Cách đây hơn 10 năm, nhà văn, cây bút Lisa Bubert (Mỹ) tự lên một danh sách các ấn phẩm nên đọc và nhanh chóng mất kiểm soát với số lượng trong đó, đi kèm là trạng thái tinh thần tồi tệ. Znews trích dịch chia sẻ của cô trên Insider về quá trình cô tìm lối thoát, quay trở lại với ý nghĩa thật sự của việc đọc sách.
Vào năm 2013, tôi đã đưa ra một quyết định có vẻ đơn giản: lập danh sách những cuốn sách muốn đọc. Khi đó, tôi vừa kết thúc học kỳ cuối cùng của chương trình cao học, có công việc toàn thời gian đầu tiên và chuẩn bị kết hôn - sắp bước vào cuộc sống của người trưởng thành thực sự.
Tôi, một người ở độ tuổi 20 với rất nhiều thời gian trong tay vì không còn phải vật lộn giữa việc học và 3 công việc bán thời gian, tình cờ đọc được "danh sách 50 cuốn sách mọi người trẻ nên đọc ở độ tuổi 20", đã mở ngay trang Google Docs và thêm tất cả chúng vào danh sách. Đó là một sai lầm.
Tôi vốn là người đã làm gì phải làm đến cùng. Nếu tôi cầm một cuốn sách lên và bắt đầu đọc, tôi sẽ đọc hết nó bất kể có thích hay không. Nếu bắt đầu xem một chương trình truyền hình, tôi sẽ xem hết từng tập của từng mùa trước khi chuyển sang xem cái khác.
Bắt bản thân phải đọc mọi thứ trong danh sách
Tôi là nhà văn, cũng là một thủ thư. Đọc sách là công việc theo đúng nghĩa đen của tôi. Tôi phải theo kịp các xu hướng để so sánh với văn của mình, tôi cần biết về tất cả cuốn sách mới để có thể đưa ra những gợi ý phù hợp cho khách.
Dù "danh sách đọc" của tôi bắt đầu với 50 cuốn phải đọc ở độ tuổi 20, nó nhanh chóng dài thêm với những cuốn đoạt giải thưởng mỗi năm, các cuốn trong bộ sưu tập "hay nhất" và đôi khi là cuốn nào đó tôi bất chợt thích đọc.
Sau 10 năm, danh sách này đã lên tới hơn 500 đầu sách và tôi bị ràng buộc với nó một cách kỳ lạ. Tôi chỉ cho phép mình đọc những cuốn trong danh sách.
Lisa Bubert lên một danh sách đọc cho bản thân, nhưng cuối cùng tự mắc kẹt trong đó. Ảnh minh họa: Pexels. |
Tôi hiểu rằng điều này thật điên rồ. Nhưng khi đó, tôi đã rời xa gia đình để đến sống ở một thành phố mới, rồi khi đại dịch xảy đến, khiến thời gian co lại và giãn ra theo những cách không thể giải thích được, chúng ta vốn đã sống trong điên loạn, vậy có gì sai khi tôi "điên" như thế vì tin rằng bản thân có thể đọc hết danh sách đó?
Danh sách này ít nhất cũng đem lại sự thoải mái. Nó giúp tôi không cần quyết định phải làm gì tiếp theo, như một cách để duy trì cảm giác trật tự. Tôi có thể đọc từng cuốn một, lấp đầy tâm trí sáng tạo của mình bằng tất cả những cuốn sách được đề xuất đọc trong 10 năm qua. Tôi cập nhật tài khoản Goodreads của mình, cố gắng hoàn thành thử thách đọc 100 cuốn sách mỗi năm (con số tôi chưa bao giờ đạt được, khiến cho tháng 12 hàng năm với tôi như một thất bại tồi tệ).
Đi tìm giải pháp
Tôi đến gặp một số nhà trị liệu để giải quyết tình trạng này. Một trong số họ nói rằng tôi có thể đã mắc một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) nhẹ, một người lại xem đó như thói quen trẻ con rồi đến lúc tự hết (tôi đã 36 tuổi), người cuối cùng nhận định đó có thể là chứng OCD kết hợp rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) xen lẫn lo âu. Người đó cho rằng tôi giống như đang tự xoa dịu bản thân trong một thế giới bất ổn, bất an, có thể sụp đổ.
Bác sĩ trị liệu hỏi tôi có thể đơn giản là vứt danh sách đi không, tôi trả lời "không".
Tôi không thể làm điều đó vì nếu vứt bỏ danh sách, tôi sẽ phải đưa ra lựa chọn một cách tỉnh táo. Đưa ra một lựa chọn tỉnh táo sẽ cần phải đối mặt với thực tế cuộc sống. Và thực tế cuộc sống hiện tại thật đáng sợ, đầy rẫy những điều tôi không thể kiểm soát, còn nhiều câu hỏi nữa mà tôi không muốn nghĩ đến: Tôi muốn có con không? Tôi có thích công việc của mình không ? Tôi có thực sự hài lòng với ngoại hình của mình thời gian này không? Tôi đã dành 10 năm để đọc, nhưng tôi có thực sự nhớ những gì mình đã đọc không? Trong hầu hết câu hỏi, câu trả lời là "không".
Năm nay tôi đã 36 tuổi. Tôi đã đi đến một kết luận đáng lo ngại rằng bây giờ tôi có thể đang ở nửa sau của cuộc đời mình, và thật đáng sợ, tôi không nhớ phần lớn những gì tôi đã đọc. Giờ đây tôi đã tách rời khỏi những cuốn sách của mình.
Sự cố bất ngờ
Hai tháng trước, tôi sắp xếp lại các dữ liệu trên máy tính và vô tình xóa danh sách ghi những đầu sách đó. Tôi cố gắng tìm lại, khôi phục nó nhưng không được.
Kỳ lạ là, tôi không hề hoảng sợ như tôi nghĩ. Từ khi bác sĩ trị liệu gợi ý tôi bỏ danh sách đi, tôi đã nghĩ về thời điểm đó nhưng chưa bao giờ thực sự hạ quyết tâm thực hiện. Bây giờ, dù chuyện xảy ra thế nào, thời điểm đó đã đến, danh sách đã biến mất và tôi được tự do.
Lisa Bubert tìm lại được niềm vui đọc sách sau sự cố danh sách bị mất. Ảnh minh họa: Pexels. |
Tôi đã không đọc bất cứ điều gì trong vài ngày. Cuối cùng, tôi đến hiệu sách, dạo qua các lối đi và để bản thân bị cuốn vào những bìa sách trên kệ. Tôi chọn một cuốn có vẻ thú vị và cho phép mình mua nó.
Tôi trả lại tất cả những cuốn sách quá hạn xếp trên tủ đầu giường của mình trở lại thư viện, để lại một không gian sạch sẽ, thoáng đãng với nhiều cơ hội rộng mở. Cuộc sống của tôi trở nên yên tĩnh hơn.
Tôi vẫn luôn là người làm gì phải làm đến cùng. Nhưng tôi đã nhận thức được bản thân mình. Năm nay, tôi sẽ đọc lại những cuốn sách tôi từng yêu thích mà chẳng cần lo lắng rằng không có thời gian cho những thứ chưa được chọn trước. Tôi sẽ lại dạo quanh các kệ sách rồi tình cờ tìm thấy thứ gì đó trông tuyệt vời và ngấu nghiến nó vì tôi muốn, chứ không phải vì tôi phải làm vậy.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.