Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ rút kiếm chống voi dữ là cảm hứng cho 'Đất lửa'

Chắt lọc từ những câu chuyện được nghe, được thấy, Nguyễn Quang Sáng đã viết các tác phẩm giá trị như "Đất lửa", "Quán rượu người câm" hay kịch bản phim "Cánh đồng hoang".

Trong tập bút ký Nhà văn về làng (NXB Văn nghệ, 2007), Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) đã kể lại nhiều câu chuyện về cuộc đời, về các nghệ sĩ bạn bè, trong đó có những chuyện thú vị về quá trình sáng tác các tác phẩm nổi tiếng của mình.

Chi tiết ấn tượng làm nên tác phẩm đầu tay

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Sáng là một tiểu thuyết, cuốn Đất lửa. Ông kể về hoàn cảnh sáng tác tác phẩm cũng khá ly kỳ. Đó là năm 1951, khi ông đang làm việc ở Phòng chính trị Bộ tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm công tác nghiên cứu về tôn giáo. Khi về Long Châu Hà thuộc tỉnh An Giang ông đã gặp được một phụ nữ mà mọi người gọi là cô Tư, người phụ nữ dám rút kiếm chống voi dữ.

Nguyen Quang Sang,  Canh dong hoang,  Trinh Cong Son anh 1

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000, cho cụm tác phẩm: Đất lửa, Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang. Ảnh: Nhân dân.

Lúc đó, trên Bảy Núi có con voi điên phá phách dữ quá, bộ đội phải săn lùng. Đến một đỉnh núi, bỗng thấy một người đàn bà đang cầm kiếm chống chọi với voi. Bộ đội kịp bắn hạ con voi điên. Hỏi chuyện, người đàn bà không nói. Thấy lạ, bộ đội đưa cô về căn cứ, khi gặp ông Huỳnh Văn Trí, tức Mười Trí, người đàn bà mới chịu mở lời. Sau đó, bà tích cực tham gia vận động đồng bào theo kháng chiến đánh Pháp, rồi không may hy sinh.

Câu chuyện được Nguyễn Quang Sáng ấp ủ rất lâu và đã được ông kể cho các văn nghệ sĩ kháng chiến nghe. Ông “xui” nhà văn Sơn Nam viết, nhưng nhà văn nói: “Vùng đó tao không biết. Tao thấy mày cũng có chữ nghĩa, mày viết đi!”.

Sau hiệp định Genève, Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc mang theo bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay. Ở trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội ở Nghi Tàm, Hà Nội năm 1956, ông sửa lại bản thảo. Để đặt tên tác phẩm, nhà văn đã lang thang khắp các hiệu sách Hà Nội tham khảo, cuối cùng đặt cho nó cái tên Đất lửa. Sau khi nghe đọc bản thảo, nhà văn Kim Lân đã đề nghị trích một chương đăng trên báo Văn nghệ. Do tình hình lúc bấy giờ, chưa thể in hết toàn bộ tiểu thuyết, phải đợi đến năm 1963, Đất lửa mới chính thức ra đời.

Nguyễn Quang Sáng cho biết dư luận trong nghề văn cho rằng Đất lửa là tác phẩm thành công nhất trong số bốn tiểu thuyết của ông.

Chi tiết độc đáo làm nên truyện ngắn ấn tượng

Tuy nhiên, khi đọc bản thảo đầu tiên của Đất lửa, Nguyễn Quang Sáng vẫn thấy mình viết quá dở, chưa thể thành tác phẩm văn học được. Để “thử mình”, ông chuyển sang thể loại truyện ngắn để luyện tay nghề, sau đó mới sửa chữa lại cuốn tiểu thuyết. Do đó, tháng 6/1956, ông viết truyện ngắn đầu tay Con chim vàng, lấy cảm hứng từ cây trứng cá trước sân nhà. “Đó là truyện ngắn đưa tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam”, ông viết.

Cũng từ câu chuyện được nghe kể lại, Nguyễn Quang Sáng đã sáng tác nên một truyện ngắn nổi tiếng. Đó là khi ông sống cùng một cán bộ trẻ của ngành tuyên huấn là Châu Thanh. Trong một chuyến bơi xuồng, Châu Thanh đã kể cho ông nghe câu chuyện ở Bến Tre quê ông có một người bị câm vì bị địch tra tấn quá tàn bạo. Tưởng ông bị câm đến suốt đời, không ngờ đến ngày Đồng khởi thì ông bùng lên: nói, ông kêu gọi dân làng nổi dậy.

Từ chuyện kể của Châu Thanh, Nguyễn Quang Sáng nghiệm ra rằng, ở đời không phải lúc nào cũng nói, phải nói đúng lúc, đúng chỗ, nếu không thì câm. Từ đó, ông dựng thành truyện ngắn Quán rượu người câm nổi tiếng, sau này được đưa vào chương trình phổ thông.

Từ bí quyết đến kịch bản 'Cánh đồng hoang' bất hủ

Nguyễn Quang Sáng từng tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ông viết trong sách Nhà văn về làng, là nhờ dự lớp tập huấn với cán bộ nội thành, nhờ chuyến đi đánh vào Sài Gòn, mà ông viết được vài bút ký, truyện ngắn. Truyện ngắn Chị Nhung được Hãng phim truyện Hà Nội dựng thành phim Chị Nhung, đã mở cho ông con đường viết kịch bản phim.

Nguyễn Quang Sáng cũng kể về bí quyết viết kịch bản phim mà ông học được từ đạo diễn Hồng Sến sau khi đi cùng đạo diễn này làm phim Mùa gió chướng, chuyển thể từ tiểu thuyết của ông. Ông từng trả lời về bí quyết này, đó là “viết văn phải có văn, viết kịch bản điện ảnh phải có hình”.

Nguyen Quang Sang,  Canh dong hoang,  Trinh Cong Son anh 2

Cánh đồng hoang là bộ phim của bộ ba tác giả "3S": Hồng Sến, Nguyễn Quang Sáng và Trịnh Công Sơn. Ảnh: fimplus.vn

Ông nhớ lại năm 1966, sau khi từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào chiến trường Đồng Tháp Mười. Đó là một chiến trường rất đặc biệt, không có núi non, rừng thì rừng tràm, từng cụm lưa thưa. Chiến sĩ, cán bộ đều sống trên xuồng lênh đênh trên mặt nước. Không hầm hố tránh bom đạn, nước mênh mông. Tránh pháo, tránh bom, tránh rocket từ trực thăng băng xuống chỉ có một cách duy nhất là lặn.

Còn với nhà có con nhỏ, thì cha mẹ có sẵn bao ni lông. Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao ni lông nhận nó xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao ni lông cho nó thở.

Ông viết: “Nhìn đứa nhỏ được cha mẹ đưa ra khỏi bao ni lông, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, tôi bần thần, bị ám ảnh rất lâu. Cũng từ hình ảnh của đứa trẻ, tôi mơ mơ màng màng nghĩ đến một phim về chiến tranh. Nghĩ vậy thôi chứ chưa viết, không biết viết thế nào, và nếu viết được thì lúc bấy giờ không thể nào thực hiện được. Vậy là tôi ngậm lại, để đó. Mười hai năm sau mới viết. Tôi viết Cánh đồng hoang vào buổi sáng ngày 18 tháng 12 năm 1978”.

Phim Cánh đồng hoang, Nguyễn Quang Sáng mời Hồng Sến làm đạo diễn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu viết nhạc phim, nên người ta hay đùa bộ phim là của “3 S”: Sơn, Sến, Sáng.

Nguyễn Quang Sáng nhận định, chi tiết đứa bé bị bỏ vào bịch ni lông nhấn xuống nước là một chi tiết rất “đắt” mà ông khai thác được. Nó góp phần lớn vào thành công của bộ phim, giúp bộ phim đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim toàn quốc năm 1980 và Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1981.

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm