Theo nghiên cứu do Oxfam công bố, giá trị tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020. Trong cùng giai đoạn này, 5 tỷ người trên thế giới lại trở nên nghèo đi.
Cụ thể, giá trị tài sản ròng của 5 cá nhân giàu nhất thế giới đã tăng từ 405 tỷ USD lên 869 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi giờ, tài sản của nhóm này lại có thêm 14 triệu USD.
Danh sách tỷ phú của Forbes được Oxfam sử dụng để tính toán cho thấy Elon Musk vẫn đứng đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, kế sau là Bernard Arnault, Jeff Bezos, Larry Ellison và Mark Zuckerberg.
"Nước chảy chỗ trũng"
“Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một thập kỷ chia rẽ. Trong khi tài sản của các tỷ phú bùng nổ, hàng tỷ người phải gánh chịu những cú sốc kinh tế do đại dịch, lạm phát và chiến tranh”, Amitabh Behar, Quyền Giám đốc điều hành của Oxfam International, cho biết.
Sự bất bình đẳng này không phải ngẫu nhiên. Trên thực tế, tầng lớp tỷ phú đang cố gắng đảm bảo các tập đoàn mang lại nhiều tài sản hơn.
Nhóm người 1% siêu giàu đang nắm giữ 43% tổng tài sản tài chính toàn cầu. Ảnh: Monaco Car. |
Nghiên cứu do Oxfam thực hiện cho thấy mặc dù các nước giàu có ở Bắc bán cầu chỉ chiếm 21% dân số thế giới nhưng nắm giữ 69% tổng tài sản toàn cầu. Đây đồng thời là nơi sở hữu 74% tài sản của các tỷ phú trên thế giới.
Đáng chú ý, việc sở hữu cổ phần tại các tập đoàn mang lại lợi ích áp đảo cho giới siêu giàu. Riêng nhóm 1% người giàu nhất đã nắm giữ tới 43% tổng tài sản tài chính toàn cầu.
Kể từ năm 2020, tài sản của các tỷ phú đã tăng nhanh gấp 3 lần tốc độ lạm phát. Trong khi đó, tiền lương của gần 800 triệu công nhân không theo kịp lạm phát, có nghĩa là những cá nhân này đã thiệt hại tổng cộng 1.500 tỷ USD trong 2 năm qua.
Oxfam cho biết các tỷ phú tại Mỹ đã giàu hơn 46%, tương đương 1.600 tỷ USD, so với năm 2020. Trong đó, tài sản của 3 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ là Elon Musk, Jeff Bezos và Larry Ellison đã gia tăng khoảng 84%.
“Nước Mỹ là quê hương của nhiều tỷ phú nhất trên trái đất, trong đó có Elon Musk và Jeff Bezos. Nhưng đây cũng là nơi sinh sống của hàng chục triệu người phải đối mặt với những khó khăn không đáng có hàng ngày do mức lương thấp đáng kinh ngạc, luật thuế không công bằng và dịch vụ công ít ỏi”, Abby Maxman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Oxfam Mỹ, nhận định.
Khoảng cách tài sản giữa nam giới và nữ giới
Oxfam dự đoán với tốc độ tăng trưởng hiện tại, thế giới sẽ cần tới 230 năm để xóa xổ tình trạng đói nghèo. Mặt khác, chỉ cần một thập kỷ, thế giới sẽ có người đầu tiên sở hữu khối tài sản trị giá 1.000 tỷ USD.
Một trong những phát hiện quan trọng trong báo cáo là nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong số những người nghèo nhất xã hội.
Trên toàn cầu, nam giới sở hữu lượng tài sản nhiều hơn nữ giới khoảng 105.000 tỷ USD. Mức chênh lệch này cao gấp 4 lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Năm 2019, Oxfam ước tính nữ giới chỉ kiếm được 51 cent cho mỗi 1 USD thu nhập mà nam giới kiếm được.
Hiện chỉ có 1/3 doanh nghiệp thuộc sở hữu của phụ nữ nằm trong số 1.600 công ty lớn nhất thế giới. Chưa đến 1/4 số đó có cam kết công khai về bình đẳng giới.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.