Nhiều người lao động tại TP.HCM bắt đầu nghỉ Tết từ hôm nay, ngày 2/2 - tức 28 tháng Chạp. Họ tranh thủ đến các siêu thị để mua sắm bánh kẹo và những đồ dùng thiết yếu cho ngày Tết.
Siêu thị chen chân không lọt
Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, từ 27 tháng Chạp, nhiều hệ thống siêu thị tại TP.HCM mở cửa rất sớm, có nơi bắt đầu hoạt động từ 6h. Mở rộng thời gian bán bằng việc đón khách sớm và đóng cửa muộn vào lúc nửa đêm, nhưng tình trạng quá tải tại các siêu thị vẫn diễn ra.
Quầy thịt heo tại siêu thị Co.opmart đông nghẹt khách ngày 28 Tết. Ảnh: P.M. |
Tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu thuộc hệ thống Saigon Co.op nằm trên đường Hoa Sứ (quận Phú Nhuận, TP.HCM), lượng người đến mua sắm đông đúc từ khi vừa mở cửa.
Tại đây, khách hàng tập trung nhiều nhất vào quầy thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt gà, thịt heo, thịt bò. Ngoài ra, các loại trái cây dùng hàng ngày hoặc “lên” mâm chưng ngũ quả của người miền Nam như mãng cầu, thơm, dừa, đu đủ, xoài cũng thu hút rất nhiều người mua.
Lúc cao điểm, khách đứng kín các quầy, những người đến sau phải mất thời gian chờ đợi đến lượt. Diện tích siêu thị nhỏ mà lượng người đông nên các xe đẩy hàng chiếm hết diện tích lối đi.
“Hôm nay, vợ chồng tôi mới bắt đầu nghỉ Tết nên tranh thủ đi mua sắm đồ dùng. Hiện tôi chỉ mua bánh mứt để dùng trong gia đình và biếu tặng họ hàng nội ngoại là chính. Còn thực phẩm thì sẽ mua đủ dùng trong hôm nay. Ngày 29 sẽ đi lần nữa và mua nhiều hơn để trữ trong nhà những ngày Tết”, chị Kim Thanh (quận Phú Nhuận), nói.
Khách hàng này cho biết thêm rằng giá các loại thực phẩm như rau củ, thịt cá, trái cây trong siêu thị nhìn chung vẫn ổn định, không quá cao so với ngày thường dù sức mua có tăng mạnh.
Chờ cả tiếng đồng hồ để thanh toán
Trong khi đó, tối 27 Tết, tại siêu thị BigC An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) đông nghẹt người. Đây là một trong những điểm kinh doanh có diện tích lớn nhất của hệ thống này nhưng lượng người đi siêu thị sắm Tết vẫn ken kín hết các khoảng trống và lối đi.
Số lượng người chờ thanh toán tại siêu thị BigC An Lạc (quận Bình Tân) tối 27 Tết. Ảnh: P.M. |
Một nhân viên tại siêu thị này cho hay chị phải liên tục châm thêm bánh mứt, trung bình mỗi giờ phải châm 1-2 lần mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. “Do lượng người đông đảo mà các kệ bánh kẹo có diện tích giới hạn nên ai cũng tranh nhau, chỉ một loáng là vơi hết ngay, nên tôi phải thêm hàng liền”, nữ nhân viên nói.
Tại siêu thị này, các loại bánh mứt và hạt được chia thành 3-4 khu vực riêng để tránh quá tải, nhưng người mua vẫn không có chỗ đứng vì quá đông. Mặt hàng trái cây nhập khẩu cũng được giảm giá mạnh. Táo, lê, nho… chỉ có giá từ vài chục nghìn đồng mỗi cân.
Khó khăn lách chiếc xe chở đầy hàng hóa giữa đám đông người trong siêu thị, chị Bảo Châu, một công nhân may tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), cho biết chị tranh thủ mua bánh trái, giỏ quà về quê biếu người thân sau một năm đi làm xa nhà.
