Ở khu vực giáp bến xe Miền Đông, nơi tập trung các thành phần phức tạp, nhiều tháng nay người dân ở hẻm 549/14 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn trong tình trạng cảnh giác với nạn cướp giật.
Anh Hưng - một người dân sống trong hẻm này - cho biết từ sáng sớm đã có nhiều thanh niên vật vờ đi lại vì đói thuốc. Cứ thấy ai hở cái gì là ra tay giật nên bà con trong khu rất sợ, đến nỗi phải căng băng rôn để người đi đường cảnh giác.
Nhiều người dân ở khu vực đường Trần Kế Xương (phường 7, quận Phú Nhuận) thì cho biết tại đây hay xảy ra tình trạng cướp xe máy vào ban đêm. Nhiều đoạn trên tuyến này không có đèn, lợi dụng lúc trời tối, các con nghiện thường ra tay uy hiếp người đi đường để cướp.
Hơn 1 năm nay, sau khi đường vành đai sau lưng ký túc xá đại học Quốc gia TP.HCM đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân có nhà trong khu vực và phòng trọ sinh viên khốn khổ vì đạo chích.
Băng rôn để phòng cướp giật ở hẻm 549/14 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. |
Trang (một sinh viên) kể khi cô đang ngồi trong phòng trọ học bài, bất ngờ thấy thanh niên đứng trước cửa. Chưa kịp đứng dậy, anh ta đã xông vào phòng đẩy chị ngã rồi ôm laptop chạy ra đường lên xe đồng bọn tẩu thoát. Không chỉ Trang, mà nhiều sinh viên ở đây cũng nhiều lần bị kẻ lạ mặt đột nhập trộm, cướp tài sản.
Không chỉ phòng trọ sinh viên mà nhiều hộ dân cũng khốn khổ vì trộm cắp. Để phòng chống, hàng đêm họ mang xong, nồi buộc lên cửa, để khi kẻ trộm đột nhập thì nó tạo âm thanh đánh thức mọi người. Thậm chí bức xúc vì bị trộm quá nhiều, có người đã giăng cả dây điện làm bẫy.
Một ngày 4 cữ ma túy
Vừa tấp xe vào công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), phóng viên nghe một người mẹ sống cạnh đó sỉ vả người con trai nghiện ngập: "Một ngày 4 cữ ma túy thì kiếm đâu ra tiền để xài". Vừa chửi con, người này vừa than trời, không biết làm sao để đưa con vào trung tâm cai nghiện vì không có tiền. Bao nhiêu tài sản trong nhà đội nón ra đi vì đứa con trai.
Bà Hồng (ở quận Bình Thạnh, có con trai chết vì ma túy) kể do bận làm ăn, ít để ý đến con cái. Khi phát hiện con trai bị bạn dụ dỗ, lôi kéo hút ma túy thì đã quá muộn. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều bị con phá sạch. Bà phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp đưa con đi cai nghiện bắt buộc ở trung tâm Phú Văn (Bình Phước).
Người nghiện chích ma túy giữa ban ngày ở Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Quang. |
Tuy nhiên, một thời gian sau, con trai xin về thăm nhà rồi cùng đám bạn chích ma túy trở lại. Cứ hết tiền thì về nhà ăn cắp đồ đạc mang đi bán, thậm chí lư hương trên bàn thờ cũng bị con lấy đi. Có lần con lên cơn, bà đưa mấy bộ quần áo của mình nói "con ơi, mẹ chỉ còn từng này thôi, con mang đi mà bán lấy tiền hút chích". Nghe nói vậy, thanh niên ôm lấy mẹ khóc và van xin lấy xích trói lại cho qua cơn nghiện rồi thuê xe quay trở lại trung tâm.
"Ở trên trung tâm 10 năm, con tôi vẫn không cai được ma túy, sau đó chết vì không còn sức khỏe. Nhà chỉ có 1 mẹ, 1 con, thấy nó nằm trong quan tài, tôi không còn nước mắt để khóc", bà Hồng nghẹn ngào nhớ lại.
Người mẹ này cho biết thêm, khu vực nhà bà là điểm nóng về buôn bán, nghiện hút ma túy. Nhiều gia đình có ý định bán nhà đi nơi khác ở vì sợ ảnh hưởng đến con cái, nhưng rao bán mãi vẫn không ai hỏi mua.
Theo báo cáo của công an TP.HCM, tính đến tháng 9/2014, trên địa bàn có khoảng 19.000 người nghiện ma túy, tăng 33% so với năm 2013. Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc công an TP.HCM - cho rằng đây chỉ là con số theo danh sách mà chính quyền quản lý được, còn trên thực tế thì lớn hơn nhiều.
Những người nghiện đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh, không đủ tiền để mua ma túy sử dụng. Do đó, họ sẵn sàng phạm tội để có tiền "phê" thuốc. Theo ông Minh, có đến 90% tội phạm gây án là người nghiện.
Thiếu tướng Minh cho biết thêm từ trước tới nay, các vụ án man rợ xảy ra trên địa bàn như giết người, chặt xác,… đều có liên quan đến ma túy. Nếu vẫn để người nghiện tràn lan như hiện nay, sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho lực lượng công an trong việc giữ gìn trật tự an ninh xã hội, nhất là trong dịp lễ, Tết.