Theo Nikkei Asian Review, các tài xế giao hàng và những người lao động trong "nền kinh tế hợp đồng" (gig economy) đã trở nên rất cần thiết trong đại dịch Covid-19. Giờ đây, Singapore muốn hỗ trợ các lao động này nhiều hơn.
Mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông "đặc biệt quan tâm" đến các nhân viên giao hàng. Ông Lý khẳng định mục tiêu của chính quyền là giải quyết khó khăn cho những người lao động có mức lương thấp nói chung.
"Họ làm việc với các nền tảng trực tuyến như Foodpanda, Grab hoặc Deliveroo", ông Lý nói. "Họ là những gương mặt quen thuộc, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19. Họ giao đơn hàng cho chúng ta cả ngày lẫn đêm. Đó là một công việc khó khăn nhưng hầu hết có thu nhập khiêm tốn", ông nhận định.
Hàng nghìn người đang làm việc cho các nền tảng giao hàng, giao đồ ăn với tư cách đối tác, thay vì nhân viên chính thức. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Công việc vất vả với thu nhập khiêm tốn
Ông Lý cho biết Singapore đã đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 80% và đang mở đường cho việc dần mở cửa trở lại. Nền kinh tế hợp đồng đã ổn định và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Do đó, theo thủ tướng, Bộ Nhân lực Singapore đang "nghiên cứu" cách tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho các tài xế và nhân viên giao hàng.
Thủ tướng Lý Hiển Long chưa tiết lộ các biện pháp sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, chúng có thể ảnh hưởng đến những tên tuổi startup lớn nhất Đông Nam Á. Trong vài năm qua, họ đã phát triển thần tốc nhờ hàng nghìn người lao động như trên.
Singapore có 3 nền tảng thống trị lĩnh vực giao đồ ăn. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Momentum Works, Grab và Goodpanda của Singapore chiếm lần lượt 42% và 34% thị trường trong năm 2020. Còn Deliveroo của Anh nắm thị phần 24%.
Các ước tính chỉ ra có đến hàng nghìn người đang làm việc cho những nền tảng trên với tư cách đối tác, thay vì nhân viên chính thức. Các công ty cũng mở rộng sang dịch vụ giao hàng tạp hóa. Những nhân viên giao hàng sẽ lấy hàng từ siêu thị và các cửa hàng tiện lợi rồi giao đến tay khách hàng.
Lĩnh vực giao hàng và đồ ăn Singapore thu hút ngày càng nhiều người lao động bị mất việc vì đại dịch. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Khi được mở rộng, lĩnh vực giao hàng và đồ ăn đã thu hút những người lao động bị mất việc vì đại dịch. "Ngày càng nhiều người đảm nhận công việc này. Do đó vấn đề ngày càng gia tăng", ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.
"Chúng ta phải giải quyết các vấn đề này để mang lại cho những người lao động một tương lai an toàn hơn", ông nói thêm.
Để khẳng định quan điểm của mình, thủ tướng đã chiếu đoạn clip được quay bởi một sinh viên đại học, mô tả sự vất vả của nhân viên giao hàng. Người này phải hoàn thành 30 chuyến giao hàng để nhận tiền thưởng, nhưng chỉ hoàn thành được 29 chuyến.
"Các nền tảng trực tuyến định giá sản phẩm của họ. Họ quyết định công việc nào được giao cho ai. Họ quản lý cách nhân viên thực hiện, bao gồm cả áp dụng hình phạt và đuổi việc", ông Lý bình luận.
Theo vị thủ tướng, các tài xế, nhân viên giao hàng phải chịu những áp lực công việc giống nhân viên chính thức. Tuy nhiên, họ không có hợp đồng lao động, thiếu quyền lợi và sự bảo vệ cơ bản mà hầu hết nhân viên chính thức được hưởng.
Tương lai thay đổi
Bình luận về bài phát biểu của Thủ tướng Lý, đại diện của Grab khẳng định công ty "ủng hộ" động thái của chính phủ và "mong được thảo luận thêm".
Theo người này, Grab đang thực hiện nhiều chương trình khác nhau cho các tài xế, bao gồm hỗ trợ thu nhập cho những người đang phải cách ly hoặc nhập viện vì Covid-19.
Người phát ngôn của Grab nhấn mạnh rằng nhân viên hợp đồng "được hưởng sự linh hoạt mà các nhân viên chính thức không có". Họ có thể tự do chuyển sang những nền tảng khác hoặc nghỉ việc bất cứ lúc nào.
"Do đó, một biện pháp phối hợp với các tiêu chuẩn chung trong toàn ngành sẽ giúp người lao động nhận được sự bảo vệ ngay cả khi chuyển sang làm việc cho công ty khác", người này nói thêm.
Người phát ngôn của Foodpanda cũng khẳng định quyền lợi của nhân viên giao hàng "luôn quan trọng". Họ đã đầu tư nhiều vào các chương trình hỗ trợ, chẳng hạn bảo hiểm trợ cấp.
Chính phủ có thể yêu cầu các nền tảng trực tuyến cung cấp những biện pháp bảo vệ công việc cơ bản, chẳng hạn bồi thường thương tật tại nơi làm việc, đại diện công đoàn, phúc lợi y tế và quỹ dự trữ hưu bổng
Phó giáo sư Eugene Tan tại Đại học Quản lý Singapore
"Thực tế là phần lớn các tài xế của chúng tôi không làm việc lâu dài. Nhiều người làm việc trong một khoảng thời gian ngắn như công việc làm thêm", người phát ngôn của Foodpanda bình luận.
"Đó là tính độc đáo của nền kinh tế hợp đồng, sự linh hoạt và tự do cho tài xế lựa chọn những gì phù hợp với họ", người này nói thêm.
Ông Lý không phải người đầu tiên nhấn mạnh những khó khăn của các nhân viên hợp đồng. Tại một số khu vực pháp lý phương Tây, các nền tảng được yêu cầu coi tài xế là nhân viên thay vì đối tác độc lập. Điều này kéo chi phí lao động lên cao hơn.
Nhưng ở Đông Nam Á, hầu hết công ty vẫn tránh coi tài xế là nhân viên chính thức. Một số nền tảng nhấn mạnh rằng bản thân các tài xế cũng thích sự sắp xếp linh hoạt của họ.
Tuy nhiên, sau bài phát biểu của thủ tướng Singapore, các công ty trong ngành sẽ buộc phải theo dõi sát sao những động thái tiếp theo của chính phủ.
"Chính phủ có thể yêu cầu các nền tảng trực tuyến cung cấp những biện pháp bảo vệ công việc cơ bản, chẳng hạn bồi thường thương tật tại nơi làm việc, đại diện công đoàn, phúc lợi y tế và quỹ dự trữ hưu bổng", phó giáo sư Eugene Tan tại Đại học Quản lý Singapore bình luận.
Người tiêu dùng cũng có thể đối mặt với giá cao hơn. "Tất cả chúng ta, với tư cách người tiêu dùng, đều phải tham gia", ông Lý kêu gọi.
"Điều đó không chỉ cho phép người lao động duy trì công việc của họ với mức lương cao hơn, mà còn cho thấy rằng với tư cách một xã hội, chúng ta coi trọng công việc và những đóng góp của họ, và họ cũng là một phần của chúng ta", ông nhấn mạnh.