Theo Nikkei Asian Review, khi biến chủng Delta tiếp tục gây ra các đợt bùng phát mới tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia trong khu vực đang sử dụng giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 để giúp mở cửa lại nền kinh tế.
Tại Singapore, việc kiểm tra giấy xác nhận tiêm chủng đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở lối vào các nhà hàng. Đất nước hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số. Hồ sơ tiêm chủng được gửi đến một ứng dụng do Chính phủ phát triển.
Bất cứ thành viên nào trong nhóm chưa được tiêm chủng đều không thể dùng bữa tại nhà hàng, ngoại trừ trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm phòng.
Các dữ liệu chỉ ra những người đã được tiêm chủng đầy đủ có ít nguy cơ nhiễm virus hoặc trở nặng. Các quốc gia Đông Nam Á coi tiêm chủng là cách để cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp Singapore lên kế hoạch sống chung với Covid-19. Ảnh: AP. |
Mở cửa kinh tế
"Các hạn chế cũng đang được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, Singapore nên nới lỏng hơn nữa những hạn chế của mình", Nikkei Asian Review dẫn lời anh Vinod Ramaswamy chia sẻ khi đang trên đường đi ăn tối cùng vợ.
Singapore đưa ra chính sách mở cửa trở lại vào ngày 10/8. Việc nới lỏng cho phép người dân dùng bữa chung bên ngoài theo nhóm tối đa 5 người (nếu đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine).
Quy định về số người được phép tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nâng từ 2 lên 5 người. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp đón tối đa 5 khách/ngày.
Công dân Singapore đã tiêm chủng đủ 2 liều vaccine có thể tham gia các hoạt động không cần đeo khẩu trang, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn hoặc những sự kiện quy mô lớn.
Những cư dân chưa được tiêm chủng sẽ tiếp tục đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt. Họ chỉ được ăn uống tại quầy hàng ngoài trời.
Việc kiểm tra giấy xác nhận tiêm chủng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc ở lối vào các nhà hàng Singapore. Ảnh: AP. |
Đây là giai đoạn đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi 4 bước của Singapore để chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19. Vào đầu tháng 9, đảo quốc sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn mà Bộ Y tế Singapore gọi là “giai đoạn chuyển đổi A”. Đó là thời điểm mà nền kinh tế sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn, với nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch được triển khai trở lại.
Ông Ong Ye Kung - Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore - cho biết nếu các biện pháp này đem lại kết quả khả quan, Singapore sẽ tiếp tục hướng đến giai đoạn chuyển đổi B, trước khi chính thức bước vào trạng thái bình thường mới.
Ở giai đoạn chuyển đổi B, nền kinh tế tiếp tục được mở cửa trở lại, nhưng vẫn áp dụng các quy định riêng biệt cho từng nhóm đối tượng tùy theo tình trạng tiêm chủng. Giai đoạn sống chung với Covid-19 là mục tiêu cuối cùng, cũng là trạng thái bình thường mới của Singapore.
Kể từ ngày 1/9, Thái Lan cũng nới lỏng những biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mỗi ngày vẫn dao động trong khoảng 20.000 ca. Theo Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19, các nhà hàng, trung tâm thương mại, tiệm làm đẹp, sân vận động và công viên sẽ được mở cửa trở lại.
Thúc đẩy tiêm chủng
Tuy nhiên, các cơ sở này phải đảm bảo tuân thủ những biện pháp nghiêm ngặt như giãn cách xã hội, nhân viên và khách hàng đều phải tiêm vaccine đầy đủ hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Đây là một phần của chiến lược sống chung với Covid-19 của Chính phủ nước này. Kế hoạch nhằm từng bước thúc đẩy nền kinh tế đang kiệt quệ và hệ thống y tế quá tải vì đại dịch.
Một số chuyên gia y tế cảnh báo việc mở cửa trở lại quá nhanh có thể khiến số ca nhiễm tại Thái Lan tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Chính phủ nước này, nỗ lực truy vết và tăng cường tiêm chủng cho nhóm dễ tổn thương sẽ giúp giảm số ca nhập viện, tử vong và sự lây lan của virus.
Các hạn chế cũng đang được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, Singapore nên nới lỏng hơn nữa những hạn chế của mình
- Anh Vinod Ramaswamy, một cư dân Singapore
Thay vì cố gắng đưa số ca nhiễm về 0, mục tiêu chuyển sang kiểm soát các đợt bùng phát ở mức không gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì nhiều hoạt động thương mại ở những trung tâm chính, bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.
Tại Malaysia, kể từ ngày 20/8, ngay cả những vùng chịu hạn chế nghiêm ngặt nhất cũng bắt đầu cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ ăn uống trong nhà hàng. Các hoạt động như chạy bộ, chơi golf và cắm trại cũng được phép trở lại.
Vào đầu tháng 8, Indonesia cho biết các trung tâm mua sắm ở Jakarta, Surabaya và 2 thành phố khác cũng có thể mở cửa trở lại cho người mua sắm. Điều kiện là những người này đã được tiêm chủng ít nhất một liều.
Indonesia và Malaysia đều là những quốc gia có số ca nhiễm mới cao. Cả hai hy vọng việc nới lỏng các hạn chế sẽ giúp những ai chưa tiêm chủng thay đổi ý định.
Tuy nhiên, Indonesia vẫn thiếu hụt vaccine. Đây là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này thấp. Theo Nikkei Asian Review, việc nới lỏng hạn chế cho người đã được tiêm chủng sẽ gây thất vọng cho những ai chưa thể tiếp cận vaccine.