Theo ông Đương, nguyên nhân là do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đưa người đi cai nghiện theo quyết định của tòa án nên thủ tục nhiều và rất phức tạp, tốn kém.
“Tôi được biết hiện nay tỷ lệ đưa người đi cai nghiện theo con đường tòa án rất ít, riêng TP.HCM chưa thực hiện được. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời thì sang năm 2015, số người nghiện ở ngoài xã hội không chỉ là gần 200.000 mà sẽ còn cao hơn nữa, gây bất ổn cho xã hội”, ông nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đương đề nghị QH nên tạm dừng thực hiện quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện theo con đường tòa án, thay vào đó sẽ áp dụng như quy định cũ và kỳ họp sau sẽ xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Không tán thành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Nếu vì quyền con người, quyền công dân mà thêm tốn kém, phiền phức thì cũng phải làm”. Vì thế tới đây cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm các quy định trong luật được thực hiện tốt hơn.
Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, từ 1/1/2014 đến nay tòa án mới ra quyết định đưa 200 trường hợp (trong tổng số gần 200.000 trường hợp nghiện ma túy, tức khoảng 1‰ - một phần ngàn) vào các trại cai nghiện bắt buộc. Ông Bình thừa nhận điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với xã hội, nhất là tội phạm hình sự.
Ông Bình lý giải các tòa ít thụ lý vì đây là biện pháp cưỡng chế liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên việc lập hồ sơ phải chặt chẽ. Do chưa có hướng dẫn đầy đủ nên việc xác định người nghiện ma túy cũng như thẩm định hồ sơ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hơn nữa, nhiều trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định nên việc làm hồ sơ càng khó khăn hơn… “Đây là những bất cập mà các bộ, ngành, tòa án đang gặp phải. Tới đây, TAND Tối cao sẽ tích cực chủ động xây dựng hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn để việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc hiệu quả hơn” - ông Bình hứa.