“Tôi ở Trà Vinh, sáng mai vợ chồng cùng về quê ăn Tết nên tối nay tranh thủ mua bánh mứt và đồ dùng. Số hàng hóa này, phần để dùng trong nhà, phần biếu họ hàng ở quê sau một năm đi làm xa”, chị Bảo Châu nói.
Tuy nhiên, khó khăn nhất tại siêu thị này là bước thanh toán cuối cùng. Cả nghìn người vây kín khu vực thu ngân. Hơn chục nhân viên hoạt động hết sức cũng không thể phục vụ nhanh chóng cho khách hàng.
Anh Huy Vũ (quận 6, TP.HCM) cho biết phải chen chân trong siêu thị gần 2 giờ đồng hồ mới mua hết đồ dùng cần thiết những ngày Tết và mất đúng gần một tiếng để chờ thanh toán.
“Người mua đông đúc và xe đẩy của ai cũng thuộc hàng khủng. Có người lên đến 2-3 xe hàng. Vì vậy, trung bình mỗi người mất 3-4 phút thanh toán. Đấy là chưa kể thời gian ra bãi xe chờ thêm 10-15 phút nữa. Tuy nhiên, tôi đã quen rồi, năm nào siêu thị này những ngày cận Tết cũng đều như vậy, mua sắm thế này mới có không khí Tết”, anh Vũ cười nói.
Chợ quá tải, siêu thị mở xuyên Tết
Tình trạng quá tải cũng diễn ra tại các chợ truyền thống. Tại nhiều chợ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Bình, Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… lượng người bán và mua tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
Nhiều kệ hàng bánh mứt, hạt, thậm chí mì gói... cũng được khách vét hết trong những ngày cận Tết. Ảnh: P.M. |
Bà Kim Hồng, một tiểu thương bán trái cây và hoa tươi tại chợ Bà Chiểu, cho biết đây là mặt hàng rất chuộng trong ngày Tết. Từ 20 tháng Chạp, nhu cầu của mọi người đã tăng. Trong vài ngày qua, bà nhập hàng gấp 2-3 lần ngày thường. Theo dự kiến, chợ sẽ đông nhất vào ngày 29.
“Nhiều người cũng tranh thủ đợt này đi bán thêm từ rau củ đến hoa quả nên bày ra khắp lối đi ở chợ. Về giá cả thì do nhu cầu tăng nên có nhích lên một ít so với ngày thường nhưng người mua vẫn không cảm thấy phiền hà gì”, bà Hồng nói.
Trong khi đó, việc mua bán tại các trung tâm thương mại những ngày cận Tết có phần ế ẩm hơn. Tại Vincom trên đường Đồng Khởi (quận 1), Aeon mall Bình Tân (quận Bình Tân), các cửa hàng thời trang đều giảm giá chào xuân từ 20-50% nhưng sức mua vẫn thấp hơn so với những dịp khác trong năm.
Các trung tâm thương mại này cũng bố trí nhiều khu vực bán bánh mứt phục vụ thị trường Tết nhưng sức mua không cao. Tình trạng đông đúc, ken kín không xảy ra tại đây.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết sức tiêu thụ các mặt hàng của người dân, đặc biệt là nhóm thực phẩm tăng cao trong những ngày trước và cận Tết. Tuy nhiên, vị này cho biết thêm giá cả các mặt hàng sẽ không có sự điều chỉnh so với thương ngày, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-4 lần nhằm chủ động nguồn cung dự trữ, thuận lợi điều tiết giá hàng hóa.
Để phục vụ người dân mua sắm trong dịp Tết Kỷ Hợi, nhiều hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết đã tăng cường thời gian hoạt động trong những ngày cận Tết, mở cửa từ 6h và đóng lúc 24h.
Ngay từ mùng 2 Tết, Co.opmart sẽ mở cửa từ 8-12h. Trong khi đó, BigC sẽ hoạt động trở lại vào mùng 3 Tết. Đặc biệt, hệ thống Aeon Mall tuyên bố mở cửa khu vực siêu thị và trung tâm thương mại xuyên Tết.