Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người sống sót kể giây phút kinh hoàng trên GE235

Một nhân chứng sống sót sau tai nạn máy bay Đài Loan mô tả cảnh tượng một nữ tiếp viên bị bật lên trần của cabin và những tiếng la hét liên tục vang lên.

Thân nhân các hành khách gặp nạn sau vụ tai nạn đang cầu nguyện cho người thân trước xác máy bay được vớt lên bờ.
Thân nhân các hành khách gặp nạn sau vụ tai nạn đang cầu nguyện cho người thân gần xác máy bay đã được vớt lên bờ. Ảnh: AP

Chen Ming Chung, một nhà môi giới bất động sản 50 tuổi, là một trong 15 người sống sót sau tai nạn máy bay GE235 của hãng TransAsia Airways hôm 4/2. Chen cho biết, ông "cảm thấy khó chịu" trước khi lên máy bay và đã quyết định đổi chỗ.

Theo vợ của Chen, bà Shih Chiu Mei, ông đã chuyển chỗ ngồi về phía cánh quạt bên phải của máy bay ATR72-600. Nếu vẫn ngồi nguyên vị trí ban đầu, chỗ ngồi của ông sẽ là phần đầu tiên chạm vào mặt nước khi máy bay chao đảo và rơi xuống sông Keelung, Đài Bắc.

"Quyết định chuyển chỗ đã cứu cuộc đời ông ấy", bà Shih cho biết tại bệnh viện Đài Bắc. Chồng bà đang được các bác sĩ điều trị vì bị gãy một tay.

"Chồng tôi đã trông thấy một nữ tiếp viên bị bật lên trần của cabin khi mắc kẹt trên ghế. Những tiếng la hét vang lên liên tục. Các mảnh vỡ rơi vào một số người, trong khi nhiều người khác bị các mảnh kim loại sắc nhọn đâm. Cảnh tượng giống cuộc tắm máu trong một bộ phim", bà Shih kể.

Bà dẫn lại lời chồng cho hay, sau khi máy bay rơi xuống nước, phần bên trái phi cơ chìm dưới bùn và một vết nứt xuất hiện ở dưới đuôi, khiến ánh sáng lọt qua. "Một số hành khách bắt đầu hét lên: 'Trèo thật nhanh qua lỗ hổng' trước khi nước tràn vào khoang", bà Shih nói.

Trong những giờ phút hoảng loạn đó, ông Chen không thể mở khóa dây an toàn, nhưng một người đàn ông đã giúp ông. "Chồng tôi nói anh phải tìm người đàn ông đó và cảm ơn ông ấy", Shih cho biết. Nhiều bài báo đã đề cập tới Huang Chin Shun, 71 tuổi, một bác sĩ về hưu, đã mở dây an toàn, giúp nhiều người thoát nạn.

Sơ đồ chỗ ngồi trên máy bay GE235. Màu vàng thể hiện chỗ ngồi những người sống sót. Màu đen là những người thiệt mạng. Màu ghi: những người mất tích, màu xanh: ghế trống. Cánh quạt bị hỏng là cánh quạt trái, phía dưới của ảnh. Đồ họa: SCMP

Trong khi đó, tiếp viên Huang Ching Ya đeo mặt nạ dưỡng khí, khóc nức nở và nói với dì của cô: "Cháu nghĩ cháu đã chết". 4 đồng nghiệp của Huang nằm trong số 31 người được xác nhận đã chết sau tai nạn.

Theo United Daily News, đây là lần thứ hai Huang thoát khỏi tử thần. Tiếp viên Huang đã thoát nạn sau khi đổi lịch trước chuyến bay GE222 hồi tháng 7/2014. GE222 rơi xuống đảo Bành Hồ sau khi gặp thời tiết xấu, làm 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Chen Po Yung, một trong những thợ lặn của đội cứu nạn cho biết, cabin của máy bay rất tối. Anh thấy cảnh tượng giống như một khu vực chết chóc, với nhiều hành khách lộn ngược và vẫn còn kẹt ở chỗ ngồi của họ. 

Ngày 6/2, truyền thông Đài Loan cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cơ trưởng Liao Chien Tsung. Ông vẫn nắm chặt cần điều khiển trong buồng lái.

Theo Channel News Asia, thị trưởng Đài Bắc và cộng đồng mạng ca ngợi cơ trưởng Liao như một người anh hùng vì ông đã cố gắng điều khiển máy bay tránh xa khu vực dân cư và các nhà cao tầng trước khi nó lao xuống sông Keelung. Hành động dũng cảm của cơ trưởng hạn chế số lượng lớn thương vong.

Một quan chức hàng không ngày 5/1 đã xác nhận tính chính xác của âm thanh "Cấp cứu, cấp cứu, động cơ gặp sự cố" do một trong số hai phi công nói, trước khi máy bay rơi.

Hôm 4/1, máy bay số hiệu GE235 của hãng TransAsia Airways chở 58 người, cất cánh từ sân bay thành phố Đài Bắc để tới Kim Môn, đã va chạm với một cây cầu chỉ ít phút sau khi khởi hành, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.

Máy bay Đài Loan rơi có thể do lỗi kỹ thuật

Phi cơ của hãng TransAsia Airways đã gặp trục trặc về động cơ trước khi lao xuống sông tại Đài Bắc, Đài Loan hôm 4/2.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm