Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ khiến gạch ngói phải sinh lời

Những viên ngói xù xì, thô mộc được một người thợ nữ chỉnh sửa làm mới mẫu mã, đồng thời cải tiến kỹ thuật khiến chúng sinh lời, giúp tăng thu nhập cho nhiều người lao động.

Chị là Nguyễn Thị Hương Giang, công nhân bậc 6/7 của nhà máy gạch Tiêu Giao, công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long (Quảng Ninh). 

Làm công nhân để dành tiền nuôi em học

Có lẽ, trong mười gương mặt phụ nữ được vinh danh trao thưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tổ chức ngày 17/10 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hương Giang là người có "vị trí" khiêm tốn hơn cả. Gặp tôi, chị Giang thẳng thắn tâm sự: “Tôi chỉ là công nhân thôi, có gì đâu mà viết”. Vậy nhưng, ở nhà máy gạch Tiêu Giao, chị Giang lại được ví như một “cây sáng kiến, khiến gạch ngói phải sinh lời”.

 Chị Giang (áo dài đỏ) cùng đồng nghiệp.
Chị Giang (áo dài đỏ) cùng đồng nghiệp.

Không như bạn bè cùng trang lứa ở phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, chị Giang trải qua tuổi thơ nhọc nhằn. Bố là bộ đội phục viên với nhiều thương tật, mẹ làm ruộng, nhà có ba chị em. Gánh nặng gia đình đều đổ dồn hết lên đôi vai gầy của người mẹ khắc khổ. Là chị cả, từ nhỏ, chị Giang đã phải thay bố mẹ, lo lắng quán xuyến công việc lớn, bé trong nhà. Ngày có hai buổi, buổi sáng Giang đến trường, buổi chiều đi nhào than bùn làm gạch cho nhà máy.

Chị Giang tâm sự: “Mẹ tôi vẫn luôn ước mơ con gái sẽ trở thành một giáo viên cấp 3 chứ không phải là một cô công nhân chỉ biết bùn, than. Nhưng năm 1990, tôi học xong cấp 2, gia đình rơi vào khó khăn. Đồng lương cha mẹ ít ỏi, hai em còn đang ăn học. Khi biết tôi có ý định bỏ học đi làm công nhân mẹ nhất quyết phản đối. Mẹ không muốn tôi khổ như đời mẹ. Trong một đêm hai mẹ con ngồi tâm sự, tôi phân tích, nếu con học tiếp thì phải mua sắm xe đạp vì xa trường, rồi tiền sách vở, học phí. Tôi muốn dành lại cơ hội này cho hai em được ăn học nên người. Lời cuối cùng, mẹ nhắc tôi đã làm, thì phải chịu trách nhiệm với bản thân”. Vậy mà, đã 19 năm chị bước vào đời công nhân. Thời gian tuy dài, nhưng chị bảo: “Tôi chưa một lần hối hận vì lựa chọn của mình, 19 năm tôi cố gắng sống để không phụ công mọi người”.

Đời công nhân, lại là nữ công nhân nhà máy gạch, cơ cực, vất vả không như chị nghĩ. Nhớ lại, chị Giang tâm sự, những ngày đầu tiên đi làm, đêm nào về nhà tôi cũng khóc. Khóc vì nhìn bạn bè an nhàn, lúc nào cũng ăn mặc đẹp, được đi chơi cùng mọi người. Còn chị, trong một ngày có 24 tiếng, thì hơn 12 tiếng gắn bó với bộ đồ bảo hộ lao động, bịt khẩu trang, người lúc nào cũng ngập bụi bẩn. Có lần lớp cũ của chị tổ chức họp lớp vào ngày lễ, chúng bạn gọi nhau, rồi trách chị tại sao không đến. Chị bảo các bạn không hiểu được, chị làm công ăn lương, nghỉ phút nào là mất tiền phút đó. Lúc nhà máy vào dây chuyền, sự bận rộn càng cuốn theo chị hơn. Chị kể: “Mặc cảm về thân phận trước bạn bè khiến nhiều đêm tôi không ngủ được, nhưng không hiểu sao, lúc nào không vào nhà máy, không nghe tiếng máy, tiếng xúc, tiếng chan chát búa đe là tôi lại thấy trống vắng, những lúc đó tôi lại càng bi quan hơn”.

Năm 2007, tình yêu đã đơm hoa khi chị gặp được một nửa của mình. Anh là một công nhân trong nhà máy Tiêu Giao. Tình yêu người thợ máy và cô công nhân xinh đẹp nhưng cũng đầy chật vật, khó khăn. Năm đó, anh chị được nhà máy hỗ trợ mua một mảnh đất nhỏ gần công ty với giá gần hai triệu đồng. Ở đó, anh chị đã viết nên bài ca về nghị lực, quyết tâm, vươn lên trong đời sống.

Người đi đầu những sáng kiến

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây thương hiệu gạch ngói Viglacera liên tục phát huy thế mạnh, thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước. Một trong những nguyên nhân đó là nhờ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của những người thợ. Chị Giang là một người như vậy.

Ở nhà máy gạch Tiêu Giao, trong nhiều năm liền chị là người trực tiếp làm việc tại bộ phận sản xuất ngói 22 viên/m2. Là một tổ trưởng chị luôn tỉ mỉ, sát sao công việc, đôn đốc kiểm tra chất lượng, năng suất, an toàn lao động.

Nói về sáng kiến cải tiến kỹ thuật chế tạo máy xuyên lỗ ngói 22 viên/m2 thay cho xuyên lỗ thủ công, giảm bớt nhân công một người/máy ngói, làm lợi cho công ty gần 60 triệu đồng/năm, chị Giang cho biết: “Xuất phát từ thực tế công việc của một người công nhân, trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn, luôn đối mặt với áp lực thời gian, công sức, nên tôi luôn nghĩ cách để cải tiến được kỹ thuật. Từ đặc thù viên gạch dùng ở cho vùng biển thường chịu gió lớn nên bao giờ cũng phải có một lỗ nhỏ, để luồn dây thép néo kết lại với nhau. Ngày trước làm thủ công thường rất mất thời gian, công nhân phải làm một ca 12 tiếng/ngày, hiệu quả không cao, gạch cho ra không đều mà thu nhập cũng chỉ được 160.000 đồng/người/ca. Nghĩ vậy, tôi đã đưa ra ý tưởng chế tạo máy xuyên lỗ ngói". Nhờ thế mà giảm được giờ làm còn 8 tiếng/người/ngày, tăng mức lương cho công nhân lên 190.000 đồng/người/ca. Đáng nói, từ mô hình của nhà máy Tiêu Giao đã được áp dụng tại nhiều nhà máy khác.

Những viên gạch trước đây bán ra thị trường với mẫu mã thô, xù xì, chị đã góp ý, chỉnh sửa mẫu mã, thay đổi các bài phối liệu, tận dụng cao nhất chất thải rắn từ phế phẩm gạch xây, trang trí, nghiền mịn thành bột sa mốt làm phối liệu sản xuất. Nhờ đó mà vừa tiết kiệm được nguyên liệu vừa làm đẹp ngoại quan, với màu sắc tự nhiên, chống trơn trượt, không bị rêu mốc, thu hút được khách hàng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tăng doanh thu cho công ty.

Chị Giang cho biết: “Hiện nay tổ sản xuất của tôi có 29 thành viên. Chúng tôi có nhiều thuận lợi đó là môi trường lao động tốt, sự quan tâm của lãnh đạo công ty. Nhưng có nhiều nữ công nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Muốn vậy, tôi cần thường xuyên theo dõi uốn nắn, với những người thợ còn non tay sẽ giao cho một thợ giỏi kèm cặp, hướng dẫn. Thường xuyên theo dõi sự biến đổi chất lượng sản phẩm để có những đề xuất, chỉnh sửa kịp thời, để không chậm tiến độ chung”.

Với những cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển của nhà máy, chị Nguyễn Thị Hương Giang từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Bằng khen cấp bộ và nhiều lần liên tiếp là chiến sĩ thi đua cấp nghành, cấp cơ sở. Chị Giang là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên, sáng tạo không ngừng vì cộng đồng.

Doanh nhân xinh đẹp lập công ty kết nối ‘made in Vietnam’

Muốn nhìn cuộc sống qua nhiều lăng kính khác biệt, Thanh Nguyễn - CEO Anphabe đã từ bỏ công việc mơ ước tại Unilever để tạo dựng sự nghiệp với tấm danh thiếp "người kết nối".

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/24610702-nguoi-phu-nu-khien-gach-ngoi-phai-sinh-loi.html

Theo Giang Linh/ Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm