Tiếng súng vang lên từng hồi xen lẫn tiếng bom nổ đì đùng vào ngày 17/10, khi quân đội Philippines chiến đấu để giành giật những vùng đất cuối cùng ở Marawi còn nằm trong tay phiến quân Hồi giáo.
Việc tiêu diệt được 2 lãnh đạo chủ chốt của phiến quân mới đây đã thúc đẩy tinh thần các binh sĩ. Họ hy vọng cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc và lực lượng phiến quân còn thoi thóp sẽ sớm bị đánh bại hoàn toàn. Quân đội cho biết phe nổi dậy đang mắc kẹt trong khu vực rộng khoảng 2 ha.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố giải phóng thành phố Marawi ở miền Nam Philippines sau gần 5 tháng giao tranh với nhóm phiến quân thân IS, ngày 17/10. Ảnh: AP. |
Hôm 17/10, Tổng thống Duterte đã tới thăm vùng chiến sự. Trong tiếng reo hò của các binh sĩ đang trầm mình dưới mưa, trên sân khấu được dựng tạm tại một trường học bị phá hủy cách chiến địa khoảng 1 km, ông tuyên bố chiến thắng ở Marawi.
"Thưa quý vị, tôi xin tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi ảnh hưởng khủng bố", ông nói.
Hồi kết của cuộc chiến
Bên cạnh sân khấu, tấm banner lớn in hình các lãnh đạo phiến quân bị tiêu diệt được dựng lên. Ông Duterte và các binh sĩ đứng nghiêm chào khi tiếng nhạc tang lễ quân đội vang lên dưới trời mưa như trút nước để tưởng niệm hơn 160 binh lính và cảnh sát đã thiệt mạng.
Trả lời AP, Tướng Eduardo Ano, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho rằng tuyên bố của ông Duterte có nghĩa mối đe dọa từ phiến quân cuối cùng đã bị đẩy lùi.
"Họ như rắn mất đầu và không còn là một tổ chức nữa. Tuy nhiên, vẫn còn những cuộc đụng độ", ông nói.
Theo phát ngôn viên quân đội Restituto Padilla, hiện còn khoảng 20 đến 30 phần tử phiến quân ở Marawi, bao gồm 6 đến 8 chiến binh nước ngoài. Họ đang giữ khoảng 20 con tin, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Marawi, trung tâm của đức tin Hồi giáo giữa đất nước nơi đa số người dân theo Công giáo La Mã, đã bị tàn phá sau ngày 23/5, khi nhóm phiến quân liên quan tới lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành nổi dậy. Theo thông tin từ quân đội, hơn 1.000 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 847 phần tử phiến quân.
Các nhóm binh sĩ trở về chiến trường sau khi tham dự buổi lễ tuyên bố chiến thắng của Tổng thống Duterte ở thành phố Marawi, ngày 17/10. Ảnh: AP. |
Các quan chức quân đội cho biết hàng nghìn binh sĩ bảo vệ thành phố sẽ được rút bớt. Tuy nhiên, lượng lớn binh sĩ vẫn ở lại để giám sát tình hình, nhất là khi các cư dân trở về xây dựng lại cộng đồng. Các tay súng còn sót lại giờ được xem là trách nhiệm của cảnh sát.
Việc thành phố Marawi bất ngờ bị chiếm đóng với sự tham gia của các chiến binh nước ngoài đã gióng lên hồi chuông báo động ở Đông Nam Á và phương Tây.
Các nhà phân tích cho rằng miền Nam Philippines có nguy cơ trở thành cứ địa mới của IS khi tổ chức này bị các lực lượng quốc tế đẩy lùi khỏi Iraq và Syria.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Hôm 17/10, cờ Philippines đã được treo lên các tòa nhà ở Marawi. Các công trình và ngôi nhà ở đây đã bị tốc mái hoặc thủng lỗ chỗ vì hỏa lực. Tại các tòa nhà và giao lộ, các binh sĩ đứng canh gác cạnh những đống đổ nát.
Hôm 16/10, chính quyền xác nhận 2 nhân vật chủ chốt đứng sau cuộc nổi dậy là Omarkhayam Maute và Isnilon Hapilon, một trong những nghi phạm khủng bố bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy lùng gắt gao nhất, đã bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng.
Mahmud bin Ahmad, chiến binh hàng đầu từ Malaysia, người từng sử dụng bí danh Abu Handzalah và có liên hệ mật thiết với Hapilon, nằm trong số những phần tử phiến quân còn lại đang bị quân đội truy bắt.
Tại một hội trường được chuyển đổi thành trung tâm sơ tán bên ngoài Marawi, người dân vui mừng khi hay tin 2 lãnh đạo của nhóm phiến quân đã chết và mong sớm được quay lại để trở về cuộc sống bình thường. Họ bàn luận về tin tức và xem các bài đăng Facebook có hình ảnh của Hapilon và Maute.
Hàng trăm người dân sơ tán sống tạm bợ gần 5 tháng ở hội trường của thị trấn Balo-i, tỉnh Lanao del Norte sau khi chạy trốn khỏi thành phố Marawi. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi rất vui vì chúng đã không còn người lãnh đạo. Tôi hy vọng tất cả bọn chúng sẽ bị xóa sổ", Seima Munting, 40 tuổi, một bà mẹ 4 con, cho biết.
"Anh tôi nói rằng cuối cùng chúng ta cũng có thể về nhà, nhưng không biết là đến khi nào. Không biết khi quay về thì sẽ còn lại gì, nhà cửa còn không, chúng tôi có việc làm hay không?", cô nói.
Trong tình trạng nhếch nhác của các trung tâm di tản, những đứa trẻ vẫn ra đời. Saliha Mama cho biết cô đã sinh một bé gái trong rừng khi chạy trốn khỏi bom đạn một ngày sau khi cuộc nổi dậy ở Marawi bắt đầu.
Bé gái 4 tháng tuổi của cô giờ nằm trong võng khúc khích cười trong ánh mắt trìu mến của mẹ. Trong khi đó, Mama chỉ có thể gượng cười khi nói về những bất ổn mà gia đình cô phải đối mặt ngay cả khi cuộc khủng hoảng ở thành phố quê hương chấm dứt.