Sinh năm 1979, đã có hai cô con gái xinh xắn, nhưng chị Thanh Nguyễn vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi 35 của mình. Chị luôn nở nụ cười trên môi, hào hứng với những câu chuyện và mối quan hệ mới. "Đó là niềm vui của cuộc sống", chủ trang web về thương hiệu nhà tuyển dụng đầu tiên ở Việt Nam Anphabe tâm sự.
Là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của trường đại học Ngoại Thương khóa 1996-2000, năm năm sau, Thanh Nguyễn trở thành người Việt đầu tiên đảm nhận vị trí Trưởng nhãn hàng cao cấp khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông của Tập đoàn Unilever. Khi đó, cô gái này mới bước sang tuổi 27.
Có được công việc mơ ước với nhiều người trẻ khi ấy và cơ hội hoạt động tại Bangkok, Thái Lan, nhưng cô gái trẻ này lại có quyết định khiến không ít người ngạc nhiên sau ba năm đảm nhiệm vị trí quản lý tại Bangkok: Rời Unilever, bỏ "nghiệp marketing" để bắt đầu với nghề nhân sự. Trước khi tìm ra con đường thực sự cho mình, chị chỉ nghĩ tới một công việc "không yên vị, đầy hứng khởi, nuôi dưỡng đam mê và dấn thân mỗi ngày”.
Dù từng trải qua quảng thời gian "rất sợ" khi khởi nghiệp, nhưng với chị Thanh Nguyễn, mỗi cơ hội đến như một duyên số, và chị lại là người có "máu liều". |
Thời điểm đó (năm 2007), các trang web tuyển dụng nhân sự đã khá phổ biến tại Việt Nam, nên để trở nên khác biệt, chị đã xây dựng một kênh tuyển dụng kết hợp với mạng xã hội Caravat - trang web từng được xem là LinkIn phiên bản Việt, với chiến lược hàng đầu là nhắm tới phân khúc nhân sự cấp cao có thu nhập từ 1.000 USD.
Con đường tự thân lập nghiệp đúng như những gì chị đã từng nghĩ: “không yên vị và dễ thỏa mãn”. Ba năm sau khi Caravat chính thức hoạt động, vì những khác biệt trong định hướng và vốn đầu tư, trang web buộc phải đóng cửa. Không dừng quá lâu, năm 2011, chị tiếp tục trở thành nhà sáng lập kiêm CEO một trang web liên quan đến nhân sự khác, nhưng với định hướng đặc biệt hơn: Là nơi để doanh nghiệp tự “bán mình” cho các ứng viên.
Dù Anphabe vẫn mang bóng dáng từ sự thành công của Caravat, nhưng cách tồn tại của trang web này với cộng đồng thành viên và với CEO Thanh Nguyễn lại mang một ý nghĩa khác. Ở đây, chị được thỏa sức “kết nối và chia sẻ giá trị cho các thành viên mà không vướng bận những lo toan cơm áo, gạo tiền”. Không có nhà đầu tư hỗ trợ phía sau như khi còn Caravat (vốn là dự án kết hợp cùng Navigos Group), thời gian đầu, “đứa con” Anphabe của chị sống dựa vào nhiệt huyết của những người trẻ cùng chí hướng, và chấp nhận mức thu nhập eo hẹp.
Ba năm trải nghiệm với Anphabe, từ chỗ là “của lạ” trên thị trường đến khi trở thành đối tác của nhiều công ty đa quốc gia, sau khi cho ra đời gói giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng, một loại hình dịch vụ nhân sự đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay, người phụ nữ này vẫn giới thiệu chức danh “người kết nối” trên tấm danh thiếp của mình.
Ngay trong chính gia đình nhỏ của mình, người phụ nữ này cũng không quên "kết nối", dù công việc không cho chị nhiều thời gian rảnh rỗi. Tạo ra những trò chơi, hoạt động gắn kết gia đình, dành thời gian cho con cái khi rảnh rỗi, khám phá du lịch cùng chồng, dành ra vài phút mỗi ngày để thư giãn, là cách để nữ CEO này cân bằng cuộc sống. Với chị, nhiều thành công trong cuộc sống đến từ những quyết định ra đi, nghề nghiệp gắn bó giống như "duyên số". Triết lý kinh doanh của chị là "Cho là nhận", bởi "cũng như khi xây dựng một mối quan hệ, muốn cho quan hệ lâu bền, mình phải sẵn sàng cho đi trước".