Cựu Sultan tự xưng của Vương quốc Hồi giáo Sulu Jamalul Kiram III trả lời phỏng vấn tại Manila năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Azalina Othman Said cho biết tòa án Luxembourg đã hủy yêu cầu tịch biên tài sản được đệ trình bởi những người thừa kế Hồi quốc Sulu vào ngày 24/1, theo Reuters.
Tháng 2/2022, một tòa án trọng tài của Pháp đã yêu cầu Malaysia bồi thường 14,9 tỷ USD cho con cháu quốc vương cuối cùng của Hồi quốc Sulu để giải quyết tranh chấp về một thỏa thuận đất đai thời thuộc địa. Malaysia không tham gia vào các thủ tục tố tụng trọng tài và cho rằng quá trình này là bất hợp pháp.
Việc thực thi phán quyết đã được hoãn lại ở Pháp. Tuy nhiên, phán quyết vẫn có hiệu lực thi hành bên ngoài nước Pháp thông qua Công ước New York, một hiệp ước của Liên Hợp Quốc về trọng tài quốc tế được 170 quốc gia công nhận.
Hiện chưa rõ quyết định của tòa án có tác động gì đối với phán quyết trọng tài. Bà Azalina không cung cấp chi tiết về quyết định của tòa án, chỉ tuyên bố đây là một “chiến thắng quan trọng” cho Malaysia.
Tháng 7/2022, hai công ty con có trụ sở tại Luxembourg của công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas đã bị các nhân viên bảo lãnh của tòa án thu giữ nhằm thực thi phán quyết bồi thường. Bà Azalina không cho biết liệu quyết định này có liên quan đến việc thu giữ các công ty của Petronas hay không.
“Quyết định này minh chứng cho chính sách của chính phủ nhằm bảo vệ Malaysia ở mọi nơi. Nó đảm bảo rằng lợi ích, chủ quyền và quyền miễn trừ quốc gia sẽ luôn được bảo vệ”, bà Azalina nói.
Những người thừa kế tuyên bố là người kế vị quyền lợi của quốc vương Hồi quốc Sulu cuối cùng. Năm 1878, quốc vương đã ký thỏa thuận với một công ty thương mại Anh để khai thác tài nguyên trong lãnh thổ do ông kiểm soát, bao gồm khu vực ngày nay là bang Sabah đầy dầu mỏ, phía bắc đảo Borneo.
Malaysia tiếp quản thỏa thuận này sau khi độc lập khỏi Anh và hàng năm trả một khoản tiền cho những người thừa kế mang quốc tịch Philippines.
Các khoản thanh toán đã bị dừng vào năm 2013 khi Malaysia tuyên bố không ai khác có quyền đối với bang Sabah.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.