xuân Cẩm. Năm 2007, khi ông Gụ được bầu làm Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thể thao dưới nước, có người đặt câu hỏi: “Ông này biết gì về bơi lội đỉnh cao?”. Nhưng thực tế, Xuân Gụ là một trong những người tạo ra cơ chế mới, gọi tài trợ cho những tài năng thể thao, trong đó có VĐV Ánh Viên.

Sau SEA Games 28, nói về thành công của học trò cưng Ánh Viên, HLV Đặng Anh Tuấn cho hay: “Thành công của Ánh Viên đến hôm nay mọi người ai cũng đã biết, tôi xin kể đến công lao rất lớn của anh Phạm Viết Muôn (nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ) - Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước và Nguyễn Xuân Gụ. Năm 2011 tôi đề xuất cho Ánh Viên đi dự cuộc thi tại Malaysia, nhưng bộ môn và Tổng cục TDTT nói không có kinh phí. Tôi gọi điện báo cáo anh Gụ, anh Gụ hỏi "Chú có khẳng định là đi sẽ có thành tích không?", tôi trả lời có. Sáng hôm sau tôi nhận được điện thoại, anh Gụ trả lời sẽ lấy kinh phí ba phần của hiệp hội, phần còn lại anh xin bạn là anh Lê Quốc Phong - TGĐ Công ty phân bón Bình Điền. Qua cuộc thi này, tài năng Ánh Viên được khẳng định và được gọi vào đội tuyển, đi nước ngoài tập huấn. Đây chính là khởi đầu để Ánh Viên có được thành công như hôm nay”.

Lên thuyền VFF

Năm 2013, ông Gụ được bầu vào Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam phụ trách truyền thông, nhưng chuyện ông Gụ “vào nhà VFF” là chuyện khác. Trước đây, người ta thấy nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và ông Gụ hay đi với nhau, ai cũng tưởng ông Gụ vào được VFF là do ông Hỷ “vận động” và “cơ cấu”. Hóa ra không phải, thậm chí chính ông Hỷ cũng không tin ông Gụ sẽ vượt qua ông Lân Trung và dám “cược” với cấp dưới “kiểu gì Xuân Gụ cũng thua”. Cuối cùng, ông Hỷ là người thua, và cứ thắc mắc: “Làm sao Xuân Gụ qua được Lân Trung nhỉ?”.

Ngày nhậm chức, đại tá Nguyễn Xuân Gụ mặc vest chỉnh tề, sau khi được xướng tên, ông khiến tất cả ngỡ ngàng bởi kiểu chào quân đội. “Tôi đã từng vào sinh ra tử, cho đến giờ tôi nghĩ mình vẫn còn giữ nguyên chất lính. Điều tôi mong mỏi và đang cố gắng thực hiện là cùng tập thể lãnh đạo VFF đưa bóng đá Việt Nam phát triển. Đó cũng là một trận chiến buộc người ta phải quyết tâm và đầy can đảm. Với tôi, thẻ thương binh không phải là một đặc quyền đặc lợi mà là điều luôn nhắc nhở mình: Không có khó khăn nào là không thể vượt qua", ông chia sẻ.

Môi trường bóng đá Việt Nam vẫn còn phức tạp, thậm chí có người muốn vào VFF vì danh lợi cá nhân. Hy vọng, trên con thuyền VFF ấy, vị đại tá quân đội từng vào sinh ra tử Nguyễn Xuân Gụ sẽ như cái neo để thuyền bớt tròng trành.

http://laodong.com.vn/the-thao/nguoi-thuong-binh-trinh-sat-dac-cong-tren-con-thuyen-vff-357774.bld

Theo Anh Khoa/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm