Pháp đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch từ ngày 11/5. Đây là nơi có biện pháp phong tỏa vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới. Trong hai tháng phong tỏa, người dân Pháp phải điền đơn chỉ để bước ra khỏi nhà. Tuy nhiên, người Pháp đang thử thách thức các giới hạn của chính phủ đặt ra trong khi lệnh phong tỏa chưa được tháo dỡ hoàn toàn. Trong ảnh là người dân Paris tụ tập bên bờ sông Seine để uống rượu vào ngày 27/5. |
Mặc dù Pháp đã nới lỏng lệnh phong tỏa, các quán bar vẫn đóng cửa. Truyền thống uống rượu trước bữa tối (apéro) của người Pháp đã chuyển ra ngoài: các nhóm đông người tụ tập ngoài những cửa hàng bán thức uống mang đi trên đường phố của Paris. Trong ảnh, người Pháp tụ tập bên ngoài bãi cỏ của điện Invalides. |
Các quán bar đã mở cửa trở lại và chỉ bán thức uống mang đi. Tuy nhiên, khách hàng thường nán lại bên ngoài để thưởng thức đồ uống. "Họ luôn buộc chúng tôi phải làm những việc trẻ con", Frédérick Cassea, một người đang dùng đồ uống với hai người bạn trước một quán bar ở quận 10, Paris nói. "Chúng tôi đều là người lớn, tất cả đều có trách nhiệm. Chúng tôi đều biết chuyện gì đang diễn ra". Ông Cassea cũng nói việc tụ tập uống rượu và các hành động phản kháng của người dân là phản ứng trước việc xử lý dịch bệnh thảm họa của chính phủ. "Đối xử với chúng tôi như trẻ con không có tác dụng lâu dài". |
Mặc dù pháp đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa, chính phủ Pháp vẫn đang rất thận trọng trong việc mở cửa lại Paris, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh nước Pháp đang trông chờ chính phủ tháo dỡ hoàn toàn phong tỏa, một số người đã bắt đầu xem nhẹ các biện pháp này. Ở Marseille, một số người đã tắm biển trái phép còn ở Strasbourg, một đám đông khoảng 300 người đã tập trung quanh một sân bóng vào hôm 24/5 để xem một trận đấu. |
Lo sợ người dân sẽ mặc kệ việc chống dịch, chính phủ Pháp trong nhiều tuần đã từ chối yêu cầu mở cửa công viên của thị trưởng Paris. Cho rằng chính phủ xem họ như "trẻ con", người dân Paris đã tụ tập bên ngoài quán bar hoặc dọc theo các con kênh của thành phố, bờ sông Seine hoặc bãi cỏ trước Invalides mà không đeo khẩu trang. Cảnh sát đã nhiều lần phải can thiệp. Trong ảnh, người Paris tụ tập ở quảng trường trước chợ Aligre. |
Vì công viên trong thành phố vẫn đóng cửa, người dân Paris phải tụ tập ngoài đường. Một trong những địa điểm được ưa thích là bên bờ sông Seine như trong ảnh trên. "Về việc một số người thiếu trách nhiệm và có hành vi không phù hợp, tôi thấy dễ hiểu vì chính phủ Pháp đáng lẽ nên hành động sớm hơn nhiều", ông Martin Legagneux, một người cũng đang uống rượu ngoài đường, nói với New York Times. Giống như hầu hết người Pháp, ông Legagneux tin rằng chính phủ Pháp đã chậm chạp và thiếu chuẩn bị để đối phó với đại dịch. |
Ở Pháp, "nhà nước là thiêng liêng, vẫn còn quân chủ và siêu việt. Vì vậy chúng tôi mong đợi rất nhiều ở nhà nước", ông Martin Wieviorka, một nhà xã hội học đang viết một cuốn sách về mối quan hệ giữa người Pháp và nhà nước, cho biết. "Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn nhất định. Chúng tôi muốn nhà nước lo mọi thứ. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn nhà nước cho phép chúng tôi quyết định những gì chúng tôi muốn". Vì vậy, người Pháp đang xem họ có thể thỏa hiệp được bao nhiêu với chính phủ, New York Times nhận định. |
Trong ảnh là các sĩ quan theo dõi việc chấp hành phong tỏa ở Paris tuần trước. Trong 55 ngày phong tỏa, cảnh sát Pháp đã thực hiện 20 triệu hoạt động kiểm tra tại chỗ ở những nơi công cộng và viết 1,1 triệu phiếu phạt, chủ yếu dành cho những người đi khỏi nhà mà chưa điền các mẫu đơn thích hợp. |
Những người chỉ trích nói rằng chính phủ Pháp đã xem người dân như trẻ con khi tuyên bố việc nới lỏng phong tỏa sẽ phụ thuộc vào hành vi của người dân. Điều này giống như phụ huynh đưa ra phần thưởng để động viên con mình. Đầu tháng 5, Bộ trưởng du lịch Pháp Jean-Baptiste Lemoyne nói có kỳ nghỉ hè hay không sẽ dựa vào biểu hiện của người dân trong giai đoạn mở cửa lại. |
Với công viên và quán bar vẫn đóng cửa, người dân Paris đã tụ tập ở mọi nơi có thể để uống rượu, bao gồm cả vòng xoay ở Quảng trường Nation. Các nhóm từ 2 đến 8 người tụ tập, chia sẻ thức ăn và cười nói rôm rả. "Nếu công viên mở cửa, tôi sẽ không đến đây. Nơi này quá ồn ào và ô nhiễm", ông Nabil Hamidi, một nhân viên ngân hàng 32 tuổi đang tụ tập với bạn ở vòng xoay Quảng trường Nation, nói. "Nhưng đây là nơi duy nhất còn mở cửa". |