"Chúng tôi sợ hãi nhưng muốn về xem nhà cửa thế nào", Jamaliah Lomontong, cư dân Marawi, nói với AFP. Lomontong cùng một số người thân đã trở về khu phố nơi trận chiến từng diễn ra ác liệt.
Cô cho biết ngôi nhà của mình vẫn còn nhưng đã bị cướp bóc. "Bất cứ thứ gì dễ lấy đi đều đã biến mất như tivi, máy tính xách tay", cô nói.
Tàn phá nặng nề
Sáng 24/10, chỉ thấy vài chục thường dân xuất hiện ở vùng ngoại ô thuộc nửa phía đông đã bị tàn phá nặng nề của Marawi, nơi tiếng súng đạn vẫn vang lên.
Một binh sĩ đứng canh gác khi người dân trở về xem xét nhà cửa ở Marawi. Ảnh: AFP. |
Đại tá Romeo Brawner, phó chỉ huy lực lượng Marawi, nói rằng những tiếng nổ này không đồng nghĩa với cuộc chiến mới. Ông cho biết các binh sĩ đang lục soát các tòa nhà để tìm kiếm những chiến binh có thể vẫn lẩn trốn và cho phát nổ những quả bom mà các tay súng để lại.
"Có thể vẫn còn một số chiến binh bị bỏ lại. Trong mỗi cuộc chiến, đó được gọi là SOP (quy trình thao tác chuẩn)", Brawner nói. "Vì vậy, những tiếng súng là một phần của hoạt động dọn dẹp bởi khi phát hiện lỗ hổng hoặc đường hầm, các binh sĩ sẽ bắn vào đó trước rồi mới dùng đèn để kiểm tra", ông nói.
Ở nửa phía tây của thành phố, nơi phần lớn đã được giải phóng, hàng trăm người dân bắt đầu quay về.
"Tôi cảm thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì được quay về nhưng buồn khi thấy những gì đã xảy ra với thành phố quê hương", doanh nhân Gonaranko Mapandi Jnr, 46 tuổi, nói khi đứng cạnh một trạm kiểm soát quân sự.
Một số cửa hàng nhỏ bán các đồ gia dụng và thực phẩm hàng ngày, được gọi là sari-sari, đã mở cửa trở lại.
Lo ngại an toàn
Tuy nhiên, các nhà chức trách nói rằng quân đội vẫn chưa công khai cho phép người dân trở về do lo ngại về an toàn.
Cư dân đi qua các cửa hàng bị đóng cửa với những bức vẽ graffiti do các chiến binh thân IS để lại. Ảnh: AFP. |
Ngay cả khi toàn bộ người dân có thể quay về, phần lớn thành phố sẽ không đủ điều kiện để họ sinh sống. Các quan chức chính phủ và nhân viên cứu trợ cho biết chương trình tái định cư trị giá hàng tỷ USD sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.
Ông Duterte cảnh báo rằng dù các chiến binh ở Marawi đã bị đánh bại, những người khác có thể đang lẩn trốn ở các thành phố lân cận hoặc những nơi khác tại miền Nam Philippines và tiếp tục lên kế hoạch tấn công.
Eric Alarcon, người phụ trách hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ Philippines ở Marawi, cho rằng nhiều người dân có thể không bao giờ trở lại thành phố do lo sợ về an ninh hoặc vì họ sẽ không thể sống trong những khu phố bị phá hủy.
"Có rất nhiều yếu tố. Một số sợ rằng đây chỉ là hòa bình ngắn ngủi. Sau đó, sẽ có một cuộc chiến nữa. Họ không muốn con cái của mình bị ảnh hưởng", Alarcon nói.
"Những người khác đang tìm kiếm sinh kế, công việc kinh doanh mới. Có lẽ họ muốn tìm nơi mà họ có thể duy trì việc buôn bán", Alarcon cho biết.
Hôm 23/10, các quan chức quốc phòng tuyên bố cuộc chiến ở Marawi đã kết thúc sau cuộc đụng độ cuối cùng trong nhà thờ Hồi giáo, nơi hàng chục tay súng bị tiêu diệt.
Các chiến binh đã chiếm Marawi, trung tâm Hồi giáo của Philippines, vào ngày 23/5 trong cuộc nổi dậy mà Tổng thống Rodrigo Duterte và các nhà phân tích an ninh cho là nỗ lực để thành lập cơ sở ở Đông Nam Á cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thành phố Marawi nằm ở ven Hồ Lanao, miền Nam Philippines. Đồ họa: Inquirer. |
Chiến dịch tiêu diệt quân nổi dậy kéo dài 5 tháng đã buộc 400.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa, 1.100 người thiệt mạng và phá hủy phần lớn thành phố Marawi.
Ông Duterte đã tuyên bố thiết quân luật ở miền Nam Philippines, nơi có dân số khoảng 20 triệu người với đa số theo Hồi giáo, ngay sau khi cuộc xung đột ở Marawi nổ ra.
Ông nói rằng thiết quân luật là cần thiết để kìm hãm sự lây lan của làn sóng bạo lực và cực đoan Hồi giáo đã được IS truyền cảm hứng hoặc dẫn dắt. Thiết quân luật chưa được dỡ bỏ mặc dù cuộc xung đột đã kết thúc.