Ngày 30/6, ông Ferdinand Marcos Jr. - còn được biết tới với biệt danh "Bongbong" - bắt đầu kế nhiệm vị trí đứng đầu đất nước của nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte, chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines, sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hôm 9/5.
Chính trị gia 64 tuổi đã nhận được 31,6 triệu phiếu, nhiều gấp đôi số phiếu của ứng viên đứng thứ hai là bà Leni Robredo (giữ chức phó tổng thống trong nhiệm kỳ của ông Duterte).
Ông Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. cùng chủ tịch Thượng viện (trái) và Hạ viện Philippines hôm 25/5. Ảnh: AP. |
Nối nghiệp cha
Marcos Jr. là con trai duy nhất của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (nắm quyền giai đoạn 1965-1986). “Cha muốn tôi tham gia chính trị”, ông Marcos Jr. nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2017. “Ông thúc đẩy tôi tôi vào con đường này”.
Ở độ tuổi 20, ông Marcos Jr. đã là thống đốc ở tỉnh Ilocos Norte, cách thủ đô Manila khoảng 440 km về phía bắc.
Sau khi cha ông rời chức vụ năm 1986, ông Marcos Jr. cùng các thành viên trong gia đình chuyển đến Mỹ.
Phu nhân của ông Marcos Jr. là Louise “Liza” Araneta-Marcos, luật sư xuất thân từ một gia đình giàu có.
Khi trở về Philippines vào năm 1991, ông Marcos Jr. trải qua nhiều thăng trầm trên chính trường. Ông giành được một ghế trong quốc hội, và một lần nữa trở thành thống đốc. Tuy nhiên, ông thất bại ngay lần đầu trong cuộc đua vào Thượng viện năm 1995, trước khi giành được một ghế vào năm 2010.
Năm 2016, ông thua sít sao trong cuộc tranh cử chức phó tổng thống trước bà Leni Robredo - đối thủ chính của ông trong cuộc đua tổng thống năm nay.
Trong khi đó, các thành viên trong gia đình Marcos đã tham gia chính trường trong nhiều thập niên tại quê hương Ilocos Norte.
Ban đầu, sau khi trở lại vào năm 1991, quyền lực của gia đình Marcos chưa có ảnh hưởng đáng kể trên phạm vi toàn quốc, qua việc ông Marcos Jr. mất ghế Thượng viện, còn mẹ của ông là bà Imelda Marcos thất bại trong hai cuộc tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, gia đình Marcos đã nhanh chóng xây dựng lại tầm ảnh hưởng bằng cách tạo dựng liên minh với các chính trị gia khác, bao gồm cả gia đình ông Rodrigo Duterte. Ông Marcos Jr. đã hợp tác với Sara - con gái của ông Duterte - trong cuộc bầu cử năm 2022.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Mandaluyong, Philippines hôm 20/6. Ảnh: AP. |
Ngày 25/5, Quốc hội Philippines xác nhận bà Sara Duterte là phó tổng thống đắc cử. Bà nhận được 32,2 triệu phiếu, trong khi ứng viên thứ hai, Thượng nghị sĩ Francis Pangilinan chỉ nhận được 9,3 triệu phiếu.
Bà Sara Duterte phá vỡ truyền thống khi tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống của Philippines vào ngày 19/6, trước ông Marcos Jr. gần hai tuần.
Các phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần giúp ảnh hưởng của ông Marcos Jr. sâu rộng hơn.
Chính sách đối nội và đối ngoại sắp tới của Philippines ra sao?
Ông Marcos cam kết lãnh đạo đất nước một cách thống nhất, ưu tiên phục hồi hậu đại dịch và nền kinh tế. Ông cũng hứa hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, giảm thiểu tắc nghẽn đường sá của thủ đô Manila và đẩy mạnh năng lượng tái tạo.
Về chính sách đối ngoại, ông Marcos Jr. cam kết duy trì liên minh với siêu cường Mỹ. Đầu năm nay, ông nói rằng liên minh giữa Mỹ và Philippines là “mối quan hệ đặc biệt” và Mỹ có thể làm nhiều điều để giúp đỡ Philippines.
Đồng thời, ông Marcos Jr. cũng có kế hoạch đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông. Lập trường của ông tương tự ông Duterte - vun đắp quan hệ với Bắc Kinh, trong đó khai thác tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Ông Marcos Jr. cũng đề cập tới việc cải thiện quan hệ với Nga. Về tình hình ở Ukraine, ông cho rằng Nga nên tôn trọng sự tự do của Ukraine, theo Inquirer